Giá trị hiện thực trong bài học tận dụng “thời cơ” – nhân tố quan trọng góp phần đem lại thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã trải
qua biết bao cuộc kháng chiến chống xâm lược với những kẻ thù lớn mạnh hơn mình
gấp nhiều lần và giành được những thắng lợi vẻ vang. Những thắng lợi đó là do
nhiều yếu tố khách quan và chủ quan trong đó có thành công của nghệ thuật tận
dụng, chớp “thời cơ”.
Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính
quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8/1945 (Ảnh:
tư liệu - đăng trên website https://www.longan.gov.vn)
Tận dụng “thời cơ” nhân tố quan trọng góp phần đem lại thành
công của cách mạng Tháng Tám 1945
Thời cơ là tình thế xuất hiện trong thời
điểm nhất định có lợi nhất cho việc chủ động phát huy mọi sức mạnh để giành
thắng lợi; là sự kết hợp hàng loạt nhân tố chủ quan và khách quan khi điều kiện
đã chín muồi. Thời cơ có thể do thực lực cách mạng trong nước tạo ra, cũng có
thể do hoàn cảnh bên ngoài đưa đến. Nếu không có thực lực cách mạng đến mức đủ
mạnh thì không thể tạo ra được thời cơ và khi thời cơ đến sẽ không kịp thời tận
dụng hiệu quả.
Theo lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, thời cơ
nổi dậy của quần chúng giành chính quyền về tay mình là lúc xảy ra khủng hoảng
của giai cấp thống trị về kinh tế, chính trị, xã hội; quần chúng nhân dân và
đội tiền phong sẵn sàng hành động; các lực lượng trung gian đã ngả hẳn về phía
cách mạng. Cách mạng vô sản Pháp và cách mạng tháng Mười Nga 1917 đã nổ ra và
thắng lợi trong thời cơ đó.
Vận dụng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào
điều kiện Việt Nam, bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo mọi mặt cả về vật chất lẫn
tinh thần cho phong trào cách mạng Hồ Chí Minh và Đảng ta còn rất coi trọng vấn
đề thời cơ. Hồ Chí Minh khẳng định: “làm cách mệnh phải biết dựa vào thời cơ và
phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn mới chắc thắng”[1].
Khi chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ
(tháng 9-1939), nhận rõ thời cơ cách mạng đang đến gần, Đảng đã tiến hành Hội
nghị Trung ương 6 (11-1939) thay đổi chiến lược cách mạng, giương cao ngọn cờ
giải phóng dân tộc, chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Thời điểm giữa năm 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc
đang ở Trung Quốc, nghe tin Pháp bại trận, trong Hội nghị Ban cán sự Đảng ở
ngoài nước, Người đã nhận định: “Việc Pháp bại trận là một cơ hội thuận lợi cho
cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ.
Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”[2].
Tháng 9-1940, Phát xít Nhật nhảy vào chiếm đóng
Đông Dương. Nhân dân ta phải chịu cảnh một cổ hai tròng, dưới ách thống trị của
cả thực dân pháp lẫn phát xít Nhật. Trong bối cảnh đó, Đảng đã tiến hành Hội
nghị Trung ương 7 (11/1940). Hội nghị nhận định “Một cao trào cách mạng sẽ nổi
dậy. Đảng phải chuẩn bị để giành lấy cái sứ mệnh thiêng liêng, lãnh đạo các dân
tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập”[3].
Sau gần ba mươi năm hoạt động và lãnh đạo, chỉ
đạo phong trào cách mạng trong nước từ nước ngoài, ngày 28-1-1941 Nguyễn Ái
Quốc trở về nước. Người cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào giải
phóng dân tộc. Tháng 5-1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng
triệu tập Hội nghị Trung ương 8 tại Pắc Bó, Cao Bằng. Hội nghị là sự tiếp tục
và hoàn chỉnh chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng được nêu ra từ Hội nghị
Trung ương 6, thực hiện chiến lược giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng
dân tộc lên trên hết, trước hết. Hội nghị đã nhận định: Nếu cuộc chiến tranh
thế giới lần trước đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đế quốc
chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng
nhiều nước thành công. Đồng thời khẳng định: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ
phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc.
Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi
được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân
tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm
cũng không đòi lại được.”[4]
Thực hiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến
lược, sau Hội nghị Trung ương 8, Đảng đã bắt tay vào việc triển khai thực hiện
nghị quyết, đẩy mạnh xây dựng phát triển các lực lượng cách mạng, xây dựng căn
cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng và củng cố cơ sở Đảng, tổ chức
quần chúng, cơ sở cách mạng,…gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện tạo lực, lập thế
cho cách mạng chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành
chính quyền khi thời cơ đến.
Trong khí thế đang lên của phong trào cách mạng,
tháng 5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị: “Về sửa soạn khởi nghĩa”. Tháng
10-1944, Trung ương Đảng lại ra lời kêu gọi: “Sắm vũ khí đuổi thù chung”. Các
địa phương ra sức củng cố xây dựng lực lượng vũ trang, tìm kiếm vũ khí, chuẩn
bị khởi nghĩa giành chính quyền. Phong trào chuẩn bị khởi nghĩa sôi nổi lan
rộng.
Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ những bước
phát triển của lực lượng vũ trang và việc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa phải phù
hợp với sự phát triển của tình thế cách mạng. Vấn đề quan trọng đặt ra là phải
có đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn; phải chuẩn bị lực lượng đầy đủ,
tạo thời cơ và nắm vững thời cơ, để khi thời cơ đến có thể nhanh chóng huy động
lực lượng, chớp thời cơ giành thắng lợi.
Tháng 10-1944, vừa từ Trung Quốc trở về, Hồ Chí
Minh đã kịp thời hoãn cuộc khởi nghĩa do liên tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng chuẩn bị
phát động vào cuối năm 1944 do thời cơ chưa đến, kẻ thù vẫn còn mạnh. Việc kịp
thời hoãn cuộc “khởi nghĩa non” đó đã tránh được cho cách mạng nhiều tổn thất.
Đầu năm 1945, chiến tranh Thế giới II bước vào
giai đoạn cuối, tình hình thế giới có những điều kiện mới, nhân tố mới cho
phong trào cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam phát triển thành cao trào.
Dự kiến đúng chiều hướng phát triển của tình
hình, chủ động trước thời cuộc, đêm 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, ngay sau đó
ngày 12-3-1945 Đảng đã ra chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng
ta”. Chỉ thị là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa chỉ đạo hành động, chuẩn bị
mọi lực lượng để đón thời cơ khởi nghĩa một cách chủ động. Thời kỳ “đêm trước”
của tổng khởi nghĩa đã diễn ra, Trung ương Đảng đã kêu gọi thực hiện khởi nghĩa
từng phần, giành chính quyền ở các địa phương trước khi Tổng khởi nghĩa giành
chính quyền trong cả nước.
Thực hiện theo Chỉ thị của Trung ương Đảng, một
cao trào kháng Nhật nổ ra mạnh mẽ trong cả nước, khởi nghĩa từng phần diễn ra ở
nhiều nơi.
Trước khi có thời cơ tổng khởi nghĩa giành
chính quyền trong cả nước, khởi nghĩa từng phần có tác dụng to lớn, vừa giành
chính quyền ở địa phương, tạo điều kiện xây dựng mau chóng lực lượng, vừa mở
rộng phạm vi ảnh hưởng của cách mạng, đẩy địch vào thế bị động lúng túng. Những
cuộc khởi nghĩa từng phần là sự chuẩn bị tích cực và có hiệu quả nhất, góp phần
thúc đẩy điều kiện khởi nghĩa trong cả nước mau chóng chín muồi. Đây chính là
bước tạo nên thế và lực mới để sẵn sàng đón bắt thời cơ.
Ngày 14-8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh. Chính
phủ Trần Trọng Kim rệu rã. Trong khi đó các thế lực đế quốc Mỹ, Tưởng, Pháp,
Anh đều có những mưu đồ riêng đối với Đông Dương. Bọn Việt Nam Quốc dân Đảng,
Việt Nam cách mạng đồng minh hội theo chân quân đội Tưởng kéo về nước, mưu toan
cướp chính quyền. Lợi dụng thời cơ, bọn phản động trong nước cũng ráo riết hành
động, chống phá cách mạng. Trong khi đó lực lượng phát xít Nhật ở Đông Dương vẫn
còn nguyên vẹn.
Cách mạng đứng trước tình thế phải một mình đối
phó với nhiều lực lượng trong và ngoài nước. Khí thế cách mạng của quần chúng
càng dâng cao chưa từng thấy. Khắp nơi nổ ra những cuộc mít tinh, biểu tình,
thị uy có tới hàng nghìn người tham gia. Hàng triệu quần chúng sẵn sàng đứng
lên khởi nghĩa, ủng hộ Việt minh, giành chính quyền. Các lực lượng trung gian
đã ngả hẳn về phía cách mạng.
Được tin Nhật đầu hàng đồng minh, ngay đêm
13-8-1945, Đảng đã kịp thời thành lập Uỷ ban khởi nghĩa và ra quân lệnh số 1
khẳng định: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam
vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!.. Chúng ta phải hành động cho
nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!.. Cuộc thắng lợi
hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”[5].
Hồ Chí Minh cũng khẳng định “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới
đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc
lập”[6].
Cùng ngày 13-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào. Hội nghị
quyết định Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa, đề ra
những nhiệm vụ cần thiết, cấp bách trong công tác đối nội, đối ngoại sẽ thi
hành sau khi giành chính quyền.
Tiếp sau đó, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào,
tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Mặt
trận Việt Minh, thành lập Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm
Chủ tịch.
Các sự kiện trọng đại đã diễn ra trong khí thế
khẩn trương, bừng bừng của tổng khởi nghĩa, càng chứng tỏ sự vận dụng nghệ
thuật chớp thời cơ hết sức tài tình của Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thời cơ của cách mạng tháng Tám chỉ tồn tại trong một thời gian rắt ngắn – từ
sau khi Nhật đầu hàng đồng minh đến trước khi quân đồng minh vào Đông Dương.
Đảng ta đã biết đẩy lùi nguy cơ để tạo ra thời cơ thuận lợi. Nếu khởi nghĩa sớm
hơn, khi Nhật chưa đầu hàng, ta sẽ gặp sự kháng cự quyết liệt, có thể tổn thất
lớn và khó giành thắng lợi, chính quyền cách mạng chưa thể thành lập trong toàn
quốc. Nếu để muộn hơn, khi Đồng minh đã vào Đông Dương thì sẽ tình hình sẽ trở
nên “vô cùng nguy hiểm”[7].
Nhờ chọn đúng thời cơ khởi nghĩa, ngày
19-8-1945 Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội và chỉ trong vòng 15 ngày, Tổng
khởi nghĩa đã diễn ra và thành công trong cả nước. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa –
Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
|
Ngày 19/8/1945, nhân dân
Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của Chính quyền tay sai Pháp -
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
|
Giá trị hiện thực của bài học chớp thời
cơ trong tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước
Bài học tân dụng thời cơ của cách mạng Tháng
Tám năm 1945 được Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục vận dụng và phát triển sáng
tạo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ sau đó, làm nên
những thắng lợi to lớn, đánh bại “hai đế quốc to”, đất nước hoàn toàn độc lập,
giang sơn thu về một mối, đưa cả nước bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên
xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đổi mới đất nước, bài học tận dụng
thời cơ và nội lực thúc đẩy đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách và ngày
càng vững bước đi lên tiếp tục được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng và phát
triển trong thời kỳ mới.
Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước, với mục tiêu đến năm 2025, đất nước trở
thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua
mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang
phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và trở thành nước
phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Thời kỳ này tình hình thế giới và khu
vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường.
Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn,
song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Toàn cầu
hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng đang bị đe doạ bởi sự
trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh
kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Do tác động của đại dịch
Covid-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh
vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước
điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình
mới. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp
tục có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á,
môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển
Đông còn diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai,
dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh
mạng, ngày càng tác động mạnh,
nhiều mặt, đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền
vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.
Trong khi đó, ở trong nước, Việt Nam đã đạt
được những thành tựu rất quan trọng, đáng tự hào trên mọi lĩnh vực
kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và đời sống người dân. Đất nước ta chưa bao
giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như trong giai đoạn hiện nay. Mặt
khác, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều
khó khăn, thách thức và hạn chế đan xen. Tăng trưởng kinh tế
chưa tương xứng với tiềm năng; Công tác lãnh đạo, quản lý, bảo đảm an
ninh con người, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ
môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội. Các thế lực thù địch
chống phá ngày càng quyết liệt. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn
vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức. Giá trị lịch sử, truyền thống văn hoá của
dân tộc và con người Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ. Năng lực tổ chức
thực hiện còn hạn chế; chất lượng luật pháp, chính sách trong
một số lĩnh vực còn thấp. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều
tổ chức đảng, đảng viên còn chưa ngang tầm nhiệm vụ. Cơ chế kiểm soát
quyền lực trong Đảng, Nhà nước chưa thật đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực,
hiệu quả chưa cao. Việc thể chế hoá, cụ thể hoá một số nghị quyết của Đảng còn
chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Những khó khăn, thách thức, khuyết
điểm và hạn chế trên đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm
cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt hơn nữa để khắc phục cho bằng
được.
Để tranh thủ tận dụng, chớp thời cơ, vượt qua
thách thức nhằm đạt mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã nêu
ra bên tranh, hơn lúc nào chúng ta cần có những nhìn nhận đúng đắn từ lịch sử
để có định hướng phát triển trong tương lai.
Bài học thành công của cách mạng Tháng Tám cũng
đã chỉ ra rằng, có thời cơ mà không biết chớp thời cơ để nó trôi qua sẽ không
đưa cách mạng đến thành công, mặt khác thời cơ đến nhưng nếu không huy động
được nội lực thì cũng không giành được thắng lợi. Chính vì thế, đòi hỏi đặt ra
đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta lúc này cần phải chuẩn bị tốt mọi điều
kiện, phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân tộc, tranh thủ thời cơ hội nhập và
phát triển, đẩy lùi những nguy cơ, thử thách có thể bị thua ngay trên sân nhà,
đưa đất nước ngày càng phát triển, vững bước đi lên. Nghị quyết Đại hội XIII
của Đảng đang tạo thêm sức mạnh mới cho dân tộc, tạo mọi điều kiện thông thoáng
về chính sách vĩ mô cũng như điều hành kinh tế nhằm lành mạnh hoá môi trường
kinh doanh, kích cầu sản xuất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Đây là những
chủ trương đúng đắn bắt nguồn từ bài học “chớp thời cơ” của cách mạng
tháng Tám.
Nguồn:tuyengiao.vn