Linh hoạt các giải pháp duy trì sản xuất, ổn định việc làm
Kết thúc năm 2022, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn để khắc phục, điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với những biến động trên thị trường trong nước và quốc tế. Vì thế, việc triển khai các giải pháp duy trì sản xuất, tạo việc làm để giữ chân người lao động khi bước vào năm mới là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay. Tuy các doanh nghiệp có sự chủ động nhưng vẫn mong các chương trình hỗ trợ được tiếp tục gia hạn hoặc triển khai thêm .

Sản xuất kết cấu thép công nghiệp tại Công ty CP WE Contructions (KCN Quế Võ 2).


Ngay từ những ngày đầu năm, các doanh nghiệp trong tỉnh đã bắt tay triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Dù có nhiều khó khăn nhưng mỗi DN đều linh hoạt trong điều hành sản xuất, kinh doanh để vượt qua giai đoạn này. Nếu như thời điểm sau Tết Nguyên đán 2022, Công ty TNHH Minh Anh (thành phố Bắc Ninh) chuyên gia công các sản phẩm may mặc xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản phải tăng cường thêm tranh thiết bị, máy móc và nhân lực để đáp ứng các đơn hàng của đối tác thì thời điểm hiện tại, số lượng đơn hàng từ các nhà phân phối bị sụt giảm nghiêm trọng. Theo bà Hà Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Công ty tuy sản xuất bị ảnh hưởng nhưng doanh nghiệp vẫn cho lao động làm hàng dự trữ để chờ cơ hội phục hồi. Hiện tại công ty tìm một hướng mới để bảo đảm việc làm cho người lao động, đó là sản xuất, gia công các sản phẩm hướng đến thị trường trong nước. Tập thể cán bộ, công nhân viên công ty đang nỗ lực và đặt hy vọng khi mùa sản xuất mới bắt đầu. Bên cạnh đó, DN cũng đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng, chiến lược phát triển, phát triển mảng sản xuất mới để người lao động có việc làm, không bị giảm sút thu nhập.
Tương tự, Công ty TNHH Goertek Vina (KCN Quế Võ) chuyên sản xuất và gia công sản phẩm âm thanh và đa phương tiện điện tử; sản xuất, lắp ráp và gia công lõi dây kết nối mạch in của điện thoại di động... cũng đang triển khai kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Theo kế hoạch, năm 2023, Goertek sẽ triển khai thêm 1 dự án mới, chuyên sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng, thiết bị truyền thông, thiết bị và dụng cụ quang học… Dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024. Sau thời gian tìm hiểu và đàm phán, Tập đoàn Goertek quyết định thuê lại 62,7 ha đất tại KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh để đầu tư dự án thứ 3. Ông Yoshinaga Kazuyoshi, Tổng Giám đốc công ty cho biết năm 2023 đánh dấu mốc 10 năm doanh nghiệp có mặt tại Bắc Ninh. Từ khi thành lập nhà máy tại tỉnh, các cấp, ngành của tỉnh luôn tạo điều kiện để công ty phát triển. Thời gian tới, dù còn những tác động tiêu cực từ thị trường thế giới nhưng Công ty sẽ linh hoạt, tìm các giải pháp tối ưu, hiệu quả nhất có thể, thử nghiệm nhiều phương án mới để tăng doanh thu và giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp cận các đối tác mới để mở ra cơ hội hợp tác, cung ứng sản phẩm cho đối tác mới.
Nhận định từ các chuyên gia kinh tế, nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp vẫn sẽ còn chịu ảnh hưởng không nhỏ vì các đơn hàng bị cắt giảm do kinh tế toàn cầu suy thoái. Vì thế, để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn rất cần kéo dài thời hạn các gói hỗ trợ ít nhất đến hết năm 2023. Đồng thời, ban hành thêm các quy định và chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn như: giảm thuế, miễn các loại phí, lệ phí, giảm tải áp lực lên DN; có chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn thu nhập không ổn định. Xem xét giảm giá điện, nước, phí sử dụng hạ tầng, giảm thuế thu nhập DN, giảm mức đóng bảo hiểm cho người lao động; miễn đóng quỹ phòng chống thiên tai, quỹ Công đoàn... Song song đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính từ hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, xuất nhập khẩu… để DN có thể tiếp nhận nguồn nguyên vật liệu nhanh nhất và xuất khẩu thuận lợi.
Theo ông Lưu Văn Toản, Tổng Giám đốc Công ty CP WE Contructions (KCN Quế Võ 2) thì dòng vốn luân chuyển trong sản xuất, kinh doanh của hầu hết các DN đang có vấn đề. Đối với các doanh nghiệp hiện nay, giữ được việc làm và chăm lo cho người lao động được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nhưng chỉ riêng sự nỗ lực của DN thôi thì chưa đủ, mà cần có thêm các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các tổ chức liên quan. Để hỗ trợ kinh tế nói chung, các DN nói riêng, chính quyền cần xem xét và sớm ban hành chương trình phát triển kinh tế giai đoạn 2023-2025 phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới. Đặc biệt là việc các nước đã và đang nhập khẩu hàng của Việt Nam có tình hình lạm phát khá cao. Đồng thời, tìm giải pháp để hỗ trợ DN tiếp cận các thị trường mới, giảm bớt lệ thuộc vào những thị trường xuất khẩu lớn đang gặp khó khăn. Các giải pháp cần phải đồng bộ để DN từng bước ổn định, duy trì sản xuất; giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập