Khơi dậy sức mạnh văn hóa, con người Bắc Ninh
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh luôn nhất quán quan điểm “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, mục tiêu và động lực phát triển. Trong bối cảnh mới, việc khơi dậy và phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội là một yêu cầu cấp thiết được Bắc Ninh đặc biệt quan tâm nhằm gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa, tạo động lực để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh vững mạnh toàn diện, thịnh vượng về kinh tế, sang trọng về cốt cách và giàu bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc.

 

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Bắc Ninh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến, nơi phát tích vương triều Lý và nhiều danh nhân tiêu biểu, lãnh đạo cách mạng, tiền bối của Đảng, Nhà nước, nơi hội tụ của kho tàng văn hóa dân gian với nhiều công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc... Truyền thống văn hóa quý báu của Bắc Ninh - Kinh Bắc luôn được quan tâm bồi đắp, phát huy trở thành động lực, sức mạnh nội sinh đưa quê hương Quan họ từng ngày phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía đông bắc của Thủ đô. Trải qua trường kỳ lịch sử, vùng đất Kinh Bắc - Bắc Ninh là phên dậu phía Bắc của Thăng Long - Đông Đô. Nơi đây vũ công lừng lẫy với các chiến thắng: Như Nguyệt, Bình Than - Lục Đầu, Thị Cầu… góp phần giữ yên bờ cõi, bảo vệ vững chắc giang sơn. Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đấu tranh vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, truyền thống yêu nước và những giá trị của nền văn hoá Kinh Bắc tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Là vùng quê sớm có phong trào cách mạng với các tổ chức tiền thân của Đảng, nhân dân Bắc Ninh sớm tiếp thu ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và đóng góp sức người, sức của to lớn, cùng với cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc. Trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và sau hơn 26 năm kể từ ngày tái lập tỉnh (1-1-1997), cùng những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù; tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, để văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Festival “Về miền Quan họ” góp phần quảng bá vẻ đẹp văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của quê hương Bắc Ninh với công chúng trong nước và quốc tế.


Từ một tỉnh nhỏ thuần nông, với các làng nghề truyền thống, Bắc Ninh đã trở thành một trong 10 tỉnh đứng đầu toàn quốc về quy mô nền kinh tế, là “hạt nhân” phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao của cả nước...
Tổng kết thực tiễn cho thấy, Bắc Ninh luôn coi trọng bài học về kế thừa phát huy truyền thống, sức mạnh nội sinh, tận dụng, phát huy tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, tỉnh phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội…

 

Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành; cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân không ngừng nỗ lực phấn đấu, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội nằm trong tốp đầu của cả nước… Công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được phát huy giá trị. Trong đó, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được đầu tư bảo tồn, lan tỏa mạnh mẽ trong nước và quốc tế. Để Quan họ có được sức sống, sự phát triển thăng hoa, Bắc Ninh bền bỉ thực hiện nhiều chính sách cũng như các chương trình hành động thiết thực, quan tâm đầu tư toàn diện và đúng hướng. Đặc biệt, tỉnh sớm có chính sách đãi ngộ Nghệ nhân Quan họ - những “báu vật sống”, đang hàng ngày thực hành và trao truyền di sản mà cha ông dày công tạo dựng, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ trong xã hội đương đại, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch.
Để bảo tồn và phát triển văn hóa Bắc Ninh trong giai đoạn mới, Bắc Ninh có nhiều chủ trương, chính sách, trong đó, ngày 29-8-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX đã ban hành Nghị quyết số 71 về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.


Trích phát biểu khai mạc Festival “Về miền Quan họ-2023” của đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.


Những năm qua, tỉnh đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh và từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để trùng tu tôn tạo di tích, trong đó có 643 di tích được Nhà nước xếp hạng; bảo tồn và phát huy giá trị 547 lễ hội truyền thống... Tỉnh cũng luôn coi trọng, đầu tư chăm lo xây dựng con người Bắc Ninh, xem đây là giải pháp đột phá tạo nền tảng đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.        
Cùng với đó, Bắc Ninh cũng luôn phát huy vai trò của dòng họ, cộng đồng, xã hội trong công tác khuyến học, khuyến tài. Quỹ Khuyến học, khuyến tài Phạm Văn Trà thành lập vào tháng 12-2010… Ngoài ra, từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có cơ chế, chính sách thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và phát huy tài năng trẻ…

Luôn quan tâm, đặt nhiệm vụ xây dựng văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội, suốt nhiều năm qua, ngoài thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, đặc biệt là Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa; Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước… tỉnh đã ban hành hàng loạt chủ trương, chính sách nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
 

Nhiều năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực quảng bá, giới thiệu văn hóa Bắc Ninh tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng tranh dân gian Đông Hồ cho Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản.

 

Thực tế ghi nhận nhiều năm qua, tỉnh tập trung xác định việc xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, là mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục chủ trương, chương trình hành động của nhiệm kỳ, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, một số nhiệm vụ, giải pháp được tỉnh tập trung, cụ thể hóa: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người trong thời kỳ mới; tiếp tục đổi mới tư duy về quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi để phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh hiệu quả và phù hợp với đặc thù của lĩnh vực văn hóa và thực tiễn địa phương.

 

Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh (khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) và Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (Song Hồ, thị xã Thuận Thành) thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm.


Từ những chủ trương, sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền đổi mới mạnh mẽ công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động, nhằm biến chủ trương thành hành động thực tiễn, bảo đảm xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị và nhân dân. Theo đồng chí Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới gắn với việc khơi dậy khát vọng phát triển, ngày 29-8-2022, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 71 - NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nghị quyết đã quán triệt, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, khu vực và đối tượng dân cư trong tỉnh. Xây dựng môi trường văn hóa trong từng gia đình, địa phương, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng cao mang đậm bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc, phù hợp với xu thế thời đại. Tỉnh cũng tập trung cao đầu tư nguồn lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bền vững hướng tới mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

 

Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh được trao truyền, gìn giữ và phát huy qua các thế hệ.


Thông qua các mục tiêu, định hướng về chính sách và chủ trương lớn của tỉnh; hàng loạt các diễn đàn, hội nghị, hội thảo lớn ý nghĩa, thiết thực gắn liền với tổng kết thực tiễn, đề xuất giải pháp cũng đã được tổ chức như: Hội nghị văn hóa toàn tỉnh năm 2022; Phối hợp tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức… Nhiều năm qua, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo, định hướng các cấp ủy Đảng, các cơ quan báo chí truyền thông, các ngành hữu quan triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Quá trình triển khai xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Đó là sự đổi mới về nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người; văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội… Hành động phải ngang tầm quyết tâm chính trị; mỗi cấp, ngành cần có sự vào cuộc, ban hành chủ trương, chính sách phù hợp, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết một cách hiệu quả; không ngừng quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao... Bên cạnh đó, cần tranh thủ sự đồng thuận, tham gia của nhân dân, toàn xã hội trong việc xây dựng văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập