Mọi quyết sách đều vì nước, vì dân
Lần đầu tiên trong
lịch sử, kỳ họp bất thường của Quốc hội được tổ chức nhằm thông qua những quyết
sách kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mà nếu để 6 tháng sau,
đến phiên họp thường kỳ mới quyết định sẽ làm chậm sự phát triển của đất nước,
khẳng định tinh thần hoạt động của Quốc hội tất cả vì mục tiêu tối cao: Đất
nước phát triển hùng cường, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Theo quy định tại Điều
90 - Luật Tổ chức Quốc hội: “…Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp
Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba
tổng số đại biểu yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường”.
Quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ Nhất là minh chứng rất rõ nét
cho tinh thần đổi mới của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thể hiện quyết tâm chính
trị mạnh mẽ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, luôn đặt lợi ích của đất nước, của
nhân dân ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách của Quốc hội.
Cùng với việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngay từ đầu nhiệm
kỳ, Quốc hội khóa XV thực sự phát huy tinh thần chủ động phối hợp cùng Chính
phủ để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn cấp bách của đất nước đặt ra. Trước
những thách thức mới do tác động từ dịch COVID-19, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ
xem xét, thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công;
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật
Điện lực; Luật Doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án
dân sự; thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát
triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ
triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Nghị quyết về
Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông
giai đoạn 2021-2025. Đây đều là các nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp
bách nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội có tác
động toàn diện đến sự phát triển của đất nước trong những năm tới, thu hút sự
quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và đông đảo quần chúng nhân
dân.
Thông qua việc quyết định, triển khai các chính sách tại kỳ họp bất thường này
sẽ tạo bước đột phá trong phục hồi nền kinh tế, tăng niềm tin của người dân,
doanh nghiệp vào các chính sách của Nhà nước, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt
Nam trong hỗ trợ, cải cách các văn bản pháp luật, khẳng định uy tín quốc gia
trên trường quốc tế.
Cách thức tổ chức kỳ họp thông qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội nối với 62
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (riêng Đoàn
đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội), việc biểu
quyết thông qua các nội dung sẽ lần đầu tiên được thực hiện trên hệ thống điện
tử cho thấy sự ứng phó linh hoạt với yêu cầu thực tiễn. Trong bối cảnh dịch
COVID-19 tại Hà Nội và một số địa phương đang diễn biến phức tạp khó lường, nếu
Quốc hội họp tập trung sẽ không phù hợp. Họp trực tuyến thông qua ứng dụng công
nghệ giúp đại biểu Quốc hội vừa bảo đảm an toàn, bắt nhịp với diễn biến thực
tế, vừa có thời gian, điều kiện giải quyết các công việc tại địa phương.
Thực tiễn tổ chức kỳ họp bất thường sẽ là kinh nghiệm tốt để Quốc hội tiếp tục
đổi mới phương thức tổ chức kỳ họp linh hoạt, chủ động hơn nhằm giải quyết kịp
thời các vấn đề thuộc thẩm quyền, hướng tới một Quốc hội hoạt động thường
xuyên, chuyên nghiệp hơn, thực hiện tốt vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất
của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nuớc cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam..
Nguồn:baobacninh.com.vn