Trước tác động của dịch COVID-19 kéo dài,
nhiều ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 1 đến
3%/năm và miễn, giảm các loại phí dịch vụ đến hết năm 2021. Đây là “cú đúp” hữu
hiệu nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất và phí dịch
vụ
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của tỉnh, toàn ngành NH vào
cuộc mạnh mẽ, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả thông qua việc tiết giảm chi
phí hoạt động, cắt giảm lương thưởng... để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách
hàng. Đặc biệt là nhóm khách hàng thuộc các lĩnh vực, ngành nghề chịu ảnh hưởng
trực tiếp từ dịch bệnh như: dịch vụ ăn uống, nhà trọ, vận tải kho bãi, xuất
nhập khẩu, khách sạn nhà hàng, giáo dục đào tạo, gia công sản xuất, khách hàng
hoạt động trên địa bàn các khu công nghiệp...
Nhiều NH chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đưa ra các chương trình,
gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường tạo điều
kiện cho khách hàng có thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất kinh doanh đồng thời
miễn giảm hàng loạt các loại phí dịch vụ để hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch.
Điển hình như: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) giảm lãi suất cho vay
đến 1%/năm đối với khách hàng cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 có dư nợ
hiện hữu đến ngày 15-7-2021 với số tiền hỗ trợ đến 416 tỷ đồng; giảm lãi suất
cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn còn 4%/năm đối với khách hàng chịu ảnh
hưởng trực tiếp bởi đại dịch, quy mô 20.000 tỷ đồng từ nay đến hết năm
2021. Tổng kinh phí dự kiến BIDV hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch
COVID-19 trong năm 2021 hơn 6.000 tỷ đồng. Ngoài ra, BIDV triển khai miễn
100% phí chuyển tiền trực tuyến và phí chuyển tiền 24/7 qua ATM, miễn phí trọn
đời 10 loại phí khi tham gia gói B-Free và giảm 5% phí rút tiền trên ATM.
Theo đại diện lãnh đạo BIDV Chi nhánh Bắc Ninh, đến nay số khách hàng được giảm
lãi suất trên tổng dư nợ đạt gần 1.000 tỷ đồng, biên độ giảm từ 0,5-1,5%/ năm.
Từ tháng 7-2021 đơn vị thực hiện miễn 100% phí giao dịch trực tuyến,
chuyển tiền trong và ngoài hệ thống. Bình quân mỗi ngày có hàng nghìn giao dịch
được chuyển khoản miễn phí. Việc cùng lúc hạ lãi suất và miễn giảm các loại phí
dịch vụ hỗ trợ khách hàng khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm sút đáng kể. Tuy
nhiên, để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, BIDV tiếp tục có những chính
sách ưu đãi đồng hành cùng khách hàng.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài
Gòn Thương Tín Bắc Ninh.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) Chi nhánh
Bắc Ninh giảm lãi vay tối đa 1%/năm so với lãi suất đang áp dụng đối với khoản
vay cũ còn dư nợ của khách hàng hiện hữu, tập trung vào một số ngành như: Vận
tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục và đào tạo, y tế…; hỗ trợ
riêng cho DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hạn mức 2.000 tỷ đồng lãi suất dao động
từ 6,5 - 8%/năm, áp dụng đến hết ngày 31-12-2021; ưu đãi cho DN có hoạt động
xuất, nhập khẩu từ 5,6 - 6,4%/năm (đối với VNĐ) và 2,6 - 3%/năm (đối với
USD). Ngoài ra, khi sử dụng thẻ tín dụng SeABank Visa Corporate, DN còn
được hoàn 100% phí thường niên năm đầu, hoàn tiền lên đến 5% với các giao dịch
tại các ngành hàng ưu đãi, chuyển đổi trả góp cho các giao dịch hoàn toàn miễn
lãi. Song song với những chính sách ưu đãi trên, SeABank còn triển khai một
loạt ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, khuyến khích giao dịch không tiền mặt
như: giảm lãi suất 0,3%/năm dành cho tất cả khách hàng đang vay vốn tại NH;
miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống SeABank trên ứng dụng NH số
SeAMobile/SeANet...
Cùng với BIDV, SeAbank, hầu hết các NH trong tỉnh đều có những chính sách ưu
đãi riêng để hỗ trợ người dân và DN. Một số NH thương mại còn đưa ra những gói
tín dụng lớn với lãi suất cực kỳ ưu đãi và miễn, giảm toàn bộ các loại phí dịch
vụ hỗ trợ khách hàng từ nay đến hết năm 2021 như: Vietcombank, Vietinbank,
Agribank....
Kỳ vọng sản xuất, kinh doanh phục hồi
Những tín hiệu tích cực trên thị trường tiền tệ được nhiều khách hàng sử dụng
vốn vui mừng đón nhận. Ông Đào Viết Xuê, Giám đốc HTX sản xuất VAC Tiến Thịnh
(Quế Võ) cho biết: “Dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi tăng cao, thị trường đầu ra
không ổn định trong suốt thời gian qua, khiến người chăn nuôi gặp khó khăn.
Song với phương án kinh doanh chặt chẽ, kết hợp sử dụng nguồn lực tài chính hợp
lý, đầu tư đúng mục đích nên việc chăn nuôi của gia đình vẫn ổn định. Hiện với
quy mô nuôi gần 3.000 lợn thịt, 200 lợn nái và hơn 4ha nuôi thả cá, trung bình
mỗi tháng HTX xuất bán 20 tấn lợn. Vừa qua, HTX đầu tư một lò giết mổ trị giá
400 triệu đồng, phục vụ HTX và các trang trại chăn nuôi lân cận. Thời điểm này,
HTX được Agribank cho vay hơn 10 tỷ đồng phát triển chăn nuôi. Từ năm 2020 đến
nay, NH điều chỉnh 4 lần giảm lãi suất, với lãi suất ưu đãi như hiện nay là
tiền đề để HTX phục hồi sản xuất, tiếp tục phát triển, mang lại lợi nhuận cao”.
Ông Nguyễn Quang Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Chế tạo khuôn mẫu tại LG, KCN Quế
Võ chuyên gia công, chế tạo khuôn mẫu phục vục các DN FDI đang có dư nợ tín
dụng với BIDV Chi nhánh Bắc Ninh chia sẻ: “Do tình hình dịch bệnh kéo dài,
doanh thu của Công ty 8 tháng năm 2021 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, chính sách miễn, giảm các loại phí dịch vụ, nhất là chính sách giảm
lãi suất từ phía NH có ý nghĩa rất lớn đối với DN. Mới đây, đơn vị được ngân
hàng tiếp tục giảm 0,5% lãi suất, đưa mức lãi suất vay giảm xuống còn 6,5%/năm.
Sự hỗ trợ này rất kịp thời, giúp đơn vị giảm bớt áp lực về mặt tài chính để
tiếp tục duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động...”.
Theo ông Nguyễn Thạc Quảng, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Bắc Ninh, thực hiện
Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc
đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công; xuất khẩu bền vững những tháng
cuối năm 2021 và đầu năm 2022, NHNN vừa có cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp
triển khai thực hiện nhiệm vụ này trong lĩnh vực tài chính, NH. Trong đó, đặc
biệt lưu ý đến vấn đề tiếp tục xem xét giảm lãi suất tiền vay để hỗ trợ DN,
khách hàng thực sự khó khăn do dịch COVID-19. Đến nay, các NH miễn giảm lãi vay
cho 1.199 khách hàng với số tiền 6.371 tỷ đồng (số lãi được miễn giảm là 13,7
tỷ đồng); cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 595
khách hàng, tổng dư nợ 2.920,9 tỷ đồng (trong đó nợ gốc 2.797,9 tỷ đồng, nợ
lãi 123 tỷ đồng); doanh số cho vay mới từ 18-3-2020 đến nay đạt 55.995 tỷ đồng
cho hơn 5.600 khách hàng vay vốn với lãi suất ưu đãi của Chính phủ. Như vậy
tổng dư nợ hiện hữu của khách hàng được hỗ trợ thời điểm này lên đến 9.292 tỷ
đồng, đạt gần 40% số dư nợ bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Việc các tổ chức tín dụng đồng thuận giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ đã và
đang được các khách hàng cá nhân và DN trong tỉnh đón nhận tích cực với kỳ vọng
sản xuất, kinh doanh sẽ được phục hồi và có nhiều khả quan hơn trong những
tháng cuối năm
Nguồn:baobacninh.com.vn