Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số
09-NQ/TU ngày 11-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX về “Đẩy mạnh
phát triển thương mại, dịch vụ tỉnh Bắc Ninh theo hướng văn minh hiện đại đến
năm 2025”, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích
cực, thị trường hàng hóa và dịch vụ mở rộng, hoạt động ngoại thương có bước đột
phá.
Hạ tầng viễn thông công
nghệ thông tin đồng bộ thúc đẩy thương mại điện tử.
Ngay sau khi có Nghị
quyết, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức triển khai, quán triệt đến cán bộ,
đảng viên, công chức và người lao động và đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương
tiện thông tin đại chúng. Thông qua học tập, quán triệt Nghị quyết, nhận thức
của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của thương mại, dịch vụ theo hướng văn
minh hiện đại trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh
được nâng lên và chuyển hóa bằng các hoạt động thực tiễn. Các ngành, địa phương
căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình hành động và cụ thể hóa vào
các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đẩy mạnh công tác
quảng bá, xúc tiến thương mại, dịch vụ, du lịch, dự báo thị trường, hỗ trợ xây
dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử.
Tăng cường công tác quản lý thị trường, đầu tư đổi mới công nghệ, tiết kiệm
điện năng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho
doanh nghiệp trong xu thế hội nhập…Nhờ vậy, hoạt động thương mại, dịch vụ phát
triển lên tầm cao mới, thu hẹp khoảng cách giữa thị trường khu vực thành thị và
nông thôn. Hạ tầng thương mại, dịch vụ được đầu tư, đa dạng hóa các kênh
phân phối gắn kết giữa giữa Bắc Ninh với các địa phương trong và ngoài nước.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2021 đạt hơn
12,3%/năm, trong đó hàng điện tử chiếm từ 60-65%. Dịch vụ tài chính, ngân hàng
ngày càng mở rộng, năm 2021 có 165 đầu mối ngân hàng, tổ chức tín dụng với hơn
1.000 phòng giao dịch được phân bổ rộng khắp toàn tỉnh, góp phần cung cấp vốn
tín dụng cho các cơ sở kinh tế mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Dịch vụ
vận tải phát triển, cùng với hệ thống các cảng cạn ICD và 14 trung tâm kho vận
logistics, 25.000 phương tiện kinh doanh vận tải (tăng gấp 4,3 lần năm 2015),
vận chuyển 19 triệu hành khách và vận chuyển 40 triệu tấn hàng hóa (gấp 1,3 lần
năm 2015). Dịch vụ du lịch được quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng gắn du
lịch văn hóa với làng nghề truyền thống.
Dịch vụ logistics phát
triển mạnh kết nối thông suốt vận chuyển hàng hóa trong và ngoài tỉnh nhanh,
hiệu quả.
Dịch vụ y tế tăng
trưởng bình quân 5,5%/năm, dịch vụ giáo dục tăng 7,2%/năm giai đoạn 2016 -
2020. Thị trường bảo hiểm có bước phát triển khá, các doanh nghiệp bảo hiểm
(nhân thọ và phi nhân thọ) như Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm xăng dầu, Bảo hiểm
dầu khí, Prudential, AAA,… đưa ra nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu
của khách hàng. Hạ tầng viễn thông được đầu tư đồng bộ, đã triển khai mạng 5G
tại KCN Yên Phong. Hệ thống bưu cục và các điểm phục vụ bưu chính được mở rộng,
đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử và phục vụ giải quyết thủ tục
hành chính. Xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh bước đầu đạt kết
quả như: Vận hành thử nghiệm trung tâm dữ liệu thành phố thông minh; lắp đặt
khoảng 300 camera an ninh, khoảng 1000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4… góp
phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh
nghiệp và cải thiện vị trí của Bắc Ninh trong các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh. Các
loại hình dịch vụ kinh doanh bất động sản, tư vấn hỗ trợ cá nhân và cộng đồng
được mở rộng quy mô, đa dạng về hình thức, loại hình và chất lượng…
Cùng với sự phát triển của các loại hình thương mại, dịch vụ truyền thống, thị
trường Bắc Ninh đa dạng các loại hình tổ chức phân phối, phương thức kinh
doanh, tạo nhiều điểm mua sắm cho người tiêu dùng với 3 Trung tâm thương mại,
26 siêu thị, hơn 300 cửa hàng tiện ích; 3 tuyến phố chuyên doanh; hệ thống các
cửa hàng chuyên doanh đồ điện tử, điện thoại, điện máy của các thương hiệu lớn
như Viettel, FPT, Điện máy xanh… Đây có thể coi là một điểm nhấn quan trọng về
văn minh thương mại, góp phần đưa thị phần của thương mại văn minh hiện đại
trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đang gia tăng nhanh. Tổng
mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ từ các loại hình bán lẻ hiện đại (tăng
22% so với năm 2015). Số lượng chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh thương
mại, dịch vụ tăng gấp 2,38 lần so với năm 2015. Hoạt động thương mại điện tử đã
và đang từng bước đi vào cuộc sống, việc khai trương và vận hành sàn TMĐT Bắc
Ninh (ecombacninh.vn) đã kịp thời hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, HTX
quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, góp phần mở rộng thị trường
tiêu thụ… Thay vì kinh doanh theo phương pháp truyền thống, doanh nghiệp thực
hiện chuyển đổi số, chú trọng xây dựng website, vận hành hệ thống kinh doanh
qua các công cụ trực tuyến như email, mạng xã hội... nhằm tiết kiệm thời gian
và đạt hiệu quả tích cực, linh hoạt hơn trong hoạt động giao dịch sản xuất,
kinh doanh, tăng khối lượng khách hàng cũng như sản lượng tiêu thụ. Phương thức
giao dịch thương mại điện tử phát triển góp phần làm thay đổi hành vi kinh
doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thanh thanh toán kịp thời, chính
xác…
Có thể thấy trong điều kiện tình hình kinh tế trong nước và thế giới nói riêng
chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chủ nghĩa bảo
hộ, cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt diễn ra căng thẳng,
nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, đặc biệt năm 2020, 2021 bị tác
động của đại dịch COVID-19… Việc triển khai đưa Nghị quyết 09 vào cuộc sống
không chỉ kịp thời tháo gỡ những khó khăn trên, mà còn tạo lực đẩy lớn để Bắc
Ninh phát triển thương mại, dịch vụ hiện đại, văn minh và chủ động hội nhập
kinh tế quốc tế.
Nguồn:baobacninh.com.vn