Kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh 4 tháng đầu năm 2023

          Suy thoái kinh tế thế giới gia tăng trong những tháng đầu năm 2023 làm cho nhu cầu toàn cầu sụt giảm đã trực tiếp tác động lên chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp. Cụ thể là: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2022 tiếp tục xu hướng, giảm nhiều (-19,61%) so với cùng tháng năm trước, tính chung 4 tháng năm 2023 giảm (-18,47%) so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh là: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm nhiều lần lượt tháng 4/2023 giảm (-21,02%) và 4 tháng 2023 (-19,65%). Nguyên nhân sụt giảm nhiều do ngành công nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng của nhiều doanh nghiệp công nghiệp liên tục giảm, chi phí đầu vào không ngừng tăng cao.

          Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2023 giảm nhiều (-13,13%) so với cùng thời điểm năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023 giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu chậm lại làm sản lượng sản xuất giảm xuống, đồng thời kéo theo lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm.

          Mặc dù, tỉnh đã có nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tuy nhiên tháng 4/2023 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tiếp tục giảm (-8,4%) so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 giảm (-9,1%) so với cùng kỳ năm trước.

          Tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 đều có sự tăng trưởng rất cao (+24,5%) so với cùng kỳ năm trước, là những dấu hiệu tích cực khi đời sống sinh hoạt của người dân dần trở về trạng thái của những năm trước dịch Covid-19.

          Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm 2023 (Do số liệu xuất nhập khẩu không có số liệu ước tính tháng 4/2023 - theo nguồn của Tổng cục Hải quan) đạt 16,9 tỷ USD, giảm nhiều (-17,96%) so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 9,3 tỷ USD, giảm 13,8%, tuy nhiên, hiện Bắc Ninh đang xếp thứ 2 cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh. Cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2023 xuất siêu 2,3 tỷ USD. 

          Giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn 4 tháng đầu năm tiếp tục được kiểm soát không có biến động lớn về giá cả thị trường.

          Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; đăng ký kinh doanh; đời sống dân cư và tình hình trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định và không có biến động nhiều.

          Một số giải pháp vượt qua khó khăn hiện nay

          (1) Đầu tư công sẽ là một động lực then chốt cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm nay và các năm tiếp theo, giúp thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan khác. Cùng với đó là chính sách nới lỏng tiền tệ trong tháng 3 vừa rồi, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng mang lại tác động đa chiều, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.

          (2) Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp công nghiệp trong thời kỳ lạm phát các nước tăng cao, suy thoái kinh tế diễn ra là thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp và giảm sút (đặc biệt là xuất khẩu). Vì vậy, doanh nghiệp rất cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, …

          (3) Các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công. Cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng đảm bảo đúng quy định của Luật xây dựng là cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư của dự án, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công.

          (4) Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình khuyến công địa phương năm 2023 để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị. Các ngành cần tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

          (5) Đối với các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống, cụ thể các thị trường bắc Âu, đông Âu, Mỹ La Tinh...

                                                                                                                                                        Nguồn:Cuốn TTSHCB số 4 năm 2023
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập