Đoàn khảo sát kiểm tra tình hình sử dụng nguồn vốn vay thanh niên khởi nghiệp tại cơ sở sản xuất kinh doanh của chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (Yên Phong).
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Yên Phong đang triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách gồm: Cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay phụ nữ khởi nghiệp và thanh niên khởi nghiệp. Đến ngày 31-12-2022, tổng nguồn vốn đạt 449.379 triệu đồng, tăng 22,3% so với năm 2020; tổng dư nợ đạt 449.326 triệu đồng với 11.784 khách hàng còn dư nợ, tăng 81.846 triệu đồng so với năm 2020.
Nguồn vốn được đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng; các dự án cho vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả, chấp hành tốt việc trả nợ gốc, trả lãi và các quy định của Ngân hàng; dự án, phương án sản xuất kinh doanh đều có tính khởi nghiệp hoặc sản phẩm mới, sản phẩm mang tính sáng tạo, có tính cạnh tranh trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tệ cho vay nặng lãi, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Yên Phong còn một số khó khăn: Nguồn lực từ ngân sách địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách nói chung còn hạn hẹp trong khi nhu cầu vốn của người dân rất lớn; một số cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa thực sự quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; nhu cầu vốn vay để giải quyết việc làm đối với lao động nông thôn, lao động bị thu hồi đất sản xuất và các đối tượng chính sách khác rất lớn, trong khi đó nguồn vốn từ trung ương và vốn từ ngân sách địa phương cho các chương trình này còn rất hạn chế và chưa đủ đáp ứng nhu cầu…
Đoàn khảo sát đề nghị thời gian tới huyện tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách tín dụng trên địa bàn, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng quy định của từng chương trình tín dụng chính sách; tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay đúng đối tượng, hiệu quả.