Giữ gìn di sản cho muôn đời sau

Di sản văn hóa là của ông cha để lại từ ngàn xưa, cũng là báu vật của chúng ta hôm nay và là tài sản kế thừa của con cháu chúng ta sau này. Đó là tài sản vô giá mà dù có bao nhiều tiền cũng không thể mua được. Như ai đó từng nói: Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản văn hóa thì không thể tạo ra được!

anh tin bai

Di tích quốc gia đặc biệt đền Đô (Đình Bảng, Từ Sơn).

 

Trong sự giao lưu đa dạng muôn màu muôn vẻ, mỗi di sản giống như một sứ giả truyền đi một cuộc đối thoại chân chính giữa các nền văn hóa. Do đó, di sản văn hóa phải được gìn giữ, chuyển giao cho thế hệ sau như bằng chứng về lịch sử và khát vọng của mỗi miền đất, gửi đi thông điệp của tiền nhân...
Suốt chiều dài lịch sử, ít miền quê nào có được kho tàng di sản văn hóa đặc sắc, đồ sộ như Bắc Ninh. Nếu so sánh về số lượng di tích, Bắc Ninh có lẽ chỉ xếp sau thủ đô Hà Nội với 1589 di tích đã được kiểm kê, trong đó 643 di tích được xếp hạng, gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt; 204 di tích quốc gia; 435 di tích cấp tỉnh và 14 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Mỗi di tích, mỗi bảo vật đều mang dấu ấn lịch sử quan trọng và giá trị đặc sắc tiêu biểu.
Nhắc đến di sản văn hóa Bắc Ninh, nếu chỉ kể tên gần 1.600 di tích đã được kiểm kê thôi sẽ là chưa đủ. Bởi còn có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, các loại hình diễn xướng nghệ thuật, hơn 500 lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian, những huyền thoại, truyền thuyết, giai thoại, thơ ca, hò vè... đang tồn tại, lưu giữ trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi cộng đồng, địa phương, góp phần làm nên nét đẹp văn hóa đặc sắc mà đa dạng của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Mỗi di sản hiện diện trên quê hương Bắc Ninh hôm nay là một minh chứng về sự kết tinh sáng tạo và quá trình giao thoa, tiếp biến, hội nhập, cởi mở dung nạp các giá trị văn hóa, văn minh trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc. Điển hình là 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa thế giới gồm: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Kéo co làng Hữu Chấp và Tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngoài ra, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang được đệ trình UNESCO xem xét ghi danh trong thời gian tới.
Với tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào, nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh đã năng động, sáng tạo, liên tục đề xướng và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bắc Ninh đã dành nguồn lực đáng kể cho việc bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Các di tích trọng điểm được quan tâm trùng tu, tôn tạo, quy hoạch và nâng cấp, tiêu biểu như: Lăng Kinh Dương Vương, chùa Dạm, chùa Bút Tháp, khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, di tích thành cổ Luy Lâu... Nhiều di tích gắn với Dân ca Quan họ Bắc Ninh được đầu tư như khu đồi Lim, đền thờ Vua Bà và công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh...

Tổng hợp sơ bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm qua, Bắc Ninh đã hỗ trợ kinh phí tu bổ chống xuống cấp gần 700 lượt di tích với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Riêng giai đoạn từ năm 2011 - 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện 22 dự án trùng tu, tu bổ các di tích, tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương còn huy động từ nguồn vốn xã hội hóa hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện cho công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích.

anh tin bai

Lễ hội Cao Lỗ Vương. (Ảnh tư liệu)


Thực hiện cam kết với UNESCO, Bắc Ninh đã triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án, chương trình nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Bắc Ninh là tỉnh đi đầu cả nước về thực hiện chế độ tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các loại hình di sản văn hóa; hỗ trợ đầu tư tu bổ, xây dựng thiết chế văn hoá và đầu tư trang thiết bị liên quan phục vụ nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Kho báu di sản văn hóa của Bắc Ninh ngày nay đang trở thành điểm tựa, là hồn cốt cội rễ, là nguồn dinh dưỡng nuôi nấng, gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để quê hương vững bước hội nhập, hòa vào sự phát triển sôi động không ngừng của đất nước trong quá trình toàn cầu hóa.
Bước vào chặng đường mới, Bắc Ninh vẫn xác định nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là quá trình lâu dài, xuyên suốt và đặc biệt quan trọng. Do đó, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động đa dạng nguồn lực, gắn kết nhuần nhuyễn giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể với phi vật thể, giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch... Trong đó chú trọng quảng bá di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh; khuyến khích thúc đẩy sự tái tạo và sáng tạo các sản phẩm công nghiệp văn hóa nhằm tạo ra giá trị mới từ nguồn lực di sản. 

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập