Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một nội dung quan trọng, cấp bách được xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội vừa khai mạc sáng 5/1.
Nội dung này được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm bởi Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch. Đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII: Đây là công việc lần đầu tiên chúng ta làm, rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm, song rất quan trọng và cấp thiết, các bộ, các ngành, các địa phương trong cả nước hiện đang rất mong đợi.
|
Quy hoạch tổng thể quốc gia là một nội dung quan trọng, cấp bách được xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 (Ảnh: Phạm Thắng) |
Chính phủ đã chỉ ra, sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của đất nước như phát triển vùng, liên kết vùng chuyển biến tích cực, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước; bước đầu đã hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, liên vùng, nhất là các hành lang gắn với các đô thị lớn; không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế…
Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức như không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính; liên kết vùng tuy đã được chú trọng nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đầu tư phát triển vẫn còn dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của đất nước. Chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ và hiện đại, kết cấu hạ tầng giao thông chưa được hoàn thiện, hạ tầng năng lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển; một số công trình hạ tầng xã hội quan trọng chậm được đầu tư. Hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, tính liên kết còn yếu, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tác động lan tỏa còn hạn chế…
Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hạn chế, yếu kém trong tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua được chỉ ra là: Tư duy phát triển dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; Thiếu quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia để xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ trên phạm vi cả nước; Công tác quy hoạch chưa được coi trọng đúng mức, chất lượng chưa cao; Thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế liên ngành, liên vùng, khắc phục tình trạng cục bộ địa phương; Chưa dành nguồn lực thích đáng để đầu tư hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, các vùng; các khu vực ưu tiên phát triển như vùng động lực, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế; Phát triển bền vững chưa trở thành tư duy chủ đạo trong hoạch định và thực hiện chính sách phát triển.
Nhìn từ những thành tựu và hạn chế cho thấy, kinh nghiệm rút ra từ công tác quy hoạch và tổ chức không gian đất nước giai đoạn vừa qua là phải coi trọng công tác hoàn thiện thể chế về tổ chức lập, quản lý và thực hiện quy hoạch. Đồng thời việc huy động, sử dụng nguồn lực phải xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển cân bằng và phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế cạnh tranh từng vùng, tạo được các động lực, đột phá phát triển. Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phải đi trước, được xây dựng theo cách tiếp cận tích hợp, tổng thể, phối hợp đa ngành, hài hòa lợi ích giữa các ngành, vùng, địa phương, lấy lợi ích quốc gia là cao nhất...
Có thể thấy, mặc dù Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề rất lớn, rất khó, rất phức tạp nhưng Chính phủ đã nỗ lực chuẩn bị để các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm xem xét và quyết định tại kỳ họp. Người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì xây dựng dự thảo Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện theo đúng quy trình của Luật Quy hoạch, đã huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước... Đã triển khai xây dựng 41 hợp phần quy hoạch; tổ chức nhiều hội thảo khoa học, hội nghị tham vấn các tổ chức quốc tế và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chính phủ đã nghiên cứu, cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của Đảng và nhà nước.
Dành mối quan tâm lớn đến nội dung này, ngay trong phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có những định hướng hết sức cụ thể về các vấn đề cần tập trung thảo luận. Đó là về xác định các quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển; dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển; định hướng về phát triển không gian kinh tế - xã hội; không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời, phân vùng và liên kết vùng; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia trong thời kỳ; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch…
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào sáng ngày 06/01; thảo luận ở hội trường vào sáng ngày 07/01 và dự kiến biểu quyết thông qua trong phiên bế mạc chiều 09/01.
Chủ tịch Quốc hội đã nêu rõ: “Căn cứ Tờ trình, hồ sơ trình của Chính phủ, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, nếu đủ điều kiện, quyết định thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia theo thể thức tại một kỳ họp, bảo đảm tính khoa học và khả thi”.
Tin tưởng rằng, các vị đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc hoàn thiện Quy hoạch, để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là một công cụ để quản trị phát triển đất nước./.
Nguồn:dangcongsan.vn