Thời gian qua, từ
Trung ương đến các địa phương liên tục diễn ra các hội nghị về chuyển đổi số,
hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành của chính quyền phục vụ người dân,
doanh nghiệp. Điều đó khẳng định chuyển đổi số quốc gia là vấn đề cấp thiết
nhằm thúc đẩy đất nước hội nhập, phát triển.
Xác
định chuyển đổi số là công cụ đột phá để phát triển bền vững, Bắc Ninh sớm ban
hành Nghị quyết số 52 và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 52 của Tỉnh
ủy về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm
2030. Ngoài tích cực tham gia các cuộc tập huấn, hội nghị của Trung ương, UBND
tỉnh còn tổ chức khai trương phần mềm phản ánh kiến nghị của nhân dân trên
thiết bị di động. Đây được coi là đột phá tạo kênh thông tin quan trọng để
chính quyền lắng nghe, thấu hiểu và xử lý hiệu quả những kiến nghị của nhân dân
ngay từ gốc.
Việc sớm đề ra chủ trương và các biện pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trong
chuyển đổi số khẳng định quyết tâm xây dựng thương hiệu một Bắc Ninh trong hội
nhập và phát triển với ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Kết
quả chuyển đổi số của Bắc Ninh được quốc gia ghi nhận và chính quyền nhiều
tỉnh, thành phố đến học tập.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện. Để
thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số ở Bắc Ninh cần sự vào cuộc quyết
liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và mọi công dân. Trước hết, tăng cường
sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trách nhiệm của người
đứng đầu trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn dân tạo nền
tảng chuyển đổi số. Lấy xây dựng công dân số là trọng tâm, là điểm khởi đầu có
tính quyết định. Bởi công dân số sẽ tạo ra xã hội số, nhu cầu số, thị trường
số, doanh nghiệp số và nền kinh tế số.
Đi liền là xây dựng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên số. Tất cả các ngành,
cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm bồi đắp cho nguồn tài nguyên dùng chung,
tránh tình trạng cát cứ về dữ liệu, không liên thông, không kết nối dữ liệu số.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng cần triển khai và áp dụng tốt công nghệ
thông tin làm nền tảng cho chuyển đổi số. Thông qua công nghệ thông tin và tài
nguyên số để nâng cao hiệu quả điều hành và tăng cường sự tương tác giữa chính
quyền với nhân dân. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần lựa chọn vấn đề then
chốt để triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Mặt khác, đơn vị thường trực giúp
Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh phải xây dựng được bộ công cụ nhằm đo lường,
đánh giá được kết quả chuyển đổi số ở các đơn vị, địa phương, từ đó tham mưu
khắc phục kịp thời các lỗ hổng bảo đảm quá trình chuyển đổi đồng bộ, thông suốt
và phát huy hiệu quả.
Một điều không thể thiếu trong chuyển đổi số là an toàn an ninh mạng. Ban chỉ
đạo Chuyển đổi số của tỉnh cần tăng cường chỉ đạo hoạt động an ninh mạng, phải
sớm tối ưu nguồn lực, tăng cường hiệu quả đầu tư an toàn thông tin.
Lấy công dân số làm trung tâm, là khởi điểm, đồng thời thực hiện đồng bộ các
giải pháp theo Kế hoạch 313, ngày 09-06-2022 của UBND tỉnh giúp công dân tham
gia đầy đủ vào quá trình chuyển đổi, tin rằng Bắc Ninh sẽ sớm thành công trong
cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện đưa quê hương Quan họ phát triển lên tầm cao
mới.
Nguồn:baobacninh.com.vn