Miền quê trù phú nét dân gian
Có một địa danh mà đất và người ở đó không ngừng nỗ lực hoà mình vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế chung của đất nước đồng thời luôn giữ gìn, lan toả sâu sắc những giá trị văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc ta tự ngàn xưa. Bao lần trở đi trở lại nơi này, tôi luôn có cảm giác như một người con đi xa về với quê nhà ấm áp. Bắc Ninh-miền quê giàu nghĩa giàu tình, từ sân đình, cây đa, bến nước, ruộng đồng cùng những làn điệu Quan họ ngọt ngào da diết hôm nay làm đắm say bao trái tim du khách.

Đến với Bắc Ninh vào dịp đầu xuân, lòng người rộn ràng cờ hoa trống hội cùng bao nhắc nhớ tìm về nguồn cội văn hoá dân gian xưa từ đời sống tinh thần và lao động của người nông thôn miền Bắc. Mùa xuân ưu ái dành tặng chút nông nhàn cho người dân được nghỉ ngơi vui chơi bên những hội hè đình đám và gửi gắm lòng mình với đất trời, thần phật, tổ tiên mong cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, cho niềm hy vọng ước mơ về một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Hương xuân thánh thót trong ngần hoà vào ngày hội làng xã, đình đền nhộn nhịp. Hội Lim nức tiếng gần xa, hội Làng Đình Bảng nổi tiếng truyền thống kinh kỳ, làng Diềm vẻ vang hào hùng lịch sử trên quê hương “địa linh nhân kiệt”… Còn bao lễ hội chùa Dâu, chùa Dạm, chùa Bút Tháp hay Đền Đô… thờ thần Phật và các vị tướng có công dựng nước và giữ nước. Bao thế hệ già trẻ gái trai nơi đây cùng tự hào và nô nức đón chờ niềm vui mùa trảy hội. Những cụ già râu tóc bạc phơ say sưa luận bàn cờ tướng. Bao trai tráng thanh niên vạm vỡ đấu vật, hăng hái đua thuyền. Những nam thanh nữ tú vui trò bịt mắt đập niêu, kéo co vui nhộn. Tiếng cười chót vót trên bước cà kheo, tiếng cười ngả nghiêng theo nhịp đánh đu trên xà tre của lễ hội. Người nặn tò he tỉ mỉ khéo léo, những ông đồ nho nhã khăn xếp áo the mài mực nắn nót nét chữ trên khuôn giấy. Không gian và thời gian như ngưng đọng để trỗi dậy hồn cốt của làng quê, của văn hoá dân gian bao đời vẫn ấp ủ. Mọi lo âu dường như lắng lại, tiếng nói cười trò chuyện không ngớt cùng những trò chơi dân gian gắn liền tình yêu quê hương đất nước, gắn tình đoàn kết bạn hữu xóm làng.
Lễ hội mùa xuân trên mảnh đất Bắc Ninh còn tái hiện lại nét đẹp giản dị của bao thế hệ người miền Bắc xa xưa với những bộ quần áo nâu, yếm trơn váy đụp mộc mạc tảo tần. Từ trong lao động sản xuất, hình ảnh người nông dân cứ lành như cây lúa củ khoai sớm tối thôn Đông thôn Đoài, mềm mại như tơ tằm dệt lụa Tam Sơn, bền bỉ như gốm Phù Lãng, chắc nịch như đồng Đại Bái hay sắt rèn Đa Hội, vui tươi mộc mạc nhưng sâu sắc tựa tranh Đông Hồ… Đó là những cái tên làng nghề lâu đời đậm đà bản sắc, là hồn cốt của miền quê Kinh Bắc xưa nay. Để thấy được vẻ đẹp lạc quan yêu đời trong lao động sản xuất hăng say của người dân nơi đây nói riêng hay của bao người nông dân chân lấm tay bùn xứ Bắc.

 


Tôi cùng mùa xuân thong dong dạo bước trên mảnh đất Bắc Ninh thanh bình. Đôi chân cứ dùng dằng đi ở, dùng dằng nhớ thương, vấn vương bao lời Quan họ “Người ơi người ở đừng về”. Những lời ca tiếng hát mượt mà đằm thắm cứ vang, rền, nền, nảy khắp bốn bề quê như chính lời, ăn, nết, ở của người Kinh Bắc ý nhị khiêm nhường. Những liền anh nho nhã khoan thai với khăn xếp, áo the, guốc mộc sánh bước cùng bao liền chị thướt tha dịu dàng bên khăn mỏ quạ và áo tứ thân để hát lên những làn điệu giao duyên, đón khách, mời trầu… Yểu điệu thục nữ sau vành nón ba tầm, quân tử hảo cầu khi che ô và chỉnh quạt. Những làn điệu ngọt ngào chẳng để gió cuốn bay, chẳng để mưa lung lay, chỉ để người nghe thổn thức đắm say mang về, như lời ai ví von “Nghĩa người em để trong cơi/Nắp vàng đậy lại để nơi giường nằm”.
Hỏi bao nhiêu cây cau ở làng quê bây giờ lẻ bóng, bao nhiêu giàn trầu không người hái xanh um. Thì này đây trầu têm cánh phượng, cánh quế như tấm lòng nhân nghĩa sắt son bày khắp bàn nước bàn trà trong lễ hội. Các cụ già bỏm bẻm răng đen, đàn ông, phụ nữ viền môi thắm đỏ, nam thanh, nữ tú cũng chạm miếng thoả chí tò mò, khách gần khách xa nâng niu ngắm mãi. Hồn cốt làng quê, câu chuyện của làng quê, tấm lòng của miền quê hiếu khách luôn bắt đầu bằng những cơi trầu thảo thơm như thế.
Tiếng trống rộn ràng trong lễ hội, cờ hoa rực rỡ muôn nơi, người người nô nức thành đoàn rước kiệu, lễ vật thành kính dâng lên các chư vị thần phật trong trời đất. Mái đình cổ kính vút cong, lư hương thơm ngát khói cuộn vòng, nét tượng từ bi, hình hạc cao quý, bóng rùa nhẫn nại… âm dương thật thanh bình. Mùa xuân với bao lễ hội truyền thống đậm đà văn hoá dân gian làm bừng sáng, làm chứa chan cả một miền Bắc Ninh văn hiến. Cội nguồn dân tộc, cội nguồn quê hương luôn là một niềm đau đáu nhớ thương mà bất kì con dân đất Việt nơi đâu luôn thổn thức tìm về. Và chính những nét đẹp văn hoá dân gian của miền quê Kinh Bắc đã làm lay động lòng người, cho chúng ta thêm hiểu thêm yêu và biết ơn trân trọng, giữ gìn học tập những điều ông cha đã truyền lại.
Để miền quê này có sự trù phú giàu đẹp như hôm nay, cả đất và người nơi đây đã cùng nhau giữ gìn lan toả vốn văn hoá truyền thống của thế hệ đi trước song song với những bước tiến, thành tựu rõ rệt trong chuyển đổi công nghiệp hoá và hiện đại hoá nền kinh tế chung cả nước. Một Kinh Bắc-cái nôi của văn hoá dân gian truyền thống của miền nông thôn giản dị thanh bình, một Bắc Ninh năng động nhạy bén xứng tầm thành phố trẻ hiện đại góp phần phồn thịnh cho quốc gia. Mọi thành quả không nhất định nằm trong con số mà nằm trong nụ cười ấm no hạnh phúc của người sinh ra lớn lên và gắn bó nơi đây, nằm trọn trong tim tôi và trong niềm ngưỡng mộ của bao du khách gần xa đã có dịp ghé qua nơi này. Mùa xuân đang thì thầm nhắn nhủ, ai về Bắc Ninh hôm nay mà nồng nàn, đắm say thổ lộ lời nhớ, lời thương tặng dành cho miền đất hứa.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập