Giữa những mảng màu ảm đạm của bức tranh kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng, Ngân hàng UOB nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 từ mức 7% lên 8,2%.

Giá năng lượng tăng vọt, áp lực lãi suất FED và bức tranh suy thoái toàn cầu

Kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, kinh tế thu hẹp, đầu tư thương mại giảm sút, dấu hiệu suy thoái đã hiện ra rõ rệt, ảnh hưởng tới đầu tư, tăng trưởng của tất cả các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

 Sau đại dịch COVID - 19, nền kinh tế phục hồi trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và du lịch.
Ảnh KD

Theo báo cáo thường niên của Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy: khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng. Kinh tế thế giới đang đối mặt với những khó khăn bậc nhất kể từ sau thế chiến thứ 2. Khủng hoảng lần này là cuộc khủng hoảng chồng chéo. Đại dịch COVID-19, chiến tranh, lạm phát đang tác động nặng nề lên nền kinh tế. Các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển sẽ khó phục hồi trong thời gian trung hạn.

Cuộc chiến Nga – Ukraine làm cho giá lương thực và năng lượng tăng vọt, tác động đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Nợ công đang chiếm 40% tổng nợ toàn cầu - mức cao nhất trong 6 thập kỷ trở lại đây. Nước Nga cung cấp 45% tổng năng lượng cho toàn châu Âu; châu Âu phụ thuộc năng lượng vào Nga, coi Nga là một thùng dầu giá rẻ cho đến một ngày cuộc chiến nổ ra, Nga dùng đòn trả đũa năng lượng làm cho một số nước châu Âu hiện nay như: Đức, Balan, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ... phải cúp điện luân phiên. Châu Âu phụ thuộc nặng nề vào nguồn ngũ cốc của Nga, khi Nga và Ukraine cung cấp trên 75% lượng lúa mì toàn cầu.

Lạm phát Mỹ tăng cao, Cục dự trữ liên bang – Ngân hàng trung ương Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất từ tháng 7/2022 và khả năng còn tiếp tục tăng trong tháng 11/2022 nhằm kiềm chế lạm phát trong nước. Tuy  nhiên, con số lạm phát của nước Mỹ không có dấu hiệu giảm tích cực. Người dân Mỹ ngày càng  phải “thắt lưng buộc  bụng”  chi tiêu, trong bối cảnh Lễ Giáng Sinh và năm mới 2023 đang tới gần.

Đại dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng toàn cầu vào 2 năm trước đến nay đã được kiểm soát. Sau đại dịch hàng loạt các công ty, tập đoàn bị phá sản, biến mất khỏi thị trường. Ở Việt Nam, ngành bị  ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là ngành du lịch lữ hành. Đại dịch đến đã khiến Tập đoàn lữ hành Viettravel bị xóa tên trên bản đồ du lịch; hãng bay Jestar pacific được Chính phủ sáp nhập vào Vietnam airline. 

Kinh tế Việt Nam – đầu tàu châu Á

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến Nga – Ukraine, giá năng lượng tăng vọt, người dân một số nước châu Âu phải cúp điện luân phiên; người dân Mỹ chứng kiến lạm phát cao kỷ lục, giá cả các mặt hàng leo thang... thì tình hình kinh tế Việt Nam ngay cả trong 2 năm đại dịch COVID - 19 đến nay vẫn giữ đà tăng trưởng ổn định, tỉ giá tiền đồng so với đồng đô la Mỹ chịu ảnh hưởng ít nhất so với các đồng tiền khác trong khu vực. Giá năng lượng và tình hình lạm phát được Chính phủ kiểm soát, điều tiết tài tình làm cho thị trường Việt Nam là điểm sáng thu hút vốn của các Nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các chuyên gia của ngân hàng quốc tế UOB: Việc Việt Nam sớm mở cửa trở lại và nới lỏng di chuyển kể từ đầu năm, thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 15,4 tỉ USD (Quý 2), trong đó Singapore là quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam.

Sau đại dịch COVID - 19, nền kinh tế phục hồi trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và du lịch. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021. Sở dĩ chúng ta có được thành tựu kinh tế như hôm nay, do phản ứng kịp thời của Chính phủ với những gói hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản xuất; biện pháp kiềm chế lạm phát có hiệu quả với những thay đổi khó lường của FED. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) cần được duy trì mức 52,2 điểm.

Vị trí của ngành sản xuất là động lực tăng trưởng, do đó các nhóm hàng tăng sẽ  thúc đẩy phát triển việc làm, sản xuất kinh doanh và mua hàng. Tỉ lệ lạm phát giữ ở con số thấp, chi phí đầu vào- đầu ra giữ ở mức độ tăng nhẹ. Các công ty đã nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn, cải thiện tình hình xuất khẩu.

Sản xuất Việt Nam vẫn được coi là thuận lợi, trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm. Người dân châu Âu và Mỹ chỉ mua những mặt hàng thiết yếu, xứng đáng với giá trị đồng tiền. Thậm chí, thay vì vứt bỏ những đồ điện và điện tử cũ như trước kia, bây giờ họ mang đi sửa chữa để dùng. Nếu các công ty Việt Nam tiếp tục cung cấp ra thị trường Âu, Mỹ với các sản phẩm chất lượng và giá cả cạnh tranh, chiếm được lòng tin khách hàng thì khối lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam dự sẽ giữ ổn định và vẫn có tăng trưởng.

Tăng trưởng ngoại thương ổn định của Việt Nam, xuất siêu đạt 6,52 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm, được báo chí quốc tế miêu tả với các cụm từ: “mạnh mẽ”, “đột phá”, “kỷ lục”...

Việt Nam có 32 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD, có 6 mặt hàng doanh thu vượt mốc 10 tỉ USD. Trong 5 năm tới, các chuyên gia kinh tế đánh giá: Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực Asean trong lĩnh vực xuất khẩu toàn thế giới. Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ phát triển trên qui mô lớn. Trong 5 năm qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất lọt Top 10 quốc gia hàng đầu về tốc độ và qui mô tăng trưởng thương mại.

Do tình hình chính trị thế giới bất ổn, Mỹ “xuất khẩu” lạm phát tới hầu hết các nước trên thế giới nhưng  những nghiên cứu và nhận định của các tập đoàn kinh tế lớn thế giới vẫn nhận thấy: tiềm năng phát triển mạnh mẽ và dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy về Việt Nam trong những năm tới. Minh chứng là, dòng vốn FDI đổ vào BĐS Công nghiệp tăng gấp đôi trong 9 tháng đầu năm 2022. Các Hiệp định thương mại tự do, tỷ giá hối đoái ổn định hơn so với các nước láng giềng, kinh tế trọng tâm phát triển, xây dựng được lòng tin với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc ổn định kinh tế vĩ mô một thời gian dài.

Việt Nam là miền đất hứa của khu vực châu Á, với nguồn lực lao động dồi dào, trình độ chuyên môn cao, công nhân chuyên cần, trách nhiệm; hoạt động thương mại cởi mở: xóa bỏ các rào cản, hấp dẫn các nhà đầu tư, ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, đảm bảo các yêu cầu về môi trường...

Với độ mở xếp thứ 5/35 thị trường châu Á, Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất ở Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các chính sách tự do hóa kinh tế của Chính phủ và sự hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các Hiệp định thương mại.

Bức tranh kinh tế toàn cầu cuối năm 2022- 2023  bao trùm một màu u ám, bởi Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách Zero COVID - 19, cuộc chiến Nga- Ukraine chưa thấy hồi kết, lạm phát “ăn mòn” nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ có thể dẫn tới cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Đứng trước bối cảnh đầy khó khăn, Chính phủ đã từng bước điều phối, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa nguyên vật liệu đầu vào, chủ động đa phương hóa cách thức sản xuất để thích ứng với thị trường. Chính phủ giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, làm thông thoáng pháp lý để thu hút ngày càng nhiều dòng vốn đầu tư từ nước ngoài.

Chính phủ đang cố gắng đưa con tàu kinh tế Việt Nam “vượt bão” theo cách riêng của mình, đang đạt những bước khởi sắc chưa từng thấy từ trước tới nay./.           

                                                                                                     Nguồn:dangcongsan.vn