Khơi dậy sức mạnh văn hóa, con người Bắc Ninh

Trên bản đồ Việt Nam, tỉnh Bắc Ninh hiện diện khiêm tốn giữa vùng đồng bằng Bắc bộ, nhưng địa giới hành chính chưa bao giờ phản ánh được tầm vóc của không gian văn hóa đặc biệt này. Nổi danh là đất văn hiến, đất học, đất của di sản, di tích, lễ hội, thi ca… Bắc Ninh hôm nay kết tinh, bồi tụ bao địa tầng văn hóa ngàn năm đã và đang thấm sâu trong từng tế bào của đời sống để từ mạch nguồn nền tảng ấy, những giá trị mới đang được tỏa sáng...

Diễn xướng Dân ca Quan họ trên thuyền là một sản phẩm văn hóa du lịch đặc thù của Bắc Ninh.

 

Tự hào với kho tàng di sản văn hóa của quê hương, Bắc Ninh luôn dành nguồn lực đáng kể cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Hầu hết các di tích đều được quan tâm trùng tu, tôn tạo, quy hoạch và nâng cấp, tiêu biểu như: Lăng Kinh Dương Vương, chùa Dạm, chùa Bút Tháp, di tích thành cổ Luy Lâu, khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự... Nhiều thiết chế văn hóa gắn với Di sản Dân ca Quan họ được đầu tư xây dựng như khu thực cảnh đồi Lim, đền thờ Vua Bà, công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh... Giai đoạn từ năm 2011 - 2022, riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện 22 dự án trùng tu, tu bổ các di tích với tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương đã huy động từ nguồn xã hội hóa hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích.
 

Lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, tỉnh Bắc Ninh và Thống đốc tỉnh Kanagawa giao lưu cùng các nghệ sĩ hai nước tại Nhật Bản.

 

Đối với công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, cùng với hàng loạt đề án, dự án, chương trình về tuyên truyền, quảng bá, đầu tư tu bổ, xây dựng thiết chế và cơ sở vật chất liên quan, Bắc Ninh còn là tỉnh tiên phong trong cả nước thực hiện chế độ tôn vinh, đồng thời có cơ chế đãi ngộ nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh 3 lần tổ chức xét tặng nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, tôn vinh 203 nghệ nhân, trong đó có 10 Nghệ nhân nhân dân (NNND) và 42 Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu. Với các nghệ nhân thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh, tỉnh có chính sách hỗ trợ “tiền lương” hàng tháng cùng với chế độ BHYT, mai táng phí. Từ năm 2016 đến tháng 6-2022, tỉnh đã chi trả gần 4 tỷ đồng hỗ trợ nghệ nhân thuộc các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh. Ngoài ra, từ năm 2019, tỉnh hỗ trợ kinh phí hàng năm cho làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành và câu lạc bộ Quan họ tiêu biểu trong và ngoài tỉnh.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III.


Bắc Ninh cũng là tỉnh đi đầu trong việc số hóa hệ thống di sản. Việc ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản là hướng đi phù hợp với yêu cầu phát triển. Đến nay, không gian, thuộc tính của 585 di tích đã được xếp hạng và nội thất 4 di tích quốc gia đặc biệt cùng với các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành, chuyên gia trong nước và quốc tế tiến hành thu thập, xây dựng thành ngân hàng dữ liệu dạng số. Khi hệ thống cơ sở dữ liệu di sản văn hóa Bắc Ninh đưa vào hoạt động, người dân và du khách có thể tìm hiểu, trải nghiệm di sản thông qua các thiết bị công nghệ như smartphone, ipad, máy tính...
Nhiều lần khẳng định Bắc Ninh là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử với những trầm tích văn hóa dày đặc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn từng nhấn mạnh: Trước khi trở thành thủ phủ công nghiệp thì nhắc đến Bắc Ninh là nhắc đến văn hóa. Bắc Ninh luôn dành nguồn lực đầu tư lớn cho văn hóa và đã ban hành nhiều chính sách liên quan. Hàng năm, mức chi ngân sách thường xuyên cho văn hóa của Bắc Ninh luôn cao gấp 2 lần bình quân chung toàn quốc... Đặc biệt, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bắc Ninh là một trong những địa phương sớm tổ chức Hội nghị Văn hóa quy mô toàn tỉnh để triển khai Nghị quyết số 71-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”… Với sự quan tâm phát triển văn hóa, con người, Bắc Ninh đã đặt nhiệm vụ phát triển văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, đưa văn hóa trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, tự hào về nền văn hiến lâu đời, giàu bản sắc, người Bắc Ninh luôn linh hoạt trong giao lưu tiếp nhận tinh hoa văn hóa của cả phương Đông lẫn phương Tây, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, đồng thời nhạy bén nắm bắt các xu thế tiến bộ của nhân loại để bồi đắp, làm giàu văn hóa truyền thống và đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động đa dạng nguồn lực, gắn kết nhuần nhuyễn giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể với phi vật thể, giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch... nhằm tạo ra những sản phẩm văn hóa đặc trưng, riêng biệt. Nhiều hoạt động văn hóa quy mô cấp tỉnh được tổ chức, góp phần quảng bá, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Bắc Ninh đến công chúng trong nước và quốc tế như: Festival “Về miền Quan họ”, Diễn xướng Dân ca Quan họ trên thuyền, Hội thi hát Quan họ đầu Xuân… Hoạt động quảng bá, giới thiệu cũng được mở rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Biểu diễn dân ca Quan họ và quảng bá nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tại EXPO 2020 Dubai; giới thiệu, quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại các nước châu Âu có cộng đồng người Việt sinh sống, học tập và công tác…
 

 VỀ DI SẢN PHI VẬT THỂ:     
 - Có 4 di sản được UNESCO ghi danh: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt và Nghi lễ, trò chơi kéo co làng Hữu Chấp.
- Có 8 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
- Hơn 500 lễ hội truyền thống, nhiều loại hình diễn xướng dân gian: Quan họ, ca trù, tuồng, chèo, hát văn, chầu văn, hát trống quân, múa rối nước...
- 120 làng nghề, trong đó có 62 làng nghề thủ công truyền thống.
- Đậm đặc truyền thuyết, huyền thoại, sự tích, thơ ca, hò vè... và phong phú trò chơi dân gian.

VỀ DI SẢN VẬT THỂ:
- Có 4 di tích Quốc gia đặc biệt: Chùa Dâu, chùa Bút Tháp (Thuận Thành); chùa Phật Tích (Tiên Du); Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý (thành phố Từ Sơn).
- Có 17 bảo vật, nhóm bảo vật Quốc gia
- Hàng nghìn di vật, cổ vật, tài liệu, thư tịch Hán Nôm bằng các chất liệu đất, đá, gỗ, giấy, đồng...

Hiện nay, không gian văn hóa Quan họ không chỉ ở 49 làng Quan họ gốc mà đã được hàng triệu công chúng trong và ngoài nước biết đến, trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam trong quá trình giao lưu hội nhập. Những tờ tranh dân gian Đông Hồ mộc mạc, bình dị, đậm hơi thở văn hóa làng quê Việt cũng xuất hiện trang trọng ở nhiều bảo tàng nghệ thuật danh giá của phương Tây. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đệ trình UNESCO xem xét ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể thế giới...
Có thể thấy, bản sắc văn hóa Bắc Ninh đang từng bước lan tỏa, hòa nhập và có những đóng góp tích cực vào dòng chảy văn hóa nhân loại. Nhiều di tích lịch sử văn hóa của tỉnh trở thành điểm đến nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch như: Khu di tích lăng và đền thờ thủy tổ dân tộc Kinh Dương Vương; chùa Dâu - Tổ đình của dòng thiền Phật giáo Việt Nam; đền Đô nơi thờ các bậc tiên vương triều Lý; chiến tuyến Như Nguyệt nơi vang lên bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên “Nam quốc sơn hà”…

Trong dòng chảy thời đại, Bắc Ninh đang vận dụng nhuần nhuyễn kinh nghiệm ông cha trong hoạt động ngoại giao văn hóa, vừa kế thừa, phát huy truyền thống vừa tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo những tri thức khoa học tiên tiến của thế giới để không ngừng bổ sung, hoàn thiện, làm phong phú kho tàng tri thức, văn hóa của quê hương, đất nước. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp chuyển hóa văn hóa thành sức mạnh nội sinh cho phát triển. Trong đó, đầu tư phục dựng các không gian văn hóa Quan họ; ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, gắn hoạt động du lịch với bảo tồn các loại hình di sản Dân ca Quan họ, ca trù, tuồng, chèo, trống quân, múa rối nước, các làng nghề thủ công truyền thống và những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu... Ngoài ra, khuyến khích sáng tạo những sản phẩm văn hóa đại chúng, mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm mang nét văn hóa đặc trưng.

 

Bắc Ninh đang từng bước hình thành các sản phẩm văn hóa đặc trưng dựa trên nguồn lực di sản văn hóa.


Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các công trình, hình thành không gian văn hóa công cộng, tạo dựng cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, tiêu biểu như: Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Thư viện, Bảo tàng tỉnh; Lầu Sao Khuê và văn hóa Quan họ; Bức phù điêu nghệ thuật “Theo dòng lịch sử văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc”… Những công trình, kiến trúc này không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân mà tạo được ấn tượng mạnh với du khách đến với Bắc Ninh.     
Nhiều chính sách về phát triển văn hóa của tỉnh thời gian gần đây đã quan tâm, chú trọng tính sáng tạo, tập trung trí tuệ để tạo ra các sản phẩm văn hóa chất lượng cao như: Sản xuất phim tài liệu, phim truyện, phim hoạt hình về danh nhân và di sản văn hóa tiêu biểu; xuất bản các ấn phẩm, sách nghiên cứu về vùng đất, văn hóa, con người Bắc Ninh; phát triển mở rộng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ngành nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực...  

“Sự phong phú, đặc sắc về giá trị di sản văn hóa là yếu tố bền vững thu hút du khách trong và ngoài nước đến Bắc Ninh. Điều đó không chỉ có ý nghĩa với du lịch mà còn có tác động lan tỏa sang các lĩnh vực khác của tỉnh, cũng không chỉ có tác dụng với Bắc Ninh mà còn ý nghĩa với cả nước. Hành trang văn hóa, những hiểu biết về lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc sẽ tạo ra bản lĩnh, sự tự tin văn hóa để từ đó phát triển đất nước bền vững, tốt đẹp hơn, thực hiện được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn,
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội

Sự quan tâm, phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa thể hiện tầm nhìn, cách tiếp cận mới, tiên tiến trong tư duy về văn hóa của tỉnh. Tin rằng, trong tương lai, ngành công nghiệp văn hóa Bắc Ninh sẽ phát triển mạnh mẽ, từng bước nâng tầm ảnh hưởng của văn hóa Bắc Ninh đối với khu vực và thế giới. Đây cũng là cơ hội mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ đối ngoại, tạo chất xúc tác thúc đẩy các hoạt động về ngoại giao kinh tế, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bằng tâm thế chủ động hội nhập toàn cầu, Bắc Ninh không ngừng nỗ lực, phát huy truyền thống, bền bỉ làm giàu bản sắc văn hóa và mang đến cho nhân loại những giá trị đặc sắc riêng có. Đó cũng là thẻ căn cước, tấm hộ chiếu, chiếc giấy thông hành giá trị nhất bảo đảm cho Bắc Ninh hội nhập thành công.

 

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập