Kết luận Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX Về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội năm 2022; Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2023 (Thông tin SHCB trích đăng một số nội dung chính).

I. KẾT QUẢ NĂM 2022

1. Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quán triệt và kịp thời cụ thể hóa tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương vào tình hình thực tiễn tại địa phương; đồng thời, thông qua nhiều nội dung quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ đề công tác năm: “Tiếp tục đoàn kết - sáng tạo - kỷ cương - trách nhiệm; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19; phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị”.

2. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và Bộ phận phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp huyện; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa (XI, XII, XIII) và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chuẩn bị tốt các điều kiện làm việc với các Đoàn kiểm tra, giám sát, kiểm toán Trung ương. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được tổ chức thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tạo đồng thuận trong nhân dân. Chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đại hội Hội Cựu Chiến binh tỉnh, nhiệm kỳ 2022-2027.

3. Kinh tế tăng trưởng cao, đạt 7,39%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,5%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 28%; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 91,7 tỷ USD, tăng 10,2%; thu ngân sách ước đạt 30.372 tỷ đồng, bằng 99,4% dự toán năm (do thu tiền sử dụng đất không đạt dự toán). Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực; cấp mới và điều chỉnh vốn 242 dự án FDI, với tổng vốn thu hút gần 2 tỷ USD.

4. Công tác quy hoạch và phát triển đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản, giao thông, tài chính, quản lý đất đai, môi trường được tập trung chỉ đạo, có chuyển biến tích cực; tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư, đất đai, bảo vệ môi trường; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045; tỷ lệ đô thị hóa đạt 43%.

5. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân, thông tin truyền thông được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực: Xây dựng, triển khai Nghị quyết số 71-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị lớn; chất lượng thể thao thành tích cao được nâng lên;giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao, đứng trong tốp đầu cả nước; nhiều chính sách an sinh xã hội tiếp tục được sửa đổi, có mức trợ cấp cao hơn so với quy định của Trung ương.

6. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 55-NQ/TU về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030. Công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Công tác quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hoàn thành xuất sắc diễn tập Khu vực phòng thủ tỉnh Bắc Ninh năm 2022; đối ngoại và quan hệ quốc tế tiếp tục được mở rộng.

* Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số mặt hạn chế: Công tác lập quy hoạch và phát triển một số công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng, đô thị chưa đạt tiến độ; còn 6/15 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; thu tiền sử dụng đất đạt thấp; cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, hạ tầng số… có điểm nghẽn; công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công một số công trình, dự án còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất dân cư dịch vụ triển khai chậm; vướng mắc trong giao, bán đất trái thẩm quyền chưa được xử lý. Năng suất lao động thấp; ngành y tế, giáo dục còn gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện quyết định, kết luận sau thanh tra, kiểm toán, kiểm tra và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo còn kéo dài; tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn phức tạp. Công tác xây dựng Đảng; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt còn hạn chế… đòi hỏi các cấp, các ngành phải tập trung có giải pháp quyết liệt, khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, tập trung giải quyết 08 điểm nghẽn chủ yếu, ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh như:

(1). Có lúc, có nơi tổ chức Đảng có biểu hiện mất năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; tinh thần phê bình và tự phê bình chưa cao; đoàn kết xuôi chiều và biểu hiện chủ nghĩa cá nhân; bộc lộ những vi phạm, khuyết điểm tại Thông báo kết luận số 369-TB/UBKTTW, ngày 01/11/2022 của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương liên quan đến giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc; công tác cán bộ, quản lý đất đai, đầu tư và mua sắm công.

(2). Phương thức điều hành còn mang tính quy trình; tính kế hoạch chưa cao, khả năng dự báo còn thấp; chất lượng thẩm định, giải quyết, trả lời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc chưa cao, thiếu rõ ràng.

(3). Nguồn lực chi cho đầu tư phát triển còn thiếu, phân bổ chưa sát với nhu cầu, hiệu quả sử dụng chưa cao; chưa phát huy được vai trò dẫn dắt của đầu tư công với đầu tư toàn xã hội.

(4). Kết cấu hạ tầng chưa đầy đủ và đồng bộ, chưa tạo nhiều không gian phát triển; hạ tầng số tuy được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

(5). Diện tích tự nhiên nhỏ, nhưng việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai chưa hiệu quả. Chưa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

(6). Năng lực công nghệ nội sinh của doanh nghiệp bản địa chưa cao; mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI cao; mức độ lan tỏa và năng lực hấp thu công nghệ chưa cao; sức khỏe thực chất của doanh nghiệp còn khó khăn.

(7). Văn hóa tuy được gìn giữ, bảo tồn nhưng chưa trở thành động lực, nguồn lực cho phát triển.

(8). Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc kéo dài chậm được xem xét, giải quyết dứt điểm.

II. CHỦ ĐỀ, MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2023

1. Chủ đề năm 2023: Đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; Nâng cao đạo đức công vụ; Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị và văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu

(1). Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 6,5-7% so với năm 2022.

(2). Thu nhập bình quân đầu người 69,5 triệu đồng.

(3). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 93.262 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu 50.870 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu 42.392 triệu USD.

(4). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 60 nghìn tỷ đồng.

(5) Thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp 1.200 triệu USD.

(6). Tổng thu ngân sách nhà nước 31.630 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 23.820 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7.810 tỷ đồng.

(7). Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 85.800 tỷ đồng.

(8). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%.

(9). Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%.

(10). Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị duy trì 1,72%.

(11). Tỷ lệ lao động qua đào tạo 78%.

(12). Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đạt 58,3%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đạt 2,5%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đạt 56,8%.

(13). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 95,5%.

(14). Tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2023 còn 1%.

(15). Số giường bệnh/1 vạn dân (không tính trạm y tế xã) 34 giường.

(16). Số vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc ≤ 1; không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.

(17). Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 96%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn được thu gom, tự xử lý, vận chuyển, xử lý tập trung đạt trên 90%.

(18). 80% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức cơ sở Đảng không hoàn thành nhiệm vụ; Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 80% trở lên; phấn đấu kết nạp 1.500 đảng viên mới.

(19). 85% tổ chức chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ (65% công đoàn cơ sở hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ).

 

                                                               Nguồn:Cuốn thông tin sinh hoạt chi bộ số 2 năm 2023


Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập