Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Năm 1945, Chiến tranh Thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Ngày 09/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ở châu Á, ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và quân đội của Tưởng Giới Thạch sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp lăm le dựa vào Đồng minh hòng khôi phục địa vị thống trị của mình; đế quốc Mỹ đứng sau các thế lực này cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương; những phần tử phản động, ngoan cố trong chính quyền tay sai Nhật âm mưu thay thầy đổi chủ, chống lại cách mạng.

Cách mạng nước ta đứng trước tình thế phải một mình đối phó với nhiều lực lượng trong và ngoài nước. Khí thế cách mạng của quần chúng ngày càng dâng cao. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: Tập trung, thống nhất, kịp thời.

Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định Quốc kỳ, Quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền.

Từ ngày 14 - 18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam… Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu… Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre… Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân. 

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, từ trung tuần tháng 6/1945, hệ thống tay sai của phát xít Nhật ở cấp cơ sở thực chất đã về tay cách mạng, ở cấp huyện chỉ còn là hình thức. Từ ngày 17- 22/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được tiến hành nhanh gọn, với sự nổi dậy của toàn dân, chính quyền ở 10 phủ, huyện và tỉnh Bắc Ninh đã về tay cách mạng. Cùng với cả nước, nhân dân Bắc Ninh tiến bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, sau gần 25 năm tái lập, tỉnh Bắc Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, ngoạn mục, bứt phá, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với nhiều chỉ tiêu nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước: Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 6,6%/năm; 6 tháng đầu năm 2021, tăng 7,45%. Năm 2020, quy mô nền kinh tế tỉnh đạt 205.000 tỷ đồng (đứng thứ 8 cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt 6.200 USD (đứng thứ 3 cả nước); thu nhập bình quân đầu người đạt 79,9 triệu đồng/người (đứng thứ 5 cả nước); quy mô sản xuất công nghiệp đạt giá trị 1,3 triệu tỷ đồng (đứng đầu cả nước); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 72 tỷ USD (đứng thứ 2 cả nước); thu ngân sách đạt 30.547 tỷ đồng (đứng thứ 9 cả nước); FDI đứng thứ 6 cả nước... Công nghiệp điện tử là ngành mũi nhọn với tỷ trọng chiếm hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, khẳng định vững chắc vai trò “đầu tàu” cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021) thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2021), công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp Nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về bối cảnh lịch sử, nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Hai là, tuyên truyền khẳng định sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và sáng suốt của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta từ khi thành lập nước cho đến nay. Trong đó nhấn mạnh những thành quả to lớn của đất nước, của tỉnh đạt được trong 76 năm qua.

Ba là, công tác tuyên truyền về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nhằm bảo đảm đúng định hướng, hiệu quả. Bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với các hoạt động thiết thực, cụ thể, các nội dung tuyên truyền cần cổ vũ, động viên, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với đất nước, với tỉnh, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025.

                                                            Lưu Văn Tuấn

                    Trưởng phòng Thông tin, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập