Năm 2022, trong bối cảnh các nước đang chịu tác động
từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo
thang và lãi suất tăng mạnh; lãi suất làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ
trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, còn Trung Quốc tiếp tục áp đặt
các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 và ngành bất động sản của
nước này suy yếu… IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở
mức 3,2%, sau mức tăng trưởng toàn cầu năm 2021 là 6%. Điều này phản ánh sản lượng
cao hơn dự báo ở châu Âu, song hoạt động kinh tế yếu kém ở Mỹ. Cụ thể, IMF dự
báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay sẽ là 1,6%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với
dự báo trước đó. “Ngược dòng” kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục duy trì ổn định.
Trong đó, tỉnh Bắc Ninh vẫn đạt được tăng trưởng GRDP 7,39%.
Tỉnh Bắc Ninh sớm nhận định được tình hình khó
khăn do tác động bất lợi của các yếu tố khách quan bên ngoài mang lại.Vì vậy,
ngay từ đầu năm toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, đồng
thời sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Cụ
thể, bức tranh kinh tế của tỉnh Bắc Ninh trong năm 2022 như sau:
Tăng trưởng GRDP của tỉnh: Trong đó, khu vực công
nghiệp, chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chủ đạo.
Ước tính GRDP trên địa bàn tỉnh
năm 2022 tăng 7,39% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng cao nhất trong giai đoạn
2018-2022. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS)
tăng 0,52% và đóng góp 0,02 điểm phần trăm tăng trưởng chung; công nghiệp-xây dựng
(CN-XD) tăng 6,49% và đóng góp nhiều nhất 4,92 điểm phần trăm (riêng ngành công
nghiệp tăng 6,93% và đóng góp 5,03 điểm phần trăm); các ngành dịch vụ tăng nhiều
nhất 13,67% và đóng góp 2,34 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm
tăng 2,83% và đóng góp 0,11 điểm phần trăm.
Hoạt
động tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đảm bảo an toàn, ổn định, liên tục, góp phần kiềm
chế lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội địa
phương. Ước tính đến cuối tháng 12/2022, tổng dư nợ tín dụng tăng 19% so với
thời điểm cuối năm 2021. Nợ xấu tăng hơn so với thời điểm cuối năm 2021, tuy
nhiên do tổng dư nợ tăng cao; tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên cùng xu hướng với tăng
tổng dư nợ tín dụng là 1,19%.
Thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương tỉnh Bắc
Ninh tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá
Do đó giá cả hàng hóa không có biến động nhiều.
Tính đến hết tháng 11/2022, bình quân 11 tháng CPI tăng
2,89% so với cùng kỳ năm trước; giá vàng tăng trở
lại, có thời điểm đạt đỉnh trong vòng 3 tháng qua, giá đô la Mỹ hiện cũng đạt
ngưỡng cao. Giá vàng tăng 2,13%, giá đô
la Mỹ tiếp tục tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực doanh nghiệp có xu hướng phục hồi
tích cực
Năm 2022, số Doanh nghiệp thành lập mới và số
Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Đây là những tín hiệu rõ nét cho thấy tinh thần khởi sự kinh doanh, niềm tin của
cộng đồng Doanh nghiệp đã dần trở lại, khu vực Doanh nghiệp đã có sự phục hồi
khá nhanh. Ước tính
có gần 2,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký và vốn đăng ký
bình quân 1 Doanh nghiệp bị giảm xuống, tổng vốn đăng ký bổ sung khoảng 20 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước
giảm 19%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 8,2 tỷ đồng,
giảm 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, vẫn còn tâm lý thận trọng của Doanh nghiệp trong quá trình bỏ
vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như gặp khó khăn trong việc tiếp cận
vốn. Mặt khác, dịch bệnh kéo dài “bào mòn” sức lực của nhiều doanh nghiệp. Việc
số Doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng trong năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ
năm trước, cho thấy phần nào khó khăn của các Doanh nghiệp khi tái gia nhập thị
trường trong bối cảnh hiện nay.
Tăng trưởng xuất, nhập khẩu tiếp tục là gam màu
sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh trong năm 2022
Năm 2022, là một năm đầy biến động đối với mọi
lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Nhưng nhờ sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng
doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI đã duy trì sản xuất và
xuất khẩu, với kim ngạnh xuất nhập khẩu ước đạt 91,7 tỷ USD tăng 10,2% so với
năm 2021 (nguồn ước tính Cục Hải quan tỉnh). Trong đó, kim ngạch xuất khầu hàng
hóa ước đạt 48,4 tỷ USD, tăng 7,8%. Đối với nhập khẩu, năm 2022, ước đạt 43,3 tỷ
USD, tăng 13,1%. Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu của tỉnh đứng thứ 2 cả
nước sau Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên cán cân thương mại Thành phố Hồ Chí
Minh nhập siêu rất lớn hơn 14 tỷ USD, ngược lại Bắc Ninh lại xuất siêu hơn 6 tỷ
USD.
Đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh còn
nhiều dư địa cho tăng trưởng
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh năm
2022 ước tính 63,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3%. Về thu hút đầu tư FDI, tuy số lượng
dự án và vốn đăng ký mới duy trì thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vốn
điều chỉnh tăng cao nên tổng vốn đăng ký và điều chỉnh đạt gần 2 tỷ USD, tăng đột
biến gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tập trung chủ yếu ngành
công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng hơn 90%.
Dự báo kinh tế Bắc Ninh năm 2023
Năm 2023, kinh tế thế giới được hầu hết các tổ
chức quốc tế dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong
ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh
chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga-Ukaine và việc điều
chỉnh chính sách của các nước lớn sẽ có những tác động khó lường.
Ở trong nước, Chính phủ đặt mục tiêu kế hoạch
GDP năm 2023 của cả nước tăng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm; … Các giải pháp tập trung gồm tiếp tục ưu tiên
giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm
các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong tỉnh, do nền kinh tế của Bắc Ninh đã hội
nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, với các ngành sản xuất sản phẩm điện tử
có quy mô lớn sẽ chịu tác động mạnh. Hiện nay theo dự đoán, thị trường điện thoại
thông minh sẽ giảm. Người dùng có xu hướng giữ các máy điện thoại hiện tại lâu
hơn thay vì nâng cấp liên tục và sẽ giảm chi tiêu cho điện thoại mới. Ngoài ra,
nguồn lực mới là các dự án FDI được cấp phép trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh
không có suất đầu tư lớn và khả năng sẽ không có đột phá trong thu hút đầu tư
năm 2023.
Dự báo tăng trưởng GRDP năm 2023 của tỉnh ở mức
tăng từ 6,5-7%. Với kế hoạch này, mức tăng trưởng bình quân mỗi năm giai đoạn
2021-2023 sẽ lần lượt tăng từ 6,63%/năm đến 6,79%/năm.
Một số kiến nghị nhằm phục
hồi và tăng trưởng bền vững
Nhìn chung, trước những
biến động khó lường cả về kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới cũng như những
vấn đề mang tính nội tại, nếu không có những nỗ lực, quyết tâm tăng trưởng kinh
tế của tỉnh Bắc Ninh có thể gặp nhiều khó khăn. Do đó các giải pháp phải thực
hiện sắp tới đó là:
Năm 2023, cần phải tiếp
tục giữ được ổn định kinh tế của tỉnh. Tiếp đó cần đẩy mạnh giải quyết những điểm
nghẽn lớn hiện nay là đầu tư công. Nhất là giải ngân được nguồn vốn.
Thứ
hai, phải có biện pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân. Chú trọng việc
khơi thông nguồn vốn, tạo môi trường lành mạnh.
Thứ
ba, tạo
cơ chế để việc giải quyết vấn đề đầu tư, tránh chuyện "sợ không dám làm" kéo theo
bộ máy trì trệ, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, đặc biệt, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô
hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế
xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
Thứ năm, bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn
tỉnh cũng cần phải cải thiện mô hình kinh doanh, tái sắp xếp lại chuỗi cung ứng
đầu vào để tận dụng triệt để ưu đãi thuế quan từ các FTA và thâm nhập vào thị
trường mới.
Nguyễn
Đức Chinh,
Trưởng
phòng Thống kê Tổng hợp,
Cục Thống
kê tỉnh Bắc Ninh
Nguồn:Cuốn Thông tin SHCB số 12 năm 2022