VƯƠNG QUỐC TUẤN
Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
Xác định kinh tế tập
thể (KTTT) là một trong 5 thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc
dân. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển
KTTT, điều đó được thể hiện trong Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Hội
nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới,
phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, khẳng định rõ vai trò, vị trí quan trọng
nòng cốt của kinh tế KTTT, HTX trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của
đất nước.
Sau khi Nghị quyết số
13-NQ/TW được ban hành, đặc biệt là sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc
hội thông qua, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều văn bản để
thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết, Luật, Nghị định nhằm đưa Nghị quyết vào
cuộc sống (trong đó: ban hành 01 Kết luận, 05 Nghị quyết, 08 Quyết định, 07 kế
hoạch triển khai thực hiện, 01 hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực
hiện nhiệm vụ đổi mới phát triển Hợp tác xã). Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp,
tỉnh đã ban hành Đề án và Kế hoạch Đổi mới, phát triển KTTT, HTX nông
nghiệp, và xây dựng Kế hoạch, đề án triển khai thực hiện Quyết định số
461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 HTX,
LHHTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả…
Các văn bản chỉ đạo, chính sách của tỉnh bám sát chỉ đạo của Trung ương,
tình hình thực tế của địa phương. Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số
13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, nhận thức các quan điểm phát
triển KTTT, HTX của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực;
từng bước hiểu rõ bản chất HTX là phục vụ và mang lại lợi ích cho thành viên
với tư cách vừa là người chủ vừa là khách hàng của HTX, thấy được sự cần thiết
của việc phát triển mô hình KTTT, HTX với phát triển kinh tế - xã hội địa
phương, đặc biệt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Các thành viên HTX, người dân thấy được sự cần thiết của mô hình KTTT, HTX
trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nhận thức
rõ hơn về các nguyên tắc hoạt động trong HTX, vai trò của HTX đối với nhu cầu
sản xuất kinh doanh và đời sống của thành viên; tin tưởng hơn vào đường lối của
Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển KTTT…
Các HTX nông nghiệp
ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hiện nay. toàn tỉnh có
690 HTX hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó: có 542 HTX nông nghiệp (chiếm
78,5%); 60 HTX CN - TTCN (chiếm 8,8%); 2 HTX xây dựng (chiếm 0,3%); 29
HTX giao thông vận tải (chiếm 4,2%); 27 HTX thương mại - dịch vụ (chiếm 3,9%);
4 HTX vệ sinh môi trường (chiếm 0,6%); 26 Quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 3,8%).
Trong 20 năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập mới được 455 HTX; có 218 HTX dịch
vụ nông nghiệp chuyển sang mô hình tổ hợp tác (THT); 283 HTX chuyển sang loại
hình tổ chức khác (tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012). Doanh thu bình quân của
HTX đạt 870 triệu đồng/năm, lãi bình quân ước đạt 380 triệu đồng/năm; thu nhập
bình quân của thành viên, lao động của HTX ước đạt 60 triệu đồng/năm. HTX sản
xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị có chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX
giảm từ 5-8%, thu nhập của thành viên tăng 20-25% so với các HTX sản xuất theo
mô hình truyền thống; chất lượng sản phẩm không ngừng tăng, giá bán ổn định và
mang lại nhiều lợi ích.…Đặc biệt, từ khi Luật HTX năm 2012 được ban hành, số
lượng các HTX hoạt động hiệu quả tăng lên rõ rệt, chiếm khoảng 70% trong tổng
số các HTX.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay, cạnh tranh ngày càng gay gắt,
quyết liệt, các hộ kinh doanh cá thể với quy mô nhỏ, thiếu vốn, khó áp dụng
khoa học công nghệ, thiếu thông tin về thị trường… muốn tồn tại và phát triển
thì cần phải liên kết lại với nhau để cùng giúp đỡ nhau phát triển. Vì vậy,
trong quá trình phát triển KTTT, Bắc Ninh khuyến khích hợp tác đa dạng, từ thấp
đến cao, trên cơ sở xuất phát từ quan hệ lợi ích của các xã viên khi tham gia
vào KTTT. Sự hỗ trợ đó không phải theo ý muốn chủ quan mà trên cơ sở phát huy
vai trò của các hộ kinh doanh, quyền chủ động sản xuất kinh doanh của người
nông dân được giải phóng khỏi những ràng buộc sắc lệnh, từ đó đã mang lại hiệu
quả nhanh chóng; gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thành một
chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, để nâng cao giá trị hàng nông sản.
…Các chính sách về tín dụng, hỗ trợ về khoa học công nghệ, đất đai, đào tạo
nguồn nhân lực, tiếp thị và mở rộng thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng… tạo động
lực để các HTX mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng
góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Ngoài ra, HTX phát huy được vai trò
quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, liên kết sản xuất, phát triển HTX
là một trong 19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới…
Sau chuyển đổi theo
Luật HTX năm 2012, HTX dịch vụ nông nghiệp phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) nỗ
lực vươn lên, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
KTTT, HTX được tạo điều kiện để phát triển cả về số lượng và chất lượng. Thông
qua các tổ chức KTTT, HTX, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và được hỗ
trợ của Nhà nước, của các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội tại
địa phương. Xuất hiện nhiều loại hình HTX, mô hình kinh tế hợp tác có hiệu quả,
tạo được niềm tin vào triển vọng phát triển của KTTT, HTX, góp phần quan trọng
trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập,
cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nhất là hộ thành viên, bảo đảm an
sinh xã hội trên địa bàn. Những kết quả này, khẳng định vai trò công tác lãnh
đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền
từ Trung ương đến địa phương trong việc đổi mới, củng cố và nâng cao hiệu quả
hoạt động của tổ chức KTTT, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết thành
các chương trình hành động, kế hoạch để triển khai thực hiện... Tuy nhiên, bên
cạnh những kết quả tích cực, khu vực KTTT, HTX vẫn còn một số hạn chế, bất cập
như: Tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; tỷ lệ đóng góp vào
GDP chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều HTX có quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều
giữa các vùng, miền, khu vực; công tác quản lý nhà nước về KTTT còn một số bất
cập, công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về phát triển
KTTT còn chưa đầy đủ, kịp thời; bản thân các tổ chức KTTT chưa nắm vững các
nguyên tắc quản trị, công nghệ mới…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia tham gia ngày càng sâu vào mạng sản
xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, xuất hiện nhiều hình thức liên kết kinh tế mới,
các định chế tài chính quốc tế, khu vực, các hiệp định song phương, đa phương
thế hệ mới. Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng kinh
tế ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do, hội nhập quốc tế với
tầm vóc sâu rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Đứng trước những cơ hội
và thách thức trong bối cảnh mới, để tiếp tục phát huy vai trò, khẳng định vị
thế quan trọng của KTTT, HTX trong nền kinh tế, thời gian tới, mỗi địa phương
quán triệt sâu sắc vai trò của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường, xu thế
phát triển trong mối quan hệ với các chủ thể kinh tế khác. Chú trọng tuyên
truyền nâng cao nhận thức cho người dân hiểu được tam nông (nông nghiệp,
nông dân, nông thôn) luôn là vấn đề chiến lược được Đảng, Nhà nước đặt ra, phát
triển KTTT là nội hàm của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Các HTX, LH HTX phải nhận thức rõ và gắng sức vượt qua. Muốn vậy, các
HTX, LH HTX cần tự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy hoạt động theo hướng dựa vào
khoa học - công nghệ hiện đại để phát triển. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước
đối với KTTT, HTX theo hướng tăng cường kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện
pháp luật HTX; Hỗ trợ, hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho HTX
hoạt động; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước
về KTTT, HTX. Tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển KTTT phù hợp với quy luật
khách quan, phát huy tối đa sức mạnh của mô hình hợp tác xã kiểu mới, bảo đảm
hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia, đem lại hiệu quả, đóng góp cho phát
triển kinh tế-xã hội.
Nguồn:baobacninh.com.vn