Kích cầu đầu tư công, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng
Sau hơn 2 năm bị kìm hãm bởi đại dịch COVID,
Chính phủ và các địa phương đang thể hiện quyết tâm phục hồi nền kinh tế với
nhiều giải pháp linh hoạt.
Quý I chứng kiến sự
bứt tốc nhanh của một số ngành kinh tế trọng điểm với mức tăng trưởng (GDP) của
cả nước là 5%. Bắc Ninh đóng góp trong đó với mức tăng 7,63%. Sự phục hồi kinh
tế nhanh chóng sau những đợt dịch COVID -19 đã cho thấy nội lực và tiềm năng
phát triển kinh tế của Bắc Ninh. Song xét về tổng thể vẫn cần khơi thông một số
điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế về dài hạn.
Là trung tâm sản xuất công nghiệp trong khu vực, Bắc Ninh luôn linh hoạt trong
phòng, chống dịch, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng ngay cả trong những giai
đoạn cam go nhất. Việc triển khai tiêm vắc-xin thành công tạo nền tảng cho tỉnh
duy trì hoạt động các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp mở. Từ cuối năm 2021,
tỉnh bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp
tục phục hồi tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng (1,8%)
và vốn đăng ký (8,6%) so cùng kỳ; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng
khá cao (31%) ở tất cả các lĩnh vực; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng
9,79%…. Hiệu lực của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu
Âu (EVFTA) đã giúp doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng thị trường hàng xuất khẩu,
nhất là những sản phẩm như máy tính và điện thoại.
Tuy trong quý I chứng kiến sự hồi phục của nền kinh tế sau những hạn chế của
đại dịch COVID-19, nhưng do tình hình đại dịch khiến các nhà máy, xưởng sản
xuất thiếu nhân công, cùng với yếu tố bất ổn về địa chính trị trên thế giới có
thể tạo áp lực lớn đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm. Quyết tâm
của Chính phủ trong việc phục hồi kinh tế, mở cửa trở lại, bình thường hóa mọi
quan hệ, ổn định kinh tế vĩ mô, là yếu tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong
giai đoạn hiện nay. Để hiện thực hóa quyết tâm này, một trong những giải pháp
tiên quyết đó là kích cầu đầu tư công, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư
phát triển. Bởi thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có “ý nghĩa kép”, không chỉ
kích thích chi tiêu tức thời trong giai đoạn ngắn để kích thích tăng trưởng, mà
còn có ý nghĩa lâu dài là tạo ra kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế
dài hạn, thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn tiếp theo.
Năm 2022, theo kế hoạch vốn Chính phủ giao (tại Quyết định số 2048/QĐ-TTg) Bắc
Ninh giải ngân 6.890 tỷ đồng; Kế hoạch vốn HĐND tỉnh tại Nghị quyết số
88/NQ-HĐND ngày là 7.196 tỷ đồng; Kế hoạch vốn UBND tỉnh giao cho UBND cấp
huyện và phân bổ chi tiết cho chủ đầu tư các dự án cấp tỉnh quản lý là
6.081 tỷ đồng. Song hiện nay tỉnh mới giải ngân được hơn 11,5 % kế hoạch
vốn Chính phủ giao và 11,1% vốn kế hoạch HĐND tỉnh phê duyệt. Với nguồn lực lớn
như vậy, nếu không quyết liệt và có trách nhiệm trong giải ngân, sẽ rất khát
vốn cho đầu tư phát triển. Vì vậy, để giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư công,
UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư dự án đầu tư công tiếp tục thực hiện quyết
liệt, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nâng cao trách
nhiệm người lãnh đạo, lấy kết quả thực hiện dự án, tiến độ giải ngân làm
căn cứ đánh giá thi đua cuối năm. Các chủ đầu tư thực hiện đúng chế độ báo cáo
hàng tháng, quý, 6 tháng, năm đối với việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư
công theo quy định. Chủ tịch UBND cấp huyện nghiêm túc triển khai các giải pháp
để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch và vốn phân bổ.
Giải ngân nguồn vốn đầu tư công như mạch máu lan tỏa vào mọi lĩnh vực của nền
kinh tế để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Nguồn:baobacninh.com.vn