Góc nhìn về một thành phố đáng sống

“Thành phố đáng sống”- là một thành phố phát triển bền vững, nơi người dân có điều kiện sinh sống làm việc và hưởng thụ các tiện ích thoải mái, chất lượng cao.

Như vậy, nói “thành phố đáng sống” là nói tới nơi có đời sống tinh thần phong phú nhân văn, người dân hạnh phúc, tôn trọng thiên nhiên, có trách nhiệm với hiện tại, quá khứ và tương lai… mà trong đó các yếu tố cần thiết để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp, chủ yếu tập trung vào ba đặc trưng: Văn hóa, cảnh quan và quản trị.
Văn hóa là những đặc trưng do con người trải qua quá trình thích nghi, ứng biến với tự nhiên và đối nhân, xử thế mà hình thành. Nó có chiều sâu không gian, thời gian và âm hưởng, gia vị riêng biệt, rất khó trộn lẫn. Kinh Bắc- Bắc Ninh là một vùng đất như thế. Nơi địa linh nhân kiệt, có nền văn hiến hội tụ và kết tinh nhiều giá trị của nền văn minh Đại Việt với những bản sắc riêng độc đáo. Nói tới Bắc Ninh, ngoài “vương quốc” của lễ hội, những ngôi chùa cổ và quê hương Quan họ với “một làn nắng cũng mang điệu dân ca”, thì đến với Bắc Ninh là đến với miền đất của những con người yêu nước, thượng võ; cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, tinh xảo hoạt bát trong giao thương buôn bán; thông minh hiếu học, say mê các hoạt động và sáng tạo nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc…
Cảnh quan thành phố đóng vai trò quan trọng trong cân bằng và ổn định tâm lý thị dân. Cảnh quan hàm chứa sự hài hòa của các điều kiện địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu bên cạnh các tạo hình kiến trúc hình thành bởi tự nhiên và sức sáng tạo của con người. Những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho Bắc Ninh góp phần tạo nên cái hồn của xứ Bắc Ninh- Kinh Bắc. Đó là những dải đồi thấp cực kỳ quý giá giữa mênh mông biển lúa vàng. Cùng với các dòng sông chảy qua Bắc Ninh cũng đều là những dòng sông huyền thoại, bồi đắp một nền văn hóa đặc trưng cho Bắc Ninh-Kinh Bắc.
 Ta hướng tới đô thị văn minh để sống tiện nghi. Sở hữu tiện nghi ngày càng nhiều, ta lại cảm thấy thiếu sự thảnh thơi. Sự thảnh thơi giờ đây phải tìm kiếm, phải tranh thủ. Nhưng, hễ đô thị còn bảo lưu những mặt nước sống, những không gian gò đồi cỏ cây xanh tươi, nó vẫn còn đủ sức đem lại cho ta cái sự thảnh thơi mà tâm thể ta cần đến.
Và cuối cùng, quản trị tốt bao giờ cũng đem lại những trật tự tốt: Về giao thông, về xây dựng, về kinh tế - chính trị, về xã hội, về hành chính… Một đô thị thông minh không thể thông minh nếu thiếu người lãnh đạo có tầm nhìn, thiếu nguồn nhân lực có đủ trình độ để hoạch định, xây dựng, quản lý và vận hành đô thị đó. Vì vậy, sự đánh giá này vừa cho biết mức độ “đáng sống” hay “sống tốt” của thành phố vừa phản ánh trình độ quản lý của chính quyền đô thị. Nói cách khác, chất lượng cuộc sống còn là thước đo năng lực và trách nhiệm của chính quyền, của nhà quản lý. Cách thức và hiệu quả quản lý cũng là một biểu hiện của “văn minh, hiện đại” trên phương diện quản lý của chính quyền.
Một “thành phố đáng sống” là khi cả ba yếu tố nói trên đều để lại dư âm tốt đẹp. Nó khiến người ta muốn đến, muốn lưu lại và thậm chí muốn gắn bó trọn đời với thành phố này.

 

anh tin bai

Hồ điều hòa Văn Miếu với diện tích mặt nước, cây xanh hợp lý đã mang lại không gian sinh thái cho thành phố Bắc Ninh.


Bắc Ninh sau hơn 25 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp với hệ thống đô thị nhỏ bé, lạc hậu, đã vươn lên trở thành một đô thị lớn. Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xác định: Phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại, phấn đấu thực hiện “Thành phố Bắc Ninh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Những năm gần đây, Bắc Ninh đã có những quyết sách đúng đắn để gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Bắc Ninh đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động nguồn lực ngoài Nhà nước, khai thác tối đa những lợi thế nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trở thành cực tăng trưởng quan trọng của Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Xây dựng một đô thị Bắc Ninh kết hợp giữa sự phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tri thức, song hành với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường với nhiều dự án có quy mô lớn được hình thành và hoạt động, đã tạo ra diện mạo của một đô thị mới, hiện đại, tiêu biểu nhất là Thành phố Bắc Ninh và Thành phố mới Từ Sơn. Đó chính là tiền đề, động lực để Bắc Ninh hướng đến một “thành phố đáng sống”.
Đề án mô hình thành phố thông minh được Bắc Ninh triển khai từ năm 2017. Đến nay, Trung tâm điều hành thành phố thông minh được coi như là “bộ não số” của tỉnh Bắc Ninh, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh Bắc Ninh trên mọi lĩnh vực đời sống về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, (Bắc Ninh đứng thứ ba bảng xếp hạng đánh giá chỉ số chuyển đổi số DTI của Bộ TT & TT)(*)
Tuy nhiên, các nhà quản lý đô thị rất cần tránh quá tập trung vào yếu tố công nghệ mà coi nhẹ yếu tố con người. Bởi quan trọng hơn việc xây dựng thành phố, là việc xây dựng nhân cách con người thành phố. Hơn nữa, cuộc sống “đáng sống” còn bao hàm các yếu tố tinh thần, cả tín ngưỡng hay tâm linh. Thực ra, thành phố thông minh là nơi giải quyết các vấn đề đô thị một cách thông minh hơn, chứ không nhất thiết phải sử dụng công nghệ một cách máy móc (Amsterdam- Hà Lan được cho là một trong những thành phố thông minh nhất châu Âu do tổ chức thành công việc đi lại bằng xe đạp, vừa giải quyết tắc nghẽn giao thông và giảm phát thải carbon, vừa tiết kiệm năng lượng, thành phố an toàn và thân thiện hơn, người dân ham vận động hơn).
Xây dựng “thành phố đáng sống” là ước vọng của lãnh đạo, mọi người dân Bắc Ninh. Cho nên, xác định để đạt được về môi trường, hạ tầng và nhất là xây dựng về hành vi văn hóa của người dân để ai cũng thấy đáng sống, Bắc Ninh nên có những tiêu chí thật cụ thể, chi tiết các yêu cầu về “thành phố đáng sống” của mình (về chất lượng cuộc sống, tiện ích xã hội với tầm nhìn chiến lược. Về môi trường, giáo dục, y tế, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tỷ lệ về sự hài lòng đối với các dịch vụ công...).
Hiện tại mức thu nhập bình quân đầu người của Bắc Ninh đứng thứ 2 toàn miền Bắc, xếp sau Hà Nội. Nhưng để tiến tới thành phố trực thuộc Trung ương, Bắc Ninh hiện chưa có các khu đô thị mới có quy mô lớn; mật độ dân số chưa cao; trình độ phát triển hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị còn hạn chế; hệ thống các công trình văn hóa, thể dục thể thao, thương mại dịch vụ... còn ở quy mô nhỏ v.v...
 Đại dịch COVID-19 buộc chúng ta phải nhìn nhận các hướng đi và phát triển đô thị trong tương lai cũng như khẳng định đô thị thông minh là một giải pháp phù hợp. Mọi người cũng phải xem lại không gian sống của mình, các nhà quy hoạch bổ sung thêm các mảng xanh và không gian công cộng, sớm điều chỉnh quy hoạch để hướng đến một “thành phố đáng sống”.
Những hoạt động “nhường cơm sẻ áo”… mang tính truyền thống của con người Bắc Ninh được phát huy và lan tỏa. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, tỉnh Bắc Ninh dành nhiều nguồn lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đó cũng là tiêu chí để Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố văn minh, hiện đại, “thành phố đáng sống”, “thành phố nghĩa tình”. Quá trình xây dựng thành phố hiện đại, tiến tới “thành phố đáng sống” không thể ngày một, ngày hai, trong đó việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là việc hệ trọng, khó khăn, không thể xem nhẹ.
Lối sống trọng nghĩa tình không chỉ là “hồn cốt” tạo nên sức sống của di sản văn hóa Quan họ, mà còn lan tỏa sinh động trong suốt quá trình dựng xây quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Người dân Bắc Ninh chỉ ước muốn đơn giản: Thành phố hiện đại phải là thành phố nhân văn, nâng cao giá trị con người, có diện mạo riêng của thành phố miền Quan họ.
 …Dòng thời gian như nước chảy chân cầu
Nơi ta sống sẽ thành “nơi đáng sống”
Thành phố trẻ vươn sức dài vai rộng
Cho “đô thị thông minh”, “đô thị nghĩa tình”.

         (Khát vọng thành phố trẻ- HP)
Xuân Nhâm Dần 2022    

(*) Chuyển đổi số DTI: Trên bình diện quốc gia, chuyển đổi số gồm 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Phát triển Chính phủ số để phục vụ người dân tốt hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu hơn. Và phát triển xã hội số cho người dân hạnh phúc hơn.

 

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập