Cần có những chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phục hồi và phát triển.
Doanh nghiệp gặp khó, tăng trưởng giảm tốc
Kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước, cũng như trong tỉnh. 6 tháng, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 19,03%, trong đó, chỉ số sản xuất ngành cấp 1 công nghiệp chế biến chế tạo là ngành chủ lực của Bắc Ninh giảm 19,16%; GRDP của ngành công nghiệp giảm 17,56%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 11,1%; khu vực FDI giảm nhiều nhất 11,94% đã tác động trực tiếp làm giảm quy mô lao động chung của các doanh nghiệp công nghiệp. Mặc dù có nhiều giải pháp đổi mới nhưng thu hút đầu tư trong nước giảm 74% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký là 2.289 tỷ đồng, giảm 82%. Song bù lại thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều khởi sắc hơn với số tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 533,28 triệu USD, tăng gấp 4,7 lần so cùng kỳ và điều chỉnh vốn 60 dự án, tổng vốn điều chỉnh tăng là 297 triệu USD…
Doanh nghiệp gặp khó nên hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp giảm, dẫn tới các hoạt động xuất, nhập khẩu giảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước 32,3 tỷ USD, giảm 24,2% so với cùng kỳ, đạt 34,7% kế hoạch; trong đó xuất khẩu ước 17,4 tỷ USD, giảm 21,8%; nhập khẩu ước 14,9 tỷ USD, giảm 26,8%, mới đạt 35,2% kế hoạch. Khó khăn bao trùm lên hầu hết các ngành nghề kinh tế, đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Ước tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 14.537 tỷ, bằng 46% dự toán năm, giảm 10,5% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa đạt 11.192 tỷ đồng, bằng 47% dự toán năm, giảm 9,1%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 3.345 tỷ đồng, giảm 14,9%. Tổng chi ngân sách địa phương ước 7.922 tỷ đồng, bằng 39% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển là 3.218 tỷ đồng, bằng 56,7% dự toán, tăng 0,6%. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bản ước 205.000 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ … Sản xuất kinh doanh khó khăn tác động tiếp tới tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 56.720 tỷ đồng giảm 12,59%.
Hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp sức cho nền kinh tế
Thời gian qua, Chính phủ và tỉnh triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, còn những bất cập trong công tác điều hành quản lý nhà nước, phản ứng chính sách, sự phối hợp trong một số trường hợp chưa kịp thời, quyết liệt; có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao;… ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, kéo giảm tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Đây là những hạn chế cần thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục.
Trong bối cảnh nền kinh tế không còn nhiều thuận lợi để tăng trưởng, bên cạnh việc chủ động, linh hoạt thực hiện chính sách ban hành, tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ cần có những giải pháp cấp bách, hỗ trợ đối với từng đối tượng, nhóm đối tượng cụ thể. Cụ thể như các doanh nghiệp nhỏ và vừa nguồn vốn, nguồn nhân lực còn hạn chế, nên dễ bị tổn thương hơn bởi những yếu tố bên ngoài tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, do vậy cần có những chính sách phù hợp hỗ trợ khu vực này. Ngoài ra, cần có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, phát huy vai trò của thị trường trong nước. Cùng với tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng xuất khẩu, tập trung đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Một giải pháp quan trọng khác đó là tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế trong sản xuất kinh doanh. Phát huy hiệu quả của các Tổ chuyên gia để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh…
Thực tế cho thấy tác động từ suy thoái kinh tế thế giới dẫn tới giảm “cầu” từ bên ngoài, nhưng cũng có một phần nguyên nhân từ nội tại, đó là sự suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp về trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của một số cán bộ, công chức, về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở cấp cơ sở. Do đó, giải pháp được đặc biệt nhấn mạnh hiện nay chính là tạo ra môi trường thông thoáng, minh bạch mới là yếu tố cốt lõi cho doanh nghiệp có điều kiện thực hiện chiến lược kinh doanh, phục hồi và phát triển tiếp sức cho nền kinh tế. Và nhiệm vụ này đã được Bắc Ninh cụ thể hóa trong Kế hoạch số 176 ngày 7-6-2023 về “Cải thiện chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) của tỉnh Bắc Ninh năm 2023”.