Với hơn 1.300 ca mắc
COVID-19 toàn tỉnh, tuần 36 (từ ngày 1 đến 7 tháng 9), tăng hơn 87% số ca mắc
so với tuần trước đó. Thực tế, số mắc COVID-19 có thể cao hơn nhiều lần do
người dân không khai báo hoặc không xét nghiệm. Trong tình hình hiện nay, không
chủ quan, chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch cho bản thân, gia đình và
cộng đồng là trách nhiệm của mỗi người dân nhằm góp phần ngăn chặn hiệu quả
nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại.
V2K
(Vắc-xin, Khẩu trang, Khử khuẩn) là thông điệp phòng, chống dịch phù hợp trong
giai đoạn hiện nay.
Số ca mắc có xu hướng tăng
Ở tuần 36, số mắc được ghi nhận là 1.326 ca, tăng hơn 87% so với tuần 35, tuy
nhiên thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch vào tuần 10 với kỷ lục 90.367 ca. Qua
giám sát, ghi nhận biến chủng Omicron phân nhóm BA.2.3.2 và BA.5.2, tuy nhiên
các ca bệnh chủ yếu thể nhẹ, không có ca nặng, không có ca tử vong.
Sự gia tăng số ca mắc thời gian gần đây, nhất là sau kỳ nghỉ lễ cũng nằm trong
dự báo về xu hướng chung của cả nước. Điều đáng nói là số ca COVID-19 nặng và
tử vong trong cả nước cũng tăng mạnh. Thời điểm tháng 6 và 7, cả nước chỉ ghi
nhận vài ca tử vong nhưng gần đây, có ngày số bệnh nhân tử vong lên đến 4 ca.
Tại 3 bệnh viện lớn là Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Chợ Rẫy và T.Ư Huế có hơn 400 bệnh
nhân nặng. Trong số này, số ca nguy kịch phải can thiệp thở máy là 19%, có 14
ca tử vong và đặc biệt số ca chưa tiêm đủ vắc-xin COVID-19 chiếm đến 35%.
Đến hết ngày 7-9, tỷ lệ người từ 18 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm đủ 2 mũi
cơ bản đạt 98,9%; mũi 3 đạt tỷ lệ 75,1%; mũi 4 đạt tỷ lệ 70,8%. Tỷ lệ trẻ 12-17
tuổi được tiêm đủ 2 mũi cơ bản là 98,4%; mũi 3 đạt 80,4%. Tỷ lệ trẻ từ 5 đến 11
tuổi tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin là 96,5%, số trẻ tiêm 2 mũi đạt tỉ lệ 80,7%. Tỷ
lệ người trên 18 tuổi tiêm mũi 3, 4 chưa cao do một bộ phận người dân có biểu
hiện chủ quan trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là tiêm chủng phòng
bệnh khi thấy dịch COVID-19 được kiểm soát.
Bảo đảm công tác y tế trong mọi tình
huống
Với vai trò là cơ quan chuyên môn, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh,
để chủ động, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch, Sở Y tế lên kế hoạch
triển khai phương án chuyển trạng thái thu dung, điều trị người mắc COVID-19,
thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Mục tiêu của
phương án là sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm công tác
y tế đáp ứng phù hợp, hiệu quả mọi tình huống của dịch; quản lý, theo dõi, cách
ly và điều trị người mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế và tại nhà theo phân tuyến
điều trị, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp
nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19.
Trên cơ sở phân loại nhóm nguy cơ, ngành Y tế phân tầng điều trị, quản lý người
mắc COVID-19. Người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc mức độ nhẹ, đã tiêm
đủ liều vắc xin thuộc nhóm nguy cơ thấp và mức độ nhẹ được điều trị tại nhà và
nơi lưu trú; người mắc COVID - 19 có triệu chứng mức độ trung bình và nặng,
người có kèm bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ cao và mức độ trung bình được thu
dung, điều trị tại các Trung tâm Y tế (trừ TTYT thành phố Bắc Ninh), Bệnh viện
Phổi, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần; đối với các trường hợp
bệnh nhân mắc COVID - 19 có liên quan đến bệnh lý tâm thần, theo dõi, sử dụng
chất gây nghiện mức độ trung bình điều trị tại Bệnh viện Sức khỏe tâm thần
tỉnh. Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi thu dung, điều trị người mắc
COVID- 19 có triệu chứng mức độ nặng, rất nặng, người có kèm bệnh lý nền thuộc
nhóm nguy cơ rất cao và mức độ nguy kịch; các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19
trong nhóm này có liên quan đến bệnh lý tâm thần, theo dõi, sử dụng chất gây
nghiện mức độ nặng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Để chủ động trong công tác chuyên môn, việc tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực
chuyên môn được triển khai ở các tuyến. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các đơn vị
khám chữa bệnh tiếp tục tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao năng lực cho các
bác sỹ, điều dưỡng tại khoa Hồi sức tích cực, Hồi sức cấp cứu, về kỹ thuật hồi
sức cấp cứu để bảo đảm đủ năng lực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy
kịch. Các Trung tâm y tế tuyến huyện xây dựng kế hoạch tiếp tục tổ chức tập
huấn, hướng dẫn chuyên môn cho các cán bộ trạm y tế xã, đội ngũ nhân lực y tế
ngoài công lập trên địa bàn, sẵn sàng triển khai quản lý, điều trị người mắc COVID-19
tại nhà, đáp ứng với mọi tình huống của dịch.
Nhằm tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19, các
đơn vị được giao điều trị bệnh nhân mắc COVID-rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện kế
hoạch thu dung, chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 theo phân tuyến điều trị,
kế hoạch bảo đảm đáp ứng về giường ICU; xây dựng và triển khai kế hoạch cung
cấp ô-xy hóa lỏng, khí nén tại các
cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Điều chỉnh hoạt động của các
Trung tâm y tế theo mô hình vừa tiếp nhận khám bệnh, chữa bệnh bệnh nhân thông
thường vừa tiếp nhận điều trị người mắc COVID-19; bảo đảm tổ chức phân luồng,
sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện
ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh. Bảo đảm nguyên tắc mỗi cơ sở thu dung, điều trị có 2 tầng điều trị.
Kinh nghiệm gần 3 năm chống dịch vừa qua cho thấy, khi số ca mắc COVID-19 ồ ạt
sẽ gây áp lực lớn và dẫn đến quá tải đối với hệ thống y tế ở tất cả các tuyến.
Bởi vậy, tiêm vắc-xin phòng COVID-19, thực hiện nguyên tắc 2K (Khẩu trang - Khử
khuẩn) là biện pháp quan trọng nhất chủ động ngăn chặn dịch bùng phát, duy trì
sự ổn định để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn:baobacninh.com.vn