Kinh tế 6 tháng đầu năm - Dấu ấn thành công của mục tiêu kép

Năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, dù trong bối cảnh hết sức khó khăn do tác động của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 song Bắc Ninh vẫn nỗ lực đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 7,45%, đóng góp quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 song với sự quyết tâm cao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, Bắc Ninh đã khẩn trương triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp với nhiều sáng tạo chưa từng có tiền lệ. Nhờ đó nhanh chóng kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời duy trì và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra. Tính đến hết 6 tháng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 61.115 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 7,45% so cùng kỳ; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,59%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,86%; dịch vụ tăng 2,61%; thuế sản phẩm tăng 3,29%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng: Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 76,19%; dịch vụ chiếm 16,49%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,49%; thuế sản phẩm chiếm 3,84%.
Sản xuất công nghiệp vẫn giữ vai trò đầu tầu của nền kinh tế và đạt mức tăng trưởng cao. Nhờ tận dụng tốt các cơ hội của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và sự dịch chuyển của nền kinh tế toàn cầu nên sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp trong tỉnh có sự phục hồi và phát triển mạnh trong 4 tháng đầu năm. Sang tháng 5 và 6, mặc dù dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát mạnh, song với quyết tâm không để gián đoạn chuỗi liên kết toàn cầu và làm đứt gãy nền kinh tế của lãnh đạo tỉnh, Bắc Ninh đã nhanh chóng, kịp thời, sáng tạo triển khai nhiều giải pháp “chưa từng có tiền lệ” để bảo vệ sản xuất. Điển hình là hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn triển khai cho người lao động ở, ăn và làm việc tại nhà máy, vừa duy trì sản xuất, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong nhà máy cũng như trong cộng đồng. Nhờ đó, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vẫn được duy trì, đạt tăng trưởng tốt. Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng vẫn tăng 10,88% so cùng kỳ; GRDP khu vực công nghiệp tăng 9,84%...
Ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 là các lĩnh vực thương mại- dịch vụ bởi sự ngưng trệ của hầu hết các hoạt động buôn bán, dịch vụ, du lịch với hàng loạt các cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành... phải tạm đóng cửa. Tuy nhiên, do chủ động, sẵn sàng các phương án của các đơn vị kinh doanh nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng vẫn ước đạt 29,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7%. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất vẫn duy trì, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm tốt nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao, ước đạt 35,2 tỷ USD, tăng 27,5%; trong đó, xuất khẩu ước 19 tỷ USD, tăng 29,5%. Đối với lĩnh vực nông , lâm nghiệp và thủy sản luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo kịp thời từ khâu quy hoạch sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi sang sản xuất sạch, công nghệ cao, nâng dần tỷ trọng chăn nuôi với các mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi liên kết và nhất là kết nối tiêu thụ sản phẩm nên giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 58,2% kế hoạch năm, tăng 8,1% so cùng kỳ và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây...

 

anh tin bai

Các doanh nghiệp FDI duy trì và đẩy mạnh sản xuất trong điều kiện chống dịch COVID-19.


Thành công trong thực hiện mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao của Bắc Ninh ngoài nguyên nhân chủ động, sáng tạo, kịp thời và linh hoạt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 còn bắt nguồn từ tầm nhìn và những quyết sách mang tính chiến lược, lâu dài và hiệu quả của lãnh đạo tỉnh ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XX Đảng bộ tỉnh. Đó chính là việc tạo lập một môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế trọng điểm, mũi nhọn, có tiềm năng, phù hợp với xu hướng chuyển dịch của kinh tế toàn cầu, nhất là những ngành công nghiệp công nghệ cao. Chính từ đó, lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Kết quả là, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) của tỉnh năm 2020 đã tăng 46 bậc, đứng thứ 4/63, đưa Bắc Ninh trở lại là 1 trong 5 tỉnh có điểm số cao nhất trên cả nước; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đứng thứ 9/63 (tăng 24 bậc), nằm trong nhóm các tỉnh có mức hài lòng cao; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đạt 85,3% (tăng 3,1%), đứng thứ 17/63 (tăng 1 bậc), nằm trong nhóm B...
Đặc biệt, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã thành lập nhiều Đoàn công tác đến làm việc với các doanh nghiệp và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên trực tiếp đi kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; làm việc với Trung tâm Hành chính công tỉnh; triển khai xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp đơn giản hóa các thủ tục hành chính... để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh. Điều đó không chỉ trực tiếp giúp các doanh nghiệp duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh mà còn tạo lập uy tín, vị thế ngày càng cao của Bắc Ninh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính riêng thu hút đầu tư trong nước 6 tháng đã cấp mới đăng ký đầu tư tăng 17,4% về số lượng dự án và gấp 5,14 lần quy mô vốn đầu tư so với cùng kỳ. Đối với đầu tư nước ngoài đã cấp mới 63 dự án, tổng vốn 397,4 triệu USD (tuy giảm 35% số lượng dự án nhưng tăng gấp 2 quy mô vốn so với cùng kỳ); Lũy kế, hiện có 1.674 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn 20 tỷ 136,8 triệu USD. Đặc biệt, toàn tỉnh đã thành lập mới 1.120 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 13.008 tỷ đồng và 368 đơn vị trực thuộc (tăng 1% về số lượt thành lập mới, tăng 45% về số vốn so cùng kỳ)…
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì những dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế của Bắc Ninh một lần nữa khẳng định đường hướng chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã được Bắc Ninh thực hiện đầy quyết tâm, chủ động, linh hoạt và sáng tạo với một tinh thần đoàn kết, thống nhất rất cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Đây chính là tiền đề quan trọng để tỉnh kiên định thực hiện thành công “mục tiêu kép” một cách lâu dài, vừa phòng chống dịch hiệu quả, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của năm 2021 và những năm tiếp theo.

 

                                                                     Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập