Có câu hát rằng: “Ta
vẫn có ngày mai, ta vẫn còn quá khứ, nên hôm nay ta vẫn sống nhẹ nhàng”. Nhìn
lại chặng đường lịch sử 190 năm thành lập và phát triển, trong sâu thẳm mỗi
người dân Bắc Ninh-Kinh Bắc luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân
khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Bắc Ninh trù phú, giàu bản
sắc như ngày nay.
Tại Bảo tàng tỉnh đang
diễn ra Trưng bày chuyên đề “Bắc Ninh-190 năm thành lập và phát triển” với hàng
trăm hình ảnh, hiện vật, kỉ vật phản ánh các chặng đường lịch sử của quê hương,
làm thức dậy ý thức về truyền thống, kể cho hôm nay và về sau những câu chuyện
cũ đầy tự hào của cha ông để nhắc nhớ rằng, quá khứ mãi mãi không được phép
lãng quên...
Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, Bắc Ninh-Kinh Bắc là vùng đất cổ thuộc
trung tâm châu thổ sông Hồng, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi,
nên từ ngàn xưa đã thu hút người Việt cổ đến sinh cơ lập nghiệp, dựng nước, lập
làng, dấu ấn để lại là những di chỉ khảo cổ học thời kỳ Phùng Nguyên và Đông
Sơn. Minh chứng qua bộ sưu tập rìu đá phát hiện ở di chỉ khảo cổ học chùa Lái,
khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, có niên đại thuộc thời kỳ văn
hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay 3500 năm; hay những mảnh khuôn đúc trống Đồng,
nồi rót đồng phát hiện tại khu vực thành cổ Luy Lâu... là bằng chứng xác thực
khẳng định Bắc Ninh là cái nôi của nền văn hiến lâu đời.
Trưng bày “Bắc
Ninh-190 năm thành lập và phát triển” tại Bảo tàng tỉnh giới thiệu đến du khách
mô hình di chỉ khảo cổ học ở Thành cổ Luy Lâu (Thuận Thành).
Tham quan trưng bày, du khách sẽ thấy những bức ảnh cũ, hiện vật xưa đưa chúng
ta ngược dòng thời gian. Từ đời vua Minh Mệnh năm thứ 12 (1831) cho đến trước
cách mạng tháng Tám năm 1945 quê hương Bắc Ninh ghi dấu sâu sắc về triều đại
phong kiến cuối cùng của nước ta qua một số thành tựu lớn về kinh tế - xã hội.
Hình ảnh thành cổ Bắc Ninh với kiến trúc hình lục giác do vua Gia Long cho xây
dựng năm 1804 có vị trí vai trò quan trọng hàng đầu chiến lược quân sự ở Bắc Bộ
và cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh.
Một trong những điểm nhấn nổi bật tại Trưng bày “Bắc Ninh-190 năm thành lập và
phát triển” là những trang mộc bản triều Nguyễn, những tấm bản đồ miêu tả chi
tiết không gian địa giới hành chính của tỉnh Bắc Ninh trong lịch sử. Bên cạnh
đó còn nhiều bức ảnh đen trắng thể hiện dãy phố cổ trung tâm tỉnh Bắc Ninh
những năm đầu thế kỷ XX... Qua đó, giúp công chúng đương đại có cái nhìn chân
thực, đầy đủ về không gian vị trí địa lý, đời sống sinh hoạt, tình hình phát
triển kinh tế-xã hội của người dân Bắc Ninh trong những thế kỷ trước.
Bản đồ tỉnh Bắc Ninh đời
vua Đồng Khánh.
Trải bao biến thiên
của lịch sử với nhiều đổi thay về địa giới hành chính, sáp nhập và chia tách
nhưng danh xưng Bắc Ninh-Kinh Bắc luôn hàm chứa những ý nghĩa đặc biệt quan
trọng, thể hiện tư duy phát triển, mong ước của triều đại Gia Long về một vùng
đất trọng yếu, phên dậu phía Bắc của Tổ quốc.
Một giai đoạn lịch sử không thể không nhắc đến là những năm tháng hào hùng, anh
dũng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc. Thời kỳ này, nhiều
phong trào yêu nước của các sĩ phu và nhân dân Bắc Ninh chống thực dân Pháp xâm
lược diễn ra với đỉnh cao là phong trào của nhà yêu nước Nguyễn Cao, phong trào
cách mạng của các chiến sĩ cộng sản tiền bối như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ,
Hoàng Quốc Việt… Cùng với đó là những địa chỉ đỏ cách mạng như: Nhà cụ Đám Thi
ở Đình Bảng là cơ sở cách mạng thời kì 1940-1945; Núi Hồng Vân (núi Lim) huyện
Tiên Du - nơi thành lập Đảng bộ Đông Dương cộng sản Đảng Bắc Ninh - Bắc Giang
ngày 4-8-1929; hay đình làng Long Khám, xã Việt Đoàn là nơi tập hợp các lực
lượng tự vệ huyện Tiên Du cùng hàng nghìn quần chúng cách mạng để tiến về thành
Bắc Ninh giành chính quyền từ tay phát xít Nhật vào ngày 20-8-1945...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, cùng với cả nước, Bắc Ninh cũng thực
hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, vừa kiên cường, dũng cảm chiến
đấu chống lại các cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc vừa ra sức thi đua lao
động sản xuất để chi viện cho miền Nam ruột thịt. Những hình ảnh về Trung đội
nữ dân quân thôn Guột, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ luyện tập sẵn sàng chiến đấu
năm 1963; hay địa điểm 6 nữ dân quân thôn Guột, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ bắn
rơi máy bay Mỹ ngày 19-3-1968; rồi hình ảnh các hợp tác xã nông nghiệp ở Thuận
Thành, hay đoàn bộ đội Bắc Ninh lên đường vào Nam chiến đấu... không chỉ gợi
nhắc một thời khói lửa, mà còn giúp thế hệ sau thấy được những chiến công oanh
liệt và cả những vất vả, hy sinh gian khổ của thế hệ cha anh đi trước.
Bước vào giai đoạn đổi mới, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội
nhập quốc tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh không ngừng nỗ lực,
đoàn kết sáng tạo, bản lĩnh nắm bắt thời cơ và đạt nhiều thành tựu rực rỡ, đưa
Bắc Ninh từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng
hiện đại, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội hiện đứng trong tốp cao nhất cả
nước...
Với chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc, những mảnh
vỡ khảo cổ học, những chiếc rìu đá cổ, những tấm bản đồ xưa, những bức ảnh đen
trắng cùng ngàn vạn trang sách, thư tịch cổ... tưởng như rất đỗi bình thường
song chứa đựng trong đó dấu ấn lịch sử của quê hương, dân tộc. Đó chính là cánh
cửa hé mở cho thế hệ sau hiểu thêm những năm tháng đã qua, đánh thức kí ức và
khơi dậy trong mỗi chúng ta niềm tự hào truyền thống của vùng đất, vùng người
Bắc Ninh yêu dấu.
Nguồn:baobacninh.com.vn