Bài 4: Định hướng chu kỳ phát triển mới
Bắc Ninh đang ở vào chu kỳ phát triển mới, đòi hỏi phải nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa là nền tảng, động lực và sức mạnh nội sinh để từ đó tiếp tục có sự quan tâm đầu tư xứng tầm. Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX xác định:“Xây dựng văn hóa và con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững”.
Học sinh Bắc Ninh hát Quốc ca trong lễ khai giảng năm học mới.
Nhận diện thách thức
Chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã và đang định hướng, phát triển văn hóa, để văn hóa đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển đất nước. Với Bắc Ninh, thành tựu xây dựng văn hóa đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, ấn tượng với nhân dân trong tỉnh và du khách trong nước, quốc tế, từng bước định vị hình ảnh về một Bắc Ninh văn hiến, giàu tiềm năng, tạo hiệu ứng tích cực để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.
Dẫu vậy, với nội hàm về vị trí, vai trò và mục tiêu của lĩnh vực văn hóa mà Đảng và Nhà nước đã đề ra thì lĩnh vực văn hóa của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy Bắc Ninh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Chín BCH T.Ư khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” giai đoạn 2014-2021 đã chỉ rõ: Nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam nói chung, con người mang đặc trưng của Bắc Ninh trong giai đoạn cách mạng mới chưa có chuyển biến rõ rệt. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại…
Chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở một số địa phương còn chưa bền vững. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi nghèo nàn, đơn điệu. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn với thành thị, giữa các tầng lớp nhân dân chậm thu hẹp. Đời sống văn hoá trong các khu công nghiệp ít được quan tâm đầu tư.
Hệ thống thiết chế văn hóa còn nhiều bất cập, hiệu quả sử dụng tại một số nơi thấp. Các thiết chế văn hoá xã, phường, thị trấn, khu công nghiệp… có nơi còn ít được ưu tiên xây dựng và tổ chức hoạt động. Việc huy động các nguồn lực xã hội vào thực hiện các dự án bảo tồn, phát huy di sản văn hoá còn hạn chế. Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài cũng tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ. Hoạt động văn học nghệ thuật chưa khuyến khích được các tài năng phát triển, ít tác giả tiêu biểu, tác phẩm đạt chất lượng cao chưa nhiều…
Ở Bắc Ninh, câu chuyện phát triển chiến lược công nghiệp văn hóa, hoàn thiện thị trường văn hóa cũng vẫn còn là vấn đề mới, kém linh động trong phương cách tiếp cận, thiếu liên kết giữa các sở, ngành; nhận thức về tiềm năng làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo chưa cao; quản lý nhà nước và kỹ năng kinh doanh chưa thích ứng với cơ chế thị trường.
Nguyên nhân của những điểm nghẽn nêu trên là bởi phát triển văn hóa Bắc Ninh chưa có định hướng đồng bộ và mang tính dài hạn; chưa huy động được sức mạnh, nội lực của cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hóa trở thành ý chí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Quan trọng là, một số cấp ủy Đảng, chính quyền ở cơ sở nhận thức chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đối với phát triển bền vững…
Nhận diện những khó khăn, lường trước những nguy cơ, từ đó thống nhất nhận thức tư tưởng, xác định mục tiêu và kiên trì, quyết tâm hành động là cách chuẩn bị tốt nhất để có những đột phá quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, con người trong giai đoạn mới.
Ngoài những nét chung của con người Việt Nam ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc có những nét đặc trưng riêng là ý thức, ý chí vươn lên để khẳng định mình trước thời cuộc, đem tài năng đóng góp xây dựng đất nước; không ngừng học hỏi, vươn lên có trình độ cao, bảo đảm cuộc sống cho cá nhân và đóng góp với xã hội; cởi mởi trong học hỏi, giao thiệp với bạn bè và chịu khó tiếp thu tinh hoa muôn phương để hoàn thiện mình. Đó là những tính cách đặc trưng cần được phát huy khi Bắc Ninh đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH - là sự nghiệp đòi hỏi con người phải năng động, có trình độ và tính kỷ luật cao. Bên cạnh đó, người Bắc Ninh cũng cần nhanh chóng “gột” bỏ những hạn chế, tính xấu trong lối sống như tính tùy tiện, tính cộng đồng quá đà, tính đố kị tiểu nông...” - PGS.TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
|
Quyết tâm chính trị
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đã xác định: “Xây dựng văn hóa và con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững”. Theo đó, nhiều chương trình hành động, kế hoạch được triển khai nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; đẩy mạnh nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống; chủ động, tích cực sáng tạo, tổ chức các hoạt động nhằm bồi đắp và phát huy các giá trị văn hóa, khơi dậy phẩm chất nhân ái, nghĩa tình, khát vọng cống hiến của người Bắc Ninh thời đại mới.
Nhiều hội nghị, hội thảo đã được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai tổ chức. Tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Tháng 10-2022, Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh với sự tham gia của các đại biểu là lãnh đạo, nhà quản lý, chuyên gia từ Trung ương và địa phương đến các cơ sở xã, phường, thị trấn. Phát biểu tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nêu bật 7 vấn đề mới trong việc xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững để các cấp, các ngành tập trung thực hiện. Đồng chí cũng nhấn mạnh cần phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cụ thể, hiệu quả, tránh hiện tượng dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi. Đặc biệt quan tâm đầu tư cho con người, nguồn nhân lực làm văn hóa; nghiên cứu cơ chế quản lý khai thác thiết chế văn hóa; lưu ý vấn đề hội nhập và hợp tác quốc tế trong quá trình xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh; đề xuất nhiệm vụ, dự án, chính sách để phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh liên quan đến từng ngành, địa phương… từng bước đưa sự nghiệp văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng đến mục tiêu sớm đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Như vậy, định hướng xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh trong giai đoạn mới được Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đặt ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Trong đó cần tập trung xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện với những đức tính, phẩm chất cụ thể đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH. Những đức tính và phẩm chất đó phải được kế thừa từ bản sắc văn hóa con người Bắc Ninh truyền thống, đồng thời bổ sung, phát triển những đức tính mới, văn minh, tiến bộ.
Du khách quốc tế nghe giới thiệu về Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành) và tham quan chùa Phật Tích (Tiên Du).
Xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Bắc Ninh
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết, trong đó xác định nhiệm vụ trước hết và quan trọng hàng đầu là: Xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện với những đức tính: Có tinh thần yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, ham học hỏi, có ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vì lợi ích chung, có lối sống lành mạnh, trọng nghĩa, trọng tình, cần cù, trung thực, đoàn kết, sáng tạo, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, tự trọng, tự chủ, hiểu biết sâu sắc...
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành tập trung xây dựng hệ giá trị địa phương, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Bắc Ninh - Kinh Bắc, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, làm nền tảng cho sự phát triển xã hội. Nhiều chủ trương, kế hoạch đã được ban hành và triển khai thực hiện, tiêu biểu như năm 2016, Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 - 2020”. Ngay sau khi có Nghị quyết 04, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết; UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch tiếp tục triển khai Nghị quyết số 04 giai đoạn 2020 - 2030. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 04 đã, đang và tiếp tục được các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị vào cuộc, do vậy đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Bắc Ninh chú trọng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Trong giai đoạn mới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan nghiên cứu lý luận, đơn vị hoạt động văn hoá, nghệ thuật… tiếp tục quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng các hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Bắc Ninh - Kinh Bắc. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa - xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc sáng tạo, xây dựng và đưa các hệ giá trị vào trong đời sống xã hội...
Với niềm tự hào của vùng đất cổ ngàn năm văn hiến bước vào giai đoạn phát triển mới, Bắc Ninh nhất định không dừng lại ở xu hướng hội nhập thông thường mà cần khẳng định được vị thế, vai trò, bản sắc riêng bằng những tiêu chuẩn cao hơn trên cơ sở vừa bảo tồn, phát huy, nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống, vừa xây dựng những hình mẫu chuẩn mực về vẻ đẹp đạo đức, tình cảm và đề cao giá trị chân thiện mỹ trong mỗi công dân Bắc Ninh thời đại mới.
Nguồn:baobacninh.com.vn