Hội làng, sử nước

Trong lịch sử nhân loại, lễ hội mang tính phổ biến và có từ lâu đời. Hầu như quốc gia, dân tộc, vùng miền nào cũng có lễ hội truyền thống. Bắc Ninh là một trong những tỉnh tập trung phong phú, đậm đặc lễ hội truyền thống. Thống kê, Bắc Ninh có khoảng hơn 500 lễ hội với nhiều nghi lễ độc đáo, đặc trưng của mỗi làng xã, địa phương. Mỗi lễ hội là sự sáng tạo của các cộng đồng dân cư, được đúc kết và lưu truyền từ đời này qua đời khác, trở thành di sản văn hóa vô giá, phản ánh bản sắc, hồn cốt lịch sử dân tộc, minh chứng cho cội gốc bền vững của tinh thần đoàn kết toàn dân.

anh tin bai

Hội làng Diềm tôn vinh Đức Vua Bà, Thủy tổ Quan họ (ảnh tư liệu).

 

Hầu hết làng xã Bắc Ninh đều có lễ hội riêng và thường mang tên làng, tên di tích, hoặc tên các bậc tiền nhân được thờ phụng, như lễ hội chùa Phật Tích, hội Đồng Kỵ, lễ hội đền Bà Chúa Kho, hội làng Diềm, lễ hội lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, lễ hội Đền Đô... Cũng có lễ hội quy mô rộng hơn song vẫn là sự kết hợp của nhiều làng xã.
Ví dụ như hội chùa Dâu do các làng thuộc tổng Dâu xưa cùng tổ chức; hội Lim là hội của các làng thuộc tổng Nội Duệ xưa; lễ hội Thập Đình là hội của mười làng cùng thờ Đức Doãn Công-Đào Nương là hai vợ chồng phò giúp Hai Bà Trưng đánh giặc; hay lễ hội Cao Lỗ Vương là do 7 làng thờ Cao Lỗ Vương cùng nhau thực hành... Ở những lễ hội quy mô hàng xã, hàng tổng thì các làng cùng phối hợp tổ chức một số hoạt động chung như rước sách, tế lễ... Tuy nhiên mỗi làng vẫn có những sinh hoạt văn hóa, tâm linh riêng theo phong tục truyền thống của từng địa phương, do đó tính chất hội làng vẫn được bảo lưu và thể hiện rất rõ.
Chẳng hạn như dân làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành) tổ chức lễ hội vào ngày 18 tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ đức Thủy tổ dân tộc Việt Nam - Kinh Dương Vương. Hiện nay, khu lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ ở Á Lữ không chỉ là di tích đặc biệt quan trọng của vùng Luy Lâu - Kinh Bắc mà còn là dấu ấn lịch sử thiêng liêng nối mãi sức mạnh cội nguồn của cả dân tộc Việt Nam. Hay lễ hội làng Lũng Khê, xã Thanh Khương (Thuận Thành) vào ngày mồng 5 tháng Giêng cũng để kỉ niệm sự kiện Hai Bà Trưng hạ thành Luy Lâu trong cuộc khởi nghĩa mùa xuân năm 40, đánh đuổi giặc Tô Định, giành lại độc lập cho đất nước.
Bên bờ Bắc sông Đuống, lễ hội Đền Đô, phường Đình Bảng (Từ Sơn) vào ngày 15 tháng 3 Âm lịch để kỉ niệm một dấu son trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc là ngày đức vua Lý Thái Tổ đăng quang, thiết lập vương triều Lý, mở ra một triều đại vàng son kéo dài suốt 216 năm. Lễ hội Như Nguyệt (Yên Phong) vào ngày 28 tháng 2 Âm lịch cũng nhằm kỉ niệm đại thắng Như Nguyệt mùa xuân năm 1077, kết thúc cuộc kháng chiến chống Tống của quân dân Đại Việt. Hoặc lễ hội làng Đại Thượng (Tiên Du) vào ngày 24 tháng 3 Âm lịch là để ghi dấu thắng lợi vang dội của nhân dân và bộ đội địa phương, một sự kiện xảy ra trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1952...
Rồi như hội Lim là dịp để nhân dân tổng Nội Duệ xưa cùng người dân các làng Quan họ tưởng nhớ bậc danh thần Nguyễn Đình Diễn, Đỗ Nguyên Thụy và Nguyễn Đăng Đạo đã đóng góp cho việc tu sửa đình chùa, đền miếu, mở mang tập tục, khuyến khích học hành khoa cử, đặc biệt có công trong chuyển đổi hội Lim từ hội đình, hội chạ vào tháng Tám sang hội hàng tổng vào mùa xuân, 13 tháng Giêng hàng năm...
Dẫn chứng qua một vài lễ hội để thấy tuy mang tính chất của hội làng, hội tổng song mỗi lễ hội đều là tấm gương phản ánh khá toàn diện, sinh động truyền thống lịch sử văn hóa của làng xã và đặc biệt ở đó luôn bảo giữ một phần của lịch sử dân tộc. Mỗi lễ hội đều nhằm ghi dấu các sự kiện lịch sử hoặc tưởng nhớ các bậc danh nhân lịch sử văn hóa, những người có nhiều công lao với quê hương, đất nước, được lịch sử ghi nhận, các triều đại tôn vinh và nhân dân nhớ ơn tôn thờ. Đó là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh cộng đồng có giá trị đặc biệt thiêng liêng với sức hấp dẫn kỳ lạ.  

anh tin bai

Lễ hội Kinh Dương Vương (Thuận Thành) tưởng nhớ đức Thủy tổ dân tộc Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ có công khai sơn sáng thủy. (Ảnh tư liệu).


Thực tế cho thấy dù trong bối cảnh xã hội nào, muốn tổ chức được lễ hội phải huy động toàn thể cộng đồng làng xã tham gia. Mọi thành viên trong cộng đồng đều được bàn định việc tổ chức lễ hội hàng năm của làng. Tùy theo điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế của từng năm mà quyết định quy mô, hình thức của lễ hội. Các tộc họ, phường giáp như hội người cao tuổi, hội đồng niên, phường nghề... đều được làng xã phân công những công việc cụ thể để chuẩn bị và tham gia lễ hội. Đặc biệt, những cụ Thượng, các bậc cao niên giàu kinh nghiệm, có học thức và uy tín, những nghệ nhân trong làng luôn được cộng đồng kính trọng và có vai trò lớn trong hướng dẫn tổ chức lễ hội. Như vậy, lễ hội cũng là dịp thu hút sự tham gia đóng góp tài năng, công sức, tiền bạc của các tầng lớp nhân dân, những người giàu có và quý khách thập phương. Và vì thế lễ hội mang lại hiệu quả lớn trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Xuân Nhâm Dần này, cũng như cả nước, miền Kinh Bắc đang đi qua những ngày xuân thiếu vắng lễ hội vì dịch COVID-19. Dẫu vậy, trong tâm thức mỗi người dân Bắc Ninh ơn nghĩa với tiền nhân chưa bao giờ phai nhạt, mạch nguồn lịch sử truyền thống quê hương, dân tộc vẫn mãi mãi khắc ghi, tình đất tình người Kinh Bắc luôn thiết tha, nồng ấm... Đặc biệt, có lẽ nhờ khoảng lặng của những mùa xuân thích ứng như thế này, mỗi người dân sẽ có thêm thời gian, không gian để tĩnh tâm và sống sâu hơn, hướng về nguồn cội bằng những việc làm ý nghĩa mới.

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập