Đến nay, sau khoảng 3 tháng thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tối ưu hóa quá trình giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Phó Giám đốc Trung tâm HCC tỉnh Đào Thu Hà nhấn mạnh: Nổi bật trong cụ thể hóa Chỉ thị số 10 là việc thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận TTHC trên môi trường điện tử; phối hợp đẩy mạnh các dịch vụ công thiết yếu; kết nối triển khai thực hiện biên lai điện tử trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh để tăng tỷ lệ thanh toán trực tuyến, gắn với chuyển đổi số…
Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Để hỗ trợ công dân tiếp cận TTHC trên môi trường điện tử, Trung tâm HCC tỉnh phân công cán bộ trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ công dân tạo tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia khi đến giải quyết TTHC tại Trung tâm. Đẩy mạnh đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình hoặc một phần… Theo kết quả đánh giá trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, tính đến ngày 30-9-2023, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt trung bình 74% (tăng 46% so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 10). Trong đó, cấp tỉnh đạt tỷ lệ 77% (tăng 40%), cấp huyện đạt tỷ lệ 73% (tăng 48%).
Trung tâm HCC tỉnh thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ thực hiện tiếp nhận TTHC bảo đảm đúng quy trình số hóa; triển khai cung cấp dịch vụ thu phí và lệ phí không dùng tiền mặt theo hướng đa dạng, tiện ích góp phần tăng tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến… Kết quả, tỷ lệ số hóa thủ tục, thành phần hồ sơ TTHC trong toàn tỉnh đạt trung bình 80% (tăng 67% so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 10). Trong đó, cấp tỉnh tăng 65% và cấp huyện tăng 68%); số hóa được 4.980 kết quả TTHC; tỷ lệ số hóa hồ sơ thanh toán trực tuyến trên tổng số hồ sơ có phát sinh nghĩa vụ tài chính trong toàn tỉnh tăng trung bình 40% so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 10.
Tuy nhiên về tiến độ giải quyết, tính đến hết ngày 30-9, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh vẫn còn tình trạng hồ sơ quá hạn ở cả cấp tỉnh và cấp huyện. Trong đó, số lượng hồ sơ quá hạn ở cấp huyện chiếm đa số, với 3.718 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 20,73% (nguyên nhân chủ yếu do lỗi từ hệ thống phần mềm).
Gắn nhiệm vụ cải cách TTHC với chuyển đổi số, nhất là hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 (ngày 10-10), Trung tâm HCC tỉnh chỉ đạo triển khai mô hình “Quầy Thanh niên hỗ trợ công dân” trong giải quyết TTHC, nhằm hướng dẫn, hỗ trợ công dân bấm số thứ tự, đăng ký tài khoản, thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến; phối hợp với Tập đoàn VNPT và Viettel cấp miễn phí chữ ký số cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng công nghệ số của Trung tâm như: Website, Zalo, Fanpage, nhằm tích cực lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và tác động tích cực của chuyển đổi số trong giải quyết TTHC…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giải Quyết TTHC trực tuyến gắn với chuyển đổi số trong thời gian tới, Trung tâm HCC tỉnh phối hợp đẩy nhanh thực hiện lộ trình số hoá, tạo lập dữ liệu về kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực tại kho dữ liệu của tỉnh; phối hợp kiểm tra, cấu hình lại quy trình giải quyết TTHC nhằm đảm bảo xác định đúng trạng thái chậm muộn; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện giải quyết TTHC ở cả 3 cấp, đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến; phối hợp đẩy mạnh cung cấp chữ ký số miễn phí, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.