Kinh tế Bắc Ninh đứng thứ 8 cả nước sau 25 năm tái lập

Sau 25 năm tái lập, tỉnh Bắc Ninh có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Quy mô kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.

Năm 1997, khi mới tái lập tỉnh - Bắc Ninh vẫn là tỉnh thuần nông, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành (GDRP) mới đạt 2.020 tỷ đồng (tương đương 182,6 triệu USD), xếp thứ 8/11 tỉnh/thành phố thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng và đóng góp không đáng kể (0,64%) vào GDP cả nước.

Với sự năng động, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nên quy mô kinh tế đã tạo bước đột phá. Giai đoạn 1997-2010 là những năm định hình mô hình phát triển kinh tế, với việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hình thành các khu công nghiệp tập trung, củng cố các cụm công nghiệp làng nghề, thu hút vốn đầu tư các tập đoàn kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ,... nhằm xây dựng nền tảng. Đến năm 2010, quy mô GRDP (giá hiện hành) đạt 38,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 1.984 triệu USD), gấp 10,9 lần năm 1997, chiếm 1,8% GDP cả nước; xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Hồng và ở nhóm trên 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Giai đoạn 2011-2021, với nền tảng của gần 15 năm trước và cùng với sự gia tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp FDI, đã tạo đà để Bắc Ninh “tăng tốc”. Đến năm 2021, quy mô GRDP đã tăng lên 227,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 9.878 triệu USD), gấp gần 5 lần năm 2010 và gấp 54,1 lần năm 1997; chiếm 2,71% GDP cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là dấu ấn quan trọng, đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế cả nước.

Từ một tỉnh thuần nông, với nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, nhờ định hướng đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp với nhiều cơ chế, chính sách được vận dụng linh hoạt đã góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế. Năm 1997, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất (45%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 23,8%; khu vực dịch vụ chiếm 31,2%.

Giai đoạn 2001-2010, với sự góp mặt của các doanh nghiệp FDI thuộc các tập đoàn lớn đầu tư vào các ngành công nghiệp đã góp phần đưa khu vực công nghiệp - xây dựng tăng nhanh về quy mô và đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đến năm 2010, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống còn 9,7%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng lên 52,6% và khu vực dịch vụ chiếm 30,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 7,3%. Giai đoạn 2011-2021, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, hai khu vực còn lại tiếp tục giảm. Đến năm 2021, tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 77,3% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng nhỏ nhất với 2,7%. Trong khi, tỷ trọng khu vực dịch vụ sụt giảm khá nhiều, do quy mô công nghiệp tăng nhanh và từ năm 2020 lại bị tác động của dịch COVID-19, nhiều ngành dịch vụ sụt giảm sâu, nên tỷ trọng đến năm 2021 còn 16,1%; còn tỷ trọng thuế sản phẩm duy trì ở mức 3,9%.

Tính chung 25 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt 13,9%/năm. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, và thủy sản tăng thấp nhất (+2,2%/năm); khu vực công nghiệp – xây dựng khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế với tốc độ tăng đạt 17,9%/năm, còn khu vực dịch vụ cũng đạt tốc độ tăng hai con số với 12%/năm.

Quy mô kinh tế mở rộng, cơ sở kinh tế tăng nhanh đã góp phần gia tăng các nguồn thu cho ngân sách. Từ năm 2011, Bắc Ninh là tỉnh thứ 13 tự cân đối và có điều tiết về ngân sách Trung ương (7%/năm). Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 33,26 nghìn tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1997-2021 là 23,7%/năm; tỷ lệ thu ngân sách so với GRDP tăng từ 9,8% năm 1997 lên 14,6% năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng cao cũng như quy mô kinh tế tăng nhanh, Bắc Ninh không chỉ góp phần trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, mà còn đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước. 

Nguồn:bacninh.gov.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập