Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty Kefico, Hải Dương. Ảnh: VGP 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”... “Cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 10/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không để làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.

Thực hiện lời dạy của Người, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn là quyết tâm của Việt Nam suốt chặng đường 78 năm qua, đặc biệt là sau 37 năm đổi mới. Bên cạnh thực hiện nhiều các nhiệm vụ trọng tâm, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng chăm lo, nâng cao đời sống người dân, nhất là những người nghèo, đối tượng yếu thế với phương châm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Điều đáng nói, quan điểm, chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo đã được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng được minh chứng bằng những thực tế thuyết phục và toàn diện. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.

Mục tiêu này đang được hiện thực hóa với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công tác giảm nghèo đã thu được nhiều kết quả nổi bật, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao cả về thành tựu và cách thức tiếp cận, giải quyết vấn đề nghèo đói. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam còn tới 58,1% nhưng đến năm 2015 đã giảm xuống còn 9,88%. Tới năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ là 3,75% và năm 2020 còn 2,75%. Năm 2021 giảm xuống còn 2,23%, năm 2022 giảm 1-1,5% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, giảm 3,2%, đạt mục tiêu. Đáng chú ý, theo báo cáo Hạnh phúc thế giới 2023 của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 năm 2023...

Tuy nhiên, xã hội càng phát triển, khoảng cách giàu nghèo càng rộng hơn, rõ hơn và vì thế việc thoát nghèo lại trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, chỉ cần một cơn bão sẽ cuốn đi bao thành quả của công cuộc giảm nghèo, những người khó khăn càng khó khăn hơn, những hộ thoát nghèo lại đứng trước nguy cơ tái nghèo. Trong khi đó, ở nước ta hằng năm có tới hơn mười cơn bão đổ bộ, chưa kể mưa lũ bất thường tàn phá nhiều nhà cửa, tài sản và cướp đi mạng sống của bao người. Việt Nam chưa bao giờ hết gian nan trong cuộc chiến với thiên tai.

Chưa hết, dưới tác động khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, đời sống một bộ phận người dân cũng không ngoại lệ. Tính đến hết tháng 11/2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 1 triệu người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022...

Nhưng cũng từ trong gian khó ấy, những tấm lòng nhân ái, những nghị lực phi thường chính là động lực để cộng đồng cùng nhau khơi dậy tinh thần chung tay vì người nghèo. Các phong trào như: “Cả nước chung tay vì người nghèo”; “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Tháng cao điểm “Vì người nghèo”; “Đền ơn đáp nghĩa”... được triển khai liên tục, rộng khắp trong nhiều năm qua đã góp phần chăm lo, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Tính đến ngày 20/11/2023, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được trên 600 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới khoảng 4.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa khoảng 3.500 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 580 tỷ đồng; tặng 10.500 sổ tiết kiệm với kinh phí hơn 27 tỷ đồng...

Theo thông lệ, cứ gần đến Tết nguyên đán hằng năm, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lại ban hành Kế hoạch phối hợp thăm và tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết đến Xuân về. Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, chương trình được bắt đầu từ ngày 1/1/2024 đến 31/1/2024.

Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy, hoạt động thăm, tặng quà người nghèo trong dịp Tết nhằm góp phần khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội đối với đời sống của Nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, MTTQ Việt Nam phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức thành viên vận động, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ chăm lo cho người nghèo để mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết, đặc biệt quan tâm các hộ gia đình nghèo thuộc vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đồng bào địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm...

 Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà bà con xã Dân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) vào ngày 12/1/2024. 

Đến thời điểm này, mặc dù bộn bề công việc của tháng cuối năm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương cũng như những đoàn công tác đã và đang đi thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, người lao động, người nghèo, người yếu thế… Những xe quà Tết đang đến với các bản, làng, buôn, sóc vùng cao. Từ miền ngược đến miền xuôi, từ vùng đồng bằng đến miền núi,… nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách đã nhận được những món quà Tết đầu tiên.

Trong chuyến thăm, tặng quà công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại tỉnh Hải Dương vào ngày 10/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh: “Mục tiêu cuối cùng là đất nước hùng cường, thịnh vượng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, hạnh phúc, ấm no, năm sau cao hơn năm trước”... Trước đó, kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương diễn ra ngày 5/1, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo: “Trong mọi hoàn cảnh phải làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là thời điểm có tác động tới người nghèo, nhóm yếu thế, người dân vùng xa, biên giới, hải đảo”.

Những nỗ lực về xóa đói giảm nghèo không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái – truyền thống quý báu bao đời nay của người Việt Nam mà còn khẳng định tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, đó là bảo đảm quyền thụ hưởng những thành tựu của sự phát triển cho tất cả mọi người.

Với chính sách, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện, chắc chắn sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của chúng ta sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về chính sách xã hội. Trong năm 2023, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với tổng nguồn vốn thực hiện là 75.000 tỷ đồng...

Thực tế, để người nghèo thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, cần sự đồng hành, chia sẻ trong suốt quá trình lao động, sản xuất, chứ không riêng gì những ngày Tết. Tuy nhiên, với những hộ thật sự khó khăn, món quà Tết dù còn khiêm tốn về vật chất nhưng đầy ý nghĩa. Đó sẽ là động lực, là sẻ chia kịp thời để họ vươn lên tự chủ được cuộc sống của mình, để “không có ai bị bỏ lại phía sau”.

Một mùa Xuân mới đang về. Bằng những việc làm thiết thực, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cả nước đang chung tay góp sức chăm lo để mọi người, mọi nhà đều được đón Tết đầm ấm,  đón Xuân tràn đầy hy vọng và yêu thương./.

- Nguồn: dangcongsan.vn -