Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định: Phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại. Đến năm 2030, phấn đấu là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại- dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng Thủ đô và cả nước… Hạ tầng giao thông chính là tiền đề để cụ thể hóa mục tiêu trên.
Xác định rõ vai trò trọng yếu đó, ngành Giao thông tập trung tối đa nguồn lực, xây dựng, quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo từng giai đoạn cụ thể. Nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư xây mới, nâng cấp; hệ thống giao thông từ trung tâm tỉnh đến trung tâm các huyện, thị xã, thành phố được mở rộng, cải tạo, nâng cấp theo quy mô hiện đại; nhiều tuyến đường đến các KCN xây dựng khang trang; mạng lưới giao thông nông thôn phát triển toàn diện… không những bảo đảm sự an toàn, thuận tiện cho nhân dân đi lại mà còn tạo sức hút lớn trong thu hút đầu tư, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh năng động, hội nhập.
Theo ông Ngô Lương Pha, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải: Với quan điểm “Hạ tầng đi trước một bước”, ngành Giao thông vận tải tham mưu tỉnh xây dựng Quy hoạch giao thông trong xây dựng tỉnh Bắc Ninh theo định hướng phát triển bền vững đến 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành chức năng, các địa phương đã, đang, tiếp tục triển khai nhiều công trình giao thông lớn, mang tính kết nối cao như cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, Đường tỉnh 287 từ thành phố Từ Sơn nối với QL18 và cầu Quế Tân, Đường tỉnh 276, 278… Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh đang khẩn trương phối hợp với tỉnh Bắc Giang triển khai các bước thiết kế, xây dựng cầu Hà Bắc 1, 2; phối hợp tỉnh Hải Dương xúc tiến đầu tư cầu Kênh Vàng; phối hợp với thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội... Đây là những công trình quan trọng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông các địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, tạo “bệ phóng” phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự án mở rộng cầu Như Nguyệt-Q.L 1A vừa được thông thương, tạo kết nối, phát triển mạnh mẽ giữa vùng Thủ đô Hà Nội và tỉnh lân cận với biên giới Lạng Sơn-Trung Quốc.
Hiện nay, mạng lưới giao thông của tỉnh tương đối hoàn chỉnh với khoảng 6.480 km đường bộ, gồm Quốc lộ hơn 142 km; tỉnh lộ 282 km; còn lại là đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn. Hệ thống Quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị được xây dựng hiện đại, đồng bộ, bảo đảm an toàn, kết nối hiệu quả giữa các loại hình giao thông, kết nối vùng, miền, các đầu mối vận tải và quốc tế. Về giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng tiệm cận tiêu chí giao thông đô thị, đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của nhân dân, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển... Đồng thời tỉnh đang triển khai cải tạo, nâng cấp mở rộng và đầu tư xây mới nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh như: Đường tỉnh 276 mới, thị trấn Chờ, (Yên Phong) đi thị trấn Lim, (Tiên Du); ĐT.279 (Nội Doi - Phố Mới, thị xã Quế Võ); ĐT.280 (An Quang - Đông Bình, thị xã Thuận Thành); ĐT.284 (Lãng Ngâm - Đại Bái, Gia Bình); ĐT.285 (Ngụ - Đại Lai, Gia Bình); ĐT.286 (đoạn thị trấn Chờ - cầu Đò Lo và đoạn Đông Yên - thị trấn Chờ, Yên Phong); ĐT.287 (QL.18 - cầu Yên Dũng, Bắc Giang); mở rộng cầu Bồ Sơn (thành phố Bắc Ninh), cầu Đồng Xép (thành phố Từ Sơn)… bảo đảm nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Hạ tầng giao thông khá đồng bộ, hiện đại, nhưng vẫn còn những điểm nghẽn cần khơi thông để đến năm 2050, Bắc Ninh hướng tới phát triển hệ thống giao thông thuộc hàng hiện đại nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng, với tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quốc gia. Theo ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Ban Quản lý Dự án xây dựng giao thông tỉnh thì hiện nay, các dự án xây dựng giao thông đang gặp vướng mắc trong công tác GPMB do đất nông nghiệp phải xác định quy chủ; đất thổ cư nhiều diện tích chưa rõ nguồn gốc; giá vật liệu xây dựng ngày một tăng cao, dẫn đến khó khăn về nguồn lực tài chính và vướng về thủ tục pháp lý… khiến các dự án giao thông đang triển khai đều chậm tiến độ.
Trước thực tế đó, tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố từng bước tháo gỡ những “nút thắt” để triển khai các dự án giao thông đúng tiến độ, bảo đảm kỹ, mỹ quan hiện đại. Một mặt, Sở yêu cầu chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án xây dựng giao thông tỉnh đôn đốc các nhà thầu khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến, điểm đã có mặt bằng. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng bồi thường GPMB các địa phương quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu; tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư công hiệu quả. Đồng thời, sớm hoàn thiện hồ sơ pháp lý đối với các dự án còn vướng để khi có ý kiến của Chính phủ, Quốc hội sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt, để nhanh chóng triển khai các bước tiếp theo.
Năm 2023, ngành Giao thông vận tải tỉnh quyết tâm khởi công các dự án đủ điều kiện như: Dự án đường tỉnh 285B, đoạn từ tỉnh lộ 295 đi Quốc lộ 3; dự án cầu Ngà (thành phố Bắc Ninh); đường Hoàng Quốc Việt (thành phố Từ Sơn)… Đặc biệt, tập trung cao cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô đi qua địa bàn tỉnh, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa để Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.