Bài 3: Tạo lập “bầu khí quyển”
văn hóa lành mạnh
Có ý nghĩa như thiên nhiên thứ hai, môi trường văn hóa là “vườn ươm” nuôi dưỡng, bồi đắp lối sống văn hóa và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người trong xã hội. Chính vì vậy, nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xã hội an toàn, văn minh luôn được các cấp, ngành, địa phương của Bắc Ninh chú trọng thực hiện nhằm đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống, hình thành nếp sống văn minh, nhân ái, nghĩa tình...
Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ được bảo tồn và phát huy phù hợp với bối cảnh đời sống đương đại.
Phát huy tiềm năng, phẩm giá con người
Bắc Ninh - Kinh Bắc
Mạch nguồn văn hóa Kinh Bắc - Bắc Ninh được kết đọng từ ngàn đời đã thấm lặn vào trong nếp ăn ở, nếp tư duy, ứng xử và đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần của các thế hệ, kết tinh thành giá trị nổi bật của con người Bắc Ninh - Kinh Bắc với cốt cách nho nhã, thanh cao trong tư duy, tình cảm, tâm hồn; với vẻ đẹp lịch lãm, đằm thắm, nghĩa tình trong giao tiếp ứng xử - “Nghĩa người em bắc lên cân/Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười”.
“Trong mọi thời kỳ lịch sử, vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh đã sản sinh ra những anh tài nhân kiệt, được lịch sử dân tộc ghi danh, là hình ảnh rất rõ nét đại diện cho đặc trưng sĩ phu Bắc Hà về học vấn - nhân cách - khí tiết. Chính vì lẽ đó, tôi rất mong quê hương Bắc Ninh chúng ta sẽ tiếp tục phát huy sao cho mỗi khi nhắc đến Bắc Ninh là nhắc đến một vùng quê giàu đẹp, văn minh, thanh lịch; người Bắc Ninh hào hoa, tài giỏi, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc của người Kinh Bắc; cán bộ, đảng viên càng phải hết lòng, hết sức tận tâm, tận lực vì nước, vì dân”.
Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chuyến thăm, chúc Tết Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đầu năm 2022
|
Qua suốt chiều dài lịch sử, quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều cá nhân xuất chúng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển nền văn hóa Việt Nam, trở thành những danh nhân lịch sử tiêu biểu như: Lý Thái Tổ, Lê Văn Thịnh, Nguyễn Quán Quang, Huyền Quang, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Cao... Trong gần 1.000 năm khoa cử phong kiến Việt Nam, Kinh Bắc - Bắc Ninh có 2/4 làng Tiến sĩ của cả nước, gần 700 vị đại khoa. Thời đại Hồ Chí Minh, Bắc Ninh có nhiều đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước được sinh ra và nuôi dưỡng trên mảnh đất Bắc Ninh như: Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo... cùng hàng vạn thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ và đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc làm rạng danh quê hương, đất nước.
Ngày nay, Bắc Ninh tự hào khi truyền thống thông minh, hiếu học, khoa bảng vẫn được giữ vững và phát triển lên tầm cao mới. Hàng chục cá nhân được phong hàm Giáo sư, Phó giáo sư; hàng trăm người có học vị Tiến sĩ; hàng vạn cán bộ có trình độ Thạc sĩ, Cử nhân đã và đang tham gia đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước. Trong đó có những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam, được quốc tế khâm phục, tiêu biểu như: Giáo sư Triết học Trần Đức Thảo, Giáo sư Nông học Vũ Tuyên Hoàng, Giáo sư Địa chất Nguyễn Văn Chiển, Giáo sư Toán lý Đàm Thanh Sơn, Giáo sư - Kiến trúc sư Đàm Trung Phường…
Bên cạnh đó, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên nổi tiếng là người Bắc Ninh như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Hoàng Tích Chu, Thế Lữ, Hoàng Cầm, Hồ Bắc, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Phan Hách… cùng bao tài năng trẻ khác trên mọi lĩnh vực là những minh chứng điển hình cho bản sắc văn hóa con người Bắc Ninh đương đại.
Quán triệt sâu sắc quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp bối cảnh thực tiễn, điển hình là Nghị quyết số 71 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách về khuyến học, khuyến tài, thu hút, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho những tài năng Bắc Ninh tham gia cống hiến xây dựng quê hương, đất nước, làm rạng danh truyền thống giáo dục khoa bảng của tỉnh.
Thực tiễn chứng minh, Bắc Ninh tuy là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, không có “rừng vàng, biển bạc” nhưng lại đặc biệt giàu có về truyền thống hiếu học khoa bảng, về đội ngũ trí thức và tiềm lực con người… Trên mảnh đất này, ý thức vươn lên bằng con đường học vấn ăn sâu vào mỗi người dân. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia, bạn bè trong nước và quốc tế khi về thăm, làm việc tại Bắc Ninh đều có chung nhận định: Bắc Ninh không giàu tài nguyên khoáng sản nhưng nguồn lực văn hóa, con người mới chính là sức mạnh, giá trị cốt lõi bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Để văn hóa thấm sâu vào đời sống
Chiến lược phát triển văn hoá của Đảng qua các giai đoạn đã tạo cơ hội, động lực để Bắc Ninh xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện. Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở nghiêm túc triển khai, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương xây dựng văn hóa, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng và thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ; xây dựng và triển khai có hiệu quả quy chế văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, tích cực đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyến hóa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, đồng thời đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Thành phố Từ Sơn khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trung bình hàng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 91%; làng, khu dân cư văn hóa đạt trên 90%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là hơn 85%; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị là hơn 75%.
Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ngày càng đi vào nền nếp với trên 90% đám cưới, đám tang được tổ chức trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm. Tỷ lệ đám tang hỏa táng, điện táng xấp xỉ 60% so với tổng số. Nhiều làng thuần nông đạt tỷ lệ 100% đám tang hỏa táng, như thôn Phú Mỹ (Đình Tổ, Thuận Thành)...
|
Hàng năm, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt việc tuyên truyền về đạo đức công vụ, văn hóa công sở; thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt trong thực thi công vụ, gắn với thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong ứng xử, giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức luôn thể hiện thái độ tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc, giải đáp những vướng mắc của người dân. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị và mỗi người dân quan tâm, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và lấy đó là ”kim chỉ nam” cho mọi hoạt động, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, gương mẫu đi đầu thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước...
Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức công vụ, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ hướng đến nhân dân phục vụ.
Việc xây dựng văn hóa công sở có nhiều tác động tích cực, không ngừng gia tăng giá trị văn hóa trong các hoạt động công vụ ở cơ quan, đơn vị, thúc đẩy sự phát triển của nền hành chính công vụ. Đó chính là những nhân tố quan trọng để nâng cao các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh… tạo “bầu khí quyển lành mạnh” để mỗi cá nhân được hấp thu giá trị tốt đẹp, tử tế, từ đó hình thành nên những con người khỏe mạnh, có nhân cách, đạo đức, tri thức, có năng lực và bản lĩnh đẩy lùi cái xấu khỏi đời sống xã hội, bảo vệ giá trị chân-thiện-mỹ.
Xây dựng làng văn hóa, phố văn minh
Xuyên suốt nhiều năm qua, Bắc Ninh luôn xác định việc xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của toàn xã hội. Đó cũng là nhu cầu, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Bởi ai cũng muốn gia đình mình ấm no, hạnh phúc, làng xóm bình yên, an toàn, văn minh, phát triển. Do vậy, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa luôn nhận được sự quan tâm hưởng ứng tích cực từ mỗi gia đình, làng xã đến các cấp, các ngành...
Với nội dung thiết thực, phong trào tạo thành làn sóng mạnh mẽ, giúp thay đổi tư duy, lối sống theo hướng văn minh, tiến bộ, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân. Tính liên kết, trách nhiệm phối hợp của ba chủ thể gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục, bồi đắp tư tưởng, đạo đức lối sống, nhân cách cho giới trẻ được phát huy. Nhiều chỉ tiêu phấn đấu xây dựng danh hiệu văn hóa vượt chỉ tiêu và dần đi vào chiều sâu chất lượng.
Tôi ấn tượng với các công trình có quy mô lớn, kiến trúc đẹp, hiện đại mới được xây dựng của Bắc Ninh như Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh nhưng càng vui hơn với các nhà Văn hóa-khu Thể thao cấp xã như: Tân Chi (Tiên Du); Phượng Mao (Quế Võ), Nhân Thắng (Gia Bình), các Nhà chứa Quan họ tại thành phố Bắc Ninh... đã đem văn hóa đến với từng người dân; khơi nguồn văn hóa, làm phong phú và tươi đẹp hơn cuộc sống của nhân dân”.
Trích phát biểu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị Văn hóa tỉnh Bắc Ninh năm 2022.
|
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp được đầu tư và từng bước chuyển đổi phương thức hoạt động phù hợp với bối cảnh mới. Đến nay, Bắc Ninh có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đã và đang đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cấp huyện; 43/126 xã, phường, thị trấn đã xây dựng được cả hội trường đa năng và khu thể thao đạt chuẩn; 352/730 thôn, làng, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn. Một số thiết chế văn hóa cấp tỉnh có quy mô lớn, kiến trúc hiện đại, đủ tiêu chuẩn để đăng cai tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa và các giải thi đấu thể thao quốc gia, quốc tế.
Hàng trăm CLB văn hóa, văn nghệ tại cơ sở hoạt động thường xuyên góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân.
Ảnh: CLB Ca trù Thượng Thôn (xã Đông Tiến, Yên Phong) và CLB Quan họ Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh) trong một buổi sinh hoạt.
Nếp sống văn hóa mới ngày càng hình thành rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Từ tỉnh đến cơ sở, từ thành thị đến nông thôn đang phát triển đa dạng mô hình câu lạc bộ văn hóa, thể thao; thường xuyên tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ và các hoạt động tuyên truyền văn hóa lưu động… góp phần bồi đắp tâm hồn, giáo dục đạo đức, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc trong nhân dân.
Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định, song thành tựu trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh của Bắc Ninh với những điển hình, điểm sáng và mô hình mới đã góp phần đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống, trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh của sự phát triển bền vững.
Nguồn:baobacninh.com.vn