Khẳng định vị thế “đầu tầu” kinh tế

   Phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có, kết hợp ban hành các cơ chế, chính sách linh hoạt, mang tính đột phá, sau 25 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh vươn lên trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hiện đại của cả nước với gần 21.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động, nằm trong top các địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương. Khẳng định vị trí “đầu tàu”, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh chính là các DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Ngày 1-1-1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX. Khi ấy, nền kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn, với chưa đầy 100 DN, vốn đăng ký chỉ khoảng vài chục tỷ đồng, công nghệ lạc hậu, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, thu ngân sách Nhà nước chỉ đạt 198 tỷ đồng, các lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa phát triển, thu nhập người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Xác định phát triển công nghiệp là nền tảng, ngay sau khi tái lập, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp. Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn. Nhờ đó, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước liên tục chảy vào Bắc Ninh, các DN tăng dần quy mô, số lượng qua từng năm. Nếu như năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 2 DN FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 141,3 triệu USD; đến năm 2011, sau khi nhà máy đầu tiên của Samsung đi vào hoạt động, đã kéo theo nhiều dự án vệ tinh đầu tư. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 1.717 dự án FDI (còn hiệu lực) từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp phép với tổng vốn đầu tư 21,2 tỷ USD, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số vốn đăng ký. Cùng với đó là 1.476 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt hơn 215.353 tỷ đồng được các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn...
Từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp (KCN) với quy mô hơn 134 ha (KCN Tiên Sơn), đến nay toàn tỉnh có 16 KCN được thành lập, 10 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao như KCN Quế Võ, Yên Phong, VSIP, Thuận Thành… thu hút gần 1.200 DN đầu tư SXKD; trong đó có các nhà đầu tư từ các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... theo hướng có chọn lọc, vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường… góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách của tỉnh. Tỷ lệ giá trị sản xuất công nghiệp đóng góp từ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 80% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Tầm vóc và sức ảnh hưởng của các doanh nghiệp trong KCN Bắc Ninh được khắc họa sinh động trong bức tranh kinh tế toàn tỉnh, trở thành đầu tầu tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Hơn thế nữa, các dự án đầu tư trực tiếp đã giải quyết việc cho gần 300 nghìn lao động trực tiếp, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

 

anh tin bai

Các doanh nghiệp FDI lĩnh vực sản xuất điện tử đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Ảnh: Sản xuất thiết bị điều khiển tự động tại Công ty CP CrucialTec Vina (KCN Yên Phong).

 

Với sự năng động, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối DN có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần tích cực giúp quy mô kinh tế của tỉnh tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng vùng Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ. Nếu như, khi mới tái lập tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành (GDRP) mới đạt 2.020 tỷ đồng, xếp thứ 8/11 tỉnh/thành phố thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng và đóng góp không đáng kể (0,64%) vào GDP cả nước thì đến năm 2010, quy mô GRDP đạt 38,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 1.984 triệu USD), gấp 10,9 lần năm 1997, chiếm 1,8% GDP cả nước; xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Hồng và ở nhóm trên 20 tỉnh, thành phố. Giai đoạn 2011-2021, cùng với sự gia tăng vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI đã tạo đà để kinh tế “tăng tốc”. Đến năm 2021, quy mô GRDP tăng lên 227,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 9.878 triệu USD), gấp gần 5 lần năm 2010 và gấp 54,1 lần năm 1997, chiếm 2,71% GDP cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng. Tính chung 25 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt 13,9%/năm; là dấu ấn quan trọng, đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế cả nước. Trong đó, các doanh nghiệp ngành công nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn trên  thế  giới,  như:  Samsung,  Canon,  Hồng  Hải,  Amkor, Goertek.. tiếp tục đóng vai trò là động lực, đã tạo hiệu ứng lan tỏa và đưa Bắc Ninh trở thành điểm đến của các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, là cứ điểm ngành công nghiệp điện tử của cả nước.
Năm 2021, chịu tác động không nhỏ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vươn lên vượt khó của cộng đồng DN, Bắc Ninh đã “gặt hái” được nhiều thành công. Thống kê năm 2021, toàn tỉnh có 2.115 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 24.465 tỷ đồng; 742 DN và đơn vị trực thuộc đăng ký quay trở lại hoạt động. Đến hết năm 2021, tổng thu NSNN toàn tỉnh đạt hơn 33.260 tỷ đồng. Sự nỗ lực của các DN không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn có đóng góp quan trọng vào thu NSNN, công tác an sinh xã hội; khẳng định là “trợ thủ” đắc lực của nền kinh tế, tạo tiền đề đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập