Ngay từ đầu năm 2022, với cách ứng phó mới với
dịch bệnh Covid-19, hoạt động thương mại, dịch vụ trong tỉnh diễn ra thuận lợi,
các siêu thị, cửa hàng bán lẻ bày bán nhiều sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu
mã và đồng loạt áp dụng chính sách giảm giá cho người tiêu dùng. Hoạt động bán
lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm tăng khá cao so với
cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu Thống kê,
đầu tháng 2-2022 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại,
dịch vụ trong tháng giảm so với tháng trước nhưng tăng so với cùng kỳ. Thời
gian này, Bắc Ninh cùng cả nước thực hiện mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh
doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn trong trạng thái bình thường mới tạo đà
tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ. Theo đó, tổng mức bán lẻ
hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2-2022 ước tính đạt 6,3 nghìn tỷ
đồng, giảm 4,5% so với tháng trước nhưng tăng 21,0% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4,8 nghìn tỷ đồng, giảm 5,02% so với
tháng trước và tăng 16,7% so với cùng kỳ; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt
0,53 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 58,1% so với cùng kỳ;
doanh thu dịch vụ khác đạt 0,92 nghìn tỷ đồng, giảm 2,1% so với tháng trước và
tăng 27,9% so với cùng kỳ.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
tiêu dùng ước tính đạt 12,85 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm
trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 9,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,0%
tổng mức và tăng 7,5% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt
1,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,5% tổng mức và tăng 39,6% so với cùng kỳ. Doanh thu
dịch vụ khác đạt 1,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,5% và tăng 21,3% so với cùng kỳ.
Cùng với hoạt động nội thương, hoạt động ngoại thương của tỉnh cũng diễn ra khá
sôi động, cụ thể: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2 ước tính đạt 3.542
triệu USD, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 7.022,4
triệu USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong
nước xuất đạt 21,3 triệu USD, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có
vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất đạt 7.001,1 triệu USD, giảm 0,7% so với
cùng kỳ năm trước.
Về mặt hàng xuất khẩu, điểm sáng là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện
chiếm tỷ trọng chủ yếu 88,3% có mức tăng khá 13,4% so với cùng kỳ năm trước và
đạt 6.205,4 triệu USD; tiếp theo là hàng dệt may với 17,07 triệu USD, tăng
42,5% so với cùng kỳ năm trước; Chất dẻo và nguyên liệu đạt 6,227 triệu
USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước; ngoài ra mặt hàng nguyên liệu hàng
dệt may và da giày tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng lại có mức tăng cao nhất gấp
5,7 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 2 triệu USD. Tuy nhiên, có một số
sản phẩm giảm rất sâu như: Sản phẩm máy tính và linh kiện chỉ xuất được 628,14
triệu USD, giảm 56,2% so với cùng kỳ; sản phẩm chất dẻo đạt 0,2 triệu USD, giảm
43,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về nhập khẩu, có xu hướng tăng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.625
triệu USD, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 53,3% so với cùng kỳ năm trước,
lượng hàng hóa nhập khẩu nhiều chủ yếu là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư
trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng chủ 99,3%, tăng 5,7% so với tháng trước và
tăng tới 54,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng, kim ngạch hàng hóa
nhập khẩu ước tính đạt 7.060 triệu USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước,
trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhập khẩu chiếm
99,18%, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là linh
kiện điện tử, điện thoại tăng cao 35,2%. Ngoài ra có một số mặt hàng tăng đột
biến như: Vải các loại, tăng 94,1%; Phụ liệu dệt, may, da giày tăng 55,3% và
Chất dẻo nguyên liệu, tăng 56,7%. Do nhập khẩu hàng linh kiện điện tử, điện
thoại phục vụ cho sản xuất tháng tiếp theo nhiều đã làm cho cán cân thương mại
của tỉnh nhập siêu trong tháng 2 đạt 82,8 triệu USD, tính chung 2 tháng, nhập siêu
là 38 triệu USD, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
nhập siêu 2 triệu USD, các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 36 triệu USD.
Nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã
hội, kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu
dùng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; phục hồi và phát triển kinh tế, thúc
đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngành Công Thương của tỉnh
đã khuyến khích các đô thị lớn trong tỉnh đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi
tập trung, xây dựng các tuyến phố chuyên doanh, các siêu thị lớn đóng vai trò
“sếu đầu đàn” bắt đầu hoạt động sôi động trở lại. Tỉnh Bắc Ninh cũng tiếp tục
nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với
hoàn cảnh mới…
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất-nhập khẩu hàng hóa năm 2022, tỉnh
cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao sức
cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất để có khả năng thích ứng tốt nhất
trong hoàn cảnh mới với nhiều sàn thương mại điện tử; tiếp tục đẩy mạnh công
tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong
giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất,
xuất khẩu; thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các
cơ quan trung ương trên địa bàn; tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động
tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất
khẩu; tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt
động kinh doanh, xuất khẩu.
Khổng Văn Thắng
Cục Thống kê Bắc Ninh