Học tập và noi gương đồng chí Ngô Gia Tự, người chiến sỹ cách mạng kiên trung, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh
Đồng chí
Ngô Gia Tự, sinh ngày 03/12/1908, trong một gia đình nhà Nho nghèo tại làng Tam
Sơn, tổng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường
Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1926, đồng chí Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội
Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được tổ chức tín nhiệm cử sang Quảng Châu
(Trung Quốc) dự lớp do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện. Ngay sau
khi kết thúc khóa huấn luyện tại Trung Quốc, đồng chí được phân công về Bắc
Ninh, Bắc Giang để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, gây dựng
cơ sở cách mạng. Giữa năm 1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc
Ninh- Bắc Giang được thành lập, đồng chí Ngô Gia Tự được bầu làm Uỷ viên Tỉnh bộ. Đến giữa năm 1928, đồng chí được bầu
làm Bí thư Tỉnh bộ và Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào cách mạng ở Bắc Ninh, Bắc Giang diễn
ra rộng khắp, có nhiều hình thức tập hợp quần chúng đấu tranh chống thực dân và
phong kiến. Trong vai trò Ủy viên Kỳ bộ, đồng chí đã đề xuất chủ trương, trực
tiếp tham gia vào phong trào “vô sản hóa” và có nhiều đóng góp to lớn trong việc
tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước
ở nước ta.
Tháng 3/1929,
tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, đồng chí Ngô Gia Tự cùng các anh em đồng
chí hướng - thành viên tiên tiến của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội
đã bí mật thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở trong nước. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 17/6/1929, tại
ngôi nhà số 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập,
đồng chí Ngô Gia Tự được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.
Tháng 7/1929, đồng chí Ngô Gia Tự về Bắc
Ninh thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở hai tỉnh Bắc Ninh- Bắc Giang. Theo sự
chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, ngày 04/8/1929 tại núi Hồng Vân (núi Lim, huyện
Tiên Du), các hội viên tiên tiến của Việt Nam Cách mạng
Thanh niên hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã họp để thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh- Bắc
Giang.
Cuối tháng 7/1929, đồng chí Ngô Gia Tự
được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng phân công vào
Nam Kỳ để tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Bằng hoạt động tích cực của đồng
chí Ngô Gia Tự, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt
Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tại
hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở Nam Kỳ, đồng chí Ngô Gia Tự được bầu
làm Bí thư Chấp uỷ lâm thời Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ. Trên cương
vị này, đồng chí luôn sâu sát cơ sở, bồi dưỡng nhận thức chính trị cho cán bộ,
đảng viên. Đồng chí khẳng định: “Đảng viên phải vì Đảng mà hy sinh, đừng vì
ta để Đảng và cách mạng phải tổn hại”.
Ngày 31/5/1930, đồng chí Ngô Gia Tự bị
địch bắt ở xóm Phú Am (Thị Nghè, Sài Gòn) khi đang soạn thảo truyền đơn. Trải
qua nhiều nhà tù ở Sài Gòn, Bắc Ninh, Hà Nội, bị giam cầm, tra tấn dã man,
nhưng đồng chí Ngô Gia Tự vẫn giữ vững khí tiết, ý chí bất khuất, tuyệt đối
trung thành với Đảng. Ba năm giam giữ, bốn lần xét xử, đến tháng 5/1933, đồng
chí bị tòa án thực dân Pháp kết án chung thân và đày đi Côn Đảo.
Trong nhà tù đế quốc, để thực hiện chủ trương “biến nhà tù
thành trường học cộng sản”, đồng chí Ngô Gia Tự luôn tranh thủ mọi thời gian để
cống hiến cho Đảng, tận dụng mọi cơ hội để dạy văn hóa, lý luận cách mạng, nâng
cao nhận thức, xây dựng niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam
cho đồng chí của mình và cho những người tù khác. Tấm gương dũng cảm, kiên cường,
bất khuất trước kẻ thù của đồng chí Ngô Gia Tự và các chiến sĩ cộng sản đã cảm
hóa được nhiều người ở đảng phái khác nhận ra lý tưởng cộng sản, tự nguyện gia
nhập và chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng ta. Đầu năm 1935, trên đường vượt biển trở về đất liền
để tiếp tục hoạt động cách mạng, đồng chí Ngô Gia Tự đã hy sinh.
Phát
huy truyền thống của quê hương, đất nước, học tập và noi gương đồng chí Ngô Gia
Tự, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc
Ninh luôn phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, đoàn kết khắc phục khó
khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ
chính trị trên các lĩnh vực. Đặc biệt, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt khó, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Công
tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, đảm bảo chặt chẽ, hiệu
quả: Đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm túc công tác
kiểm tra, giám sát và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
cấp tỉnh. Bình quân trong nửa nhiệm kỳ, số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt
nhiệm vụ đạt 89,38%, số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 90,32%, vượt mục
tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Sau nửa nhiệm kỳ tập trung triển khai thực hiện
Nghị quyết Đại hội, đến nay đã có 7 chỉ tiêu vượt mục tiêu, 2 chỉ tiêu đạt mục
tiêu, 18 chỉ tiêu đang thực hiện, 2 chỉ tiêu tính số liệu cuối nhiệm kỳ.
Ba
năm qua, Bắc Ninh cùng cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều
vấn đề phát sinh chưa từng có tiền lệ. Liên tiếp trong 2 năm (2021- 2022), kinh
tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Bắc Ninh đã thực hiện thắng lợi
“mục tiêu kép”, quyết liệt, sáng tạo, thành công trong công tác phòng chống dịch
Covid-19, tập
trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo an sinh,
phúc lợi xã hội. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,1%; năm 2022 đạt
5,22%; nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu
cả nước; quy mô GRDP đứng thứ 9 cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ
nhất; GRDP bình quân đầu người đứng thứ tư; kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2; thu
hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 7; giá trị tăng thêm kinh tế số GRDP của Bắc
Ninh chiếm 50,73%, đứng thứ nhất cả nước; tăng trưởng xanh đứng thứ 3; kinh tế số đứng thứ
nhất cả nước;
kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh luôn duy trì trong nhóm 7
tỉnh cao nhất cả nước. Vai trò của Bắc Ninh trong vùng Đồng bằng Sông Hồng,
vùng Thủ đô ngày càng được khẳng định. Năm 2023, tình hình chính trị- kinh tế
thế giới có nhiều biến động tiêu cực, Bắc Ninh là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề,
kinh tế 6
tháng đầu năm suy giảm mạnh, nhưng quý III và quý IV/2023 đã có sự khởi sắc,
tích cực.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội
có chuyển biến, là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban
hành Nghị quyết số 71-NQ/TU, ngày 29/8/2022 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển
văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; giáo
dục đào tạo là điểm
sáng, dẫn đầu cả nước về thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; đứng thứ 5 toàn quốc về điểm trung
bình kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm ở mức cao hơn so với quy định của Trung ương; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,94%. Niềm tin, sự phấn khởi,
chất lượng sống của người dân từng bước được nâng cao. Công tác quốc phòng- an ninh được giữ vững, ban hành Nghị quyết số
87-NQ/TU, ngày 15/3/2023 của Tỉnh ủy về xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" thí điểm triển khai đầu tiên trong
cả nước. Hợp tác, đối ngoại được mở rộng với 39 quốc gia vùng lãnh thổ.
Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Ngô
Gia Tự, là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến
to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Phát huy truyền thống cách mạng, mỗi chúng ta cần khắc
cốt, ghi tâm công lao to lớn của các vị lãnh tụ tiền bối, học tập và phát huy mạnh
mẽ tấm gương sáng ngời của đồng chí Ngô Gia Tự, nguyện không ngừng phấn đấu, tu
dưỡng, rèn luyện về lý tưởng, ý chí, tinh thần cách mạng tiến công, đem hết sức
lực, tài năng, trí tuệ của mình để xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng
hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng,
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ