Nâng cao chất lượng công tác tham mưu
Là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Hành chính công tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về CCHC nói chung, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng; nâng cao trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh; phát huy vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Từ khi đi vào vận hành đến nay, Trung tâm chủ động tham mưu 4 đề án, 5 quyết định, 6 sáng kiến cùng các văn bản khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Nổi bật, Trung tâm kịp thời tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp hiệu quả trong giải quyết TTHC như: Cơ chế ủy quyền tiếp nhận TTHC; quy trình giải quyết TTHC “5 tại chỗ”; đưa vào sử dụng con dấu thứ 2; ứng dụng trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn bị ảnh hưởng dịch bệnh… Qua đó, góp phần rút ngắn thời gian, tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC đúng và trước hạn.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Trung tâm phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các sở, ngành trong giải quyết TTHC bảo đảm nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, không để hiện tượng né tránh trách nhiệm xảy ra. Nhất là trao đổi, làm rõ những bất cập, vướng mắc trong quy trình giải quyết TTHC như: Phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải khắc phục tình trạng ùn tắc trong cấp đổi Giấy phép lái xe; phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh TTHC; phối hợp với Cục Thuế triển khai biên lai điện tử, kết nối thanh toán phí, lệ phí… Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng phục vụ, nâng cao sự tin tưởng và hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với công tác giải quyết TTHC.
Đơn giản hóa trong giải quyết thủ tục hành chính
Trung tâm HCC tỉnh trong những năm qua tích cực phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh rà soát, đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 850 TTHC được cắt giảm thời gian thực hiện, ít nhất là 0,5 ngày và nhiều nhất là 10 ngày. Trong đó có hơn 30% TTHC được cắt giảm thời gian thực hiện theo cơ chế “5 tại chỗ”.
Trung tâm không ngừng nâng cao hiệu suất, hiệu quả giải quyết TTHC như thực hiện cơ chế ủy quyền (tiếp nhận hồ sơ thay các cơ quan chuyên môn); ứng dụng công nghệ thông tin, thu phí bằng hình thức biên lai tự in, biên lai điện tử tập trung giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức đi lại; cơ quan chuyên môn gần như không còn phải chi cho các hoạt động in ấn, văn phòng phẩm, chi phí vận chuyển, cước phí bưu chính. Từ việc thực hiện “5 tại chỗ”, nhiều vị trí việc làm được xác định lại, loại bỏ những trùng lặp, chồng chéo ở các phòng, ban, cơ quan chuyên môn, giúp tinh giản biên chế.
Qua hơn 6 năm đi vào hoạt động, Trung tâm tiếp nhận, giải quyết hơn 552 nghìn hồ sơ TTHC. Trong đó có 53.443 hồ sơ được giải quyết theo hình thức “5 tại chỗ”; tỷ lệ hồ sơ trả đúng và sớm trước thời hạn đạt 99,5%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt 53,62%; tỷ lệ hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được thực hiện số hoá đạt 57,62%.
|
Minh chứng hiệu quả hoạt động của mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh là việc đã góp phần tích cực nâng cao vị trí xếp hạng các chỉ số đánh giá địa phương của tỉnh như: Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) 3 năm liên tiếp (2020-2022), Bắc Ninh nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu toàn quốc; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông (ICT Index) năm 2022, tỉnh đứng thứ 10 với 0,56 điểm; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, tỉnh đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố, 2 năm liên tiếp (2021 và 2022) đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố.
Đồng chí Đào Thu Hà, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hành chính công tỉnh nhấn mạnh, với cơ chế quản lý, vận hành mới, mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh đã góp phần thay đổi cách thức làm việc, từng bước thay đổi tư duy, văn hóa ứng xử của cơ quan công quyền, cán bộ, công chức, viên chức theo hướng phục vụ; giúp tạo điều kiện thuận lợi, nhất là tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết TTHC; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, tính công khai, minh bạch của chính quyền các cấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua quá trình hoạt động, mô hình còn những tồn tại, hạn chế như: Việc đồng bộ dữ liệu giữa hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh còn bất cập, chưa đồng nhất; quy định pháp luật hiện hành có điểm còn chưa thống nhất trong việc xác định mô hình, tổ chức hoạt động; cơ sở trang thiết bị, hạ tầng công nghệ kỹ thuật hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng, tuy nhiên vẫn không theo kịp tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, đặc biệt khi triển khai những nhiệm vụ lớn về số hoá, “5 tại chỗ”, giải quyết TTHC phi địa giới hành chính… Đây là những vấn đề đặt ra và cần có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới để Trung tâm Hành chính công tỉnh tiếp tục vận hành hiệu quả, đóng góp vào nhiệm vụ cải cách hành chính, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.