Mở đường xây dựng quê hương
 

Từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh hôm nay đã “vươn mình đứng dậy” trở thành một cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ có được thành quả đó, phải ghi nhận Bắc Ninh đã đi trước một bước về quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông. Các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy tương ứng, toàn diện, hạ tầng giao thông của Bắc Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh hiện đại nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ và cả nước; nhất là hệ thống đường tỉnh và giao thông nông thôn.

 

Mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn…
Khi mới tách ra từ tỉnh Hà Bắc (năm 1997), Bắc Ninh mới chỉ có chừng hơn 100km đường nhựa (của 3 tuyến Quốc lộ chạy qua địa bàn (dài 86,8km) và 3 tuyến đường tỉnh: 282, 286 và 295) giao thông với quy mô, chất lượng và các điều kiện khai thác ở mức thấp, hệ thống đường tỉnh, đường huyện, giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất, cấp phối chật, hẹp; chưa có cầu bắc qua sông Đuống khiến tỉnh bị chia cắt thành 2 vùng Nam, Bắc Đuống… không đủ sức để thúc đẩy phát triển kinh tế. Xác định giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, là đòn bẩy quan trọng phát triển kinh tế, nên ngay lúc tái lập, BTV Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01/TV-TU, sau đó là Nghị quyết số 11 của HĐND tỉnh được thông qua với quan điểm tập trung nguồn vốn vào đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.
Thực hiện Nghị quyết số 01/TV-TU, năm 1998, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh triển khai xây dựng cầu Hồ để kết nối các địa phương 2 vùng Nam, Bắc Đuống. Chỉ sau 2 năm cây cầu dài hơn 600m, rộng 11m trở thành “huyết mạch” giao thông nối vùng Nam Đuống với trung tâm tỉnh lỵ. Đến nay, sau 22 năm, cây cầu lịch sử này vẫn mang trên mình trọng trách kết nối các tuyến đường đi các huyện phía Nam sông Đuống cũng như các tỉnh khu vực phía Đông Bắc.

 

anh tin bai

Nút giao thông phía Tây Nam thành phố Bắc Ninh được xây dựng đồng bộ, hiện đại tăng tính kết nối.


Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành GTVT cũng như cả hệ thống chính trị, sau 25 năm, hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các tuyến đường, cây cầu. Đến nay, toàn tỉnh có gần 6.500km đường giao thông các loại bao gồm: 4 tuyến QL dài hơn 125km, 14 tuyến đường tỉnh (gần 282km) và gần 6.200 km các tuyến đường nội thị, đường huyện, đường nông thôn được bê tông, nhựa hóa, đang tiệm cận các tiêu chí của giao thông đô thị tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, hiện đại. Cùng với đó là 2 cây cầu nội tỉnh (cầu Hồ, Bình Than); 5 cầu nối với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và gần 10 cầu cạn bắc ngang các tuyến QL1, QL18.
Có thể thấy, hạ tầng giao thông giữ vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chuỗi đô thị cũ và mới theo hướng hiện đại; kết nối các khu vực trên địa bàn tỉnh thuận lợi, nhanh chóng. Trong đó, các tuyến Quốc lộ 1, 18, 38 và 17 trở thành những trục đường “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh. Theo các tuyến Quốc lộ này, chủ trương phát triển công nghiệp của tỉnh phát huy hiệu quả với các KCN Tiên Sơn, Yên Phong và Quế Võ, VSIP, Thuận Thành… thu hút gần 2.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Minh Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT tỉnh vui mừng chia sẻ, hiện ngành GTVT tiếp tục triển khai hàng chục dự án xây dựng giao thông tập trung, trong đó trọng điểm là cầu Phật Tích- Đại Đồng Thành, các tuyến ĐT287, 278. Cùng với đó, ngành đang tích cực chuẩn bị các bước đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng, mở rộng cầu Ngà; đầu tư mở rộng cầu Hồ, xây mới cầu Chì và các tuyến Đường tỉnh 277B, 285B, 295C; phối hợp chuẩn bị đầu tư đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, xây dựng cầu Hà Bắc 1, 2, mở rộng cầu Như Nguyệt… tiếp tục tạo thêm những “xung lực” phát triển mới, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.


Phát triển giao thông thông minh
Với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh thì việc phát triển giao thông thông minh là một đòi hỏi tất yếu, phù hợp với xu thế chung. Để tạo nền móng ban đầu, Sở GTVT phối hợp với các đơn vị tham mưu, đề xuất UBND tỉnh sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng, đèn giao thông ít tiêu hao điện năng, tuổi thọ cao và gắn với các chế độ tắt mở thông minh, có thể giảm cường độ, tần suất chiếu sáng vào các khung giờ thấp điểm. Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các địa phương triển khai hệ thống camera tích hợp dữ liệu giao thông, ANTT trên các tuyến đường, trước mắt là các tuyến đường nội thị thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, nút giao QL38 với ĐT276 (đầu cầu Hồ thuộc địa phận huyện Tiên Du)…
Nhằm giúp người dân tiếp cận với lối sống đô thị thông minh, tỉnh triển khai nhiều chính sách thiết thực cải tạo và phát triển hệ thống xe buýt bao phủ trên diện rộng, khả năng tiếp cận của người dân dễ dàng, chất lượng dịch vụ ngày càng được cải thiện và lượng hành khách đi xe buýt liên tục tăng nhanh. Đến nay, toàn tỉnh có 8 tuyến xe buýt nội tỉnh với hơn 340 lượt xe đi qua tất cả các thị trấn, thị tứ lớn và 7 tuyến xe buýt liên tỉnh nối Bắc Ninh với thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hải Dương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân các địa phương.

 

anh tin bai

Cầu Phật Tích-Đại Đồng Thành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

 

Trong thời gian tới, Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng hợp phần Trung tâm điều hành quản lý giao thông thông minh theo hướng quản lý giao thông tích hợp bao gồm: Vận hành chung; giao diện người dùng chung; liên kết giữa các hệ thống; cải thiện hiệu quả và nâng cao năng suất. Từ đó, cải thiện hiệu quả mạng lưới đường bộ; giám sát giao thông; quản lý sự cố; quản lý tắc nghẽn giao thông; chia sẻ thông tin và hiệu quả vận hành. Trước hết là triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho người sử dụng xe buýt, xây dựng các bến xe buýt thông minh, cung cấp cho người sử dụng thời gian biểu xe buýt theo thời gian thực; khuyến khích người dân giảm dần sử dụng phương tiện cá nhân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Cùng với đó, xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng kết nối với mạng dữ liệu cho phép quản lý mức độ chiếu sáng theo đặc điểm từng khu vực để tiết kiệm năng lượng; điều tiết hướng dẫn giao thông, kiểm soát tải trọng, kiểm soát phương tiện lưu thông trên đường...
Với những bước đi căn bản và sự nỗ lực không ngừng hoàn thiện của các cấp, ngành, địa phương và sự trợ giúp của các bộ, ngành Trung ương, chắc chắn tỉnh Bắc Ninh sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu hoàn thiện, nâng cao năng lực cũng như tính kết nối liên vùng của hệ thống các tuyến đường; xây dựng hạ tầng giao thông thông minh tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, xứng đáng với vị thế là cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập