Tổng cục Thống kê công bố tổng sản phẩm trong
nước (GDP) quý 3 tăng khá cao với 13,67% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, GDP
9 tháng của năm đã tăng 8,83% so với cùng kỳ và đây là mức tăng cao nhất trong
giai đoạn 2011-2022.
Lấy lại đà tăng trưởng
Tại cuộc họp báo ngày
29/9, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết chính
sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả,
nhờ đó các hoạt động sản xuất-kinh doanh trong nước đang dần lấy lại đà tăng
trưởng.
Cụ thể, trong mức tăng
chung của toàn nền kinh tế trong 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản
tăng 2,99% (đóng góp 4,04%).
Bên cạnh đó, khu vực
công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng 9,44% (đóng góp 41,79%). Trong đó,
ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh
tế với tốc độ tăng 10,69% và chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011,
2017 và 2018.
Đáng chú ý là sự phục
hồi của khu vực dịch vụ với mức tăng 10,57% (đóng góp 54,17%). Trong đó, nhóm
ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,24%, vận tải kho bãi tăng 14,2%, dịch vụ lưu trú
và ăn uống tăng 41,7% và hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%.
Như vậy, cơ cấu nền
kinh tế 9 tháng ghi nhận khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng
11,27%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%, khu vực dịch vụ chiếm
41,31%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.
Về sử dụng GDP 9
tháng, mức tiêu dùng cuối cùng đã tăng 7,26% so với cùng kỳ, đóng góp 44,46%
vào tốc đ tăng chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tích lũy tài sản tăng 5,59%,
đóng góp 18,46%. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cũng tăng 8,94%, nhập khẩu hàng
hóa và dịch vụ tăng 4,74%. Trên cơ sở đó, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa
và dịch vụ đóng góp 37,08%.
(Nguồn: Tổng cục Thống
kê)
Khởi sắc trên hầu hết
các lĩnh vực
Bà Hương nhấn mạnh 9
tháng của năm triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột
quân sự giữa Nga và Ukraina kéo dài. Thêm vào đó, lạm phát toàn cầu duy trì ở
mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ. Do đó, nhiều quốc gia có xu hướng tăng lãi
suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa… Trong bối cảnh đó, các tổ chức quốc
tế đánh giá tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm đi so những dự báo đưa ra
trước đó.
Tuy nhiên, Việt Nam
vẫn quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh
tế-xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 (theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII,
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương quyết liệt
triển khai quyết liệt, tích cực các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số
01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục
hồi, phát triển kinh tế – xã hội).
Kết quả ghi nhận kinh
tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối
lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh
hoạt và hiệu quả. Mặt khác, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải
thiện, góp phần tích cực vào phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự tin
tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo bà Hương, kinh tế-xã hội 9 tháng của Việt Nam khởi sắc
trở lại trên hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý 3
tăng trưởng mạnh mẽ đặc biệt so với cùng kỳ năm trước (khi nhiều địa phương
trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh,
nhất là tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam).
“Trên thực tế, nhiều
ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm
trước khi dịch COVID-19 xảy ra như công nghiệp chế biến-chế tạo, tổng mức bán
lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…,” bà Hương nói.
Nguồn: (Vietnam+)