Phát triển văn hóa là nội dung trọng tâm, nổi
bật trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vừa qua, diễn đàn Hội nghị Văn hóa
toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng đã diễn ra thành công tốt đẹp, tiếp tục khẳng định vị trí, vai
trò quan trọng của văn hóa, đánh giá đúng những thành quả và thẳng thắn chỉ ra
thiếu sót, từ đó thống nhất nhận thức, quan điểm, hành động nhằm tiếp tục xây
dựng, chấn hưng và phát triển văn hóa, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát
triển đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.
Bắc Ninh vận dụng sáng tạo đường lối phát
triển văn hóa của Đảng
Hội nghị đã được nghe bài phát biểu chỉ đạo tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng. Tổng Bí thư khẳng định: “Nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát
triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và
ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn. Đây là tiền đề rất cơ bản để
chúng ta quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế”.
Quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng tại Hội nghị, đồng thời cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu, giải pháp
về phát triển văn hóa, con người Việt Nam mà Đại hội XIII đã đề ra nhằm làm rõ
hơn, sâu hơn, sát tình hình thực tiễn tại Bắc Ninh và phù hợp với định hướng
phát triển của tỉnh trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan chỉ đạo
các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện các
nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội,
thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực của phát triển bền vững.
Theo đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên
và các tầng lớp nhân dân về niềm tự hào, ý thức giữ gìn bảo tồn phát triển các
giá trị văn hóa quê hương Bắc Ninh- Kinh Bắc. Quan tâm, tạo cơ chế, chính sách
văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn
hóa công sở, văn hóa gia đình, văn hóa làng xã.
Xây dựng và phát triển văn hóa phải là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của toàn
tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị từng cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm
vụ phải nắm vững, vận dụng linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả định hướng và giải
pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người
Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ
2020-2025.
Trong đó xác định rõ: Xây dựng văn hóa và con người Bắc Ninh phát triển toàn
diện, thực sự trở thành động lực phát triển bền vững; tạo ra nhiều sản phẩm văn
hóa đặc trưng, có chất lượng cao mang đậm bản sắc văn hóa Kinh Bắc; phát huy
truyền thống và tự hào quê hương văn hiến, khoa bảng, lịch sử cách mạng, đoàn
kết, sáng tạo, năng động trong hội nhập và phát triển. Bảo tồn và phát huy tốt
giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; tập trung các nguồn lực để bảo
tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, các làng
nghề truyền thống tiêu biểu… gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.
Bắc Ninh tiếp tục huy động các nguồn lực để
bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. (Ảnh minh họa)
Đề cập đến việc triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030
vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng,
chính quyền, địa phương tuyên truyền sâu rộng những nội dung cơ bản của Chiến
lược. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu kỹ và xây dựng kế hoạch cụ thể của tỉnh,
trong đó lưu ý chỉ tiêu về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngành
Văn hóa và các cơ quan của tỉnh bám sát kế hoạch, phối hợp với các bộ, ngành
T.Ư để trình UNESCO ghi danh hồ sơ di sản Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào
Danh mục Di sản văn hóa thế giới theo công ước của UNESCO.
Nhấn mạnh số lượng di sản văn hóa của Bắc Ninh rất lớn với hơn 1500 di tích, Bí
thư Tỉnh ủy khẳng định bảo tồn và phát huy giá trị di sản là nhiệm vụ quan
trọng cần xây dựng kế hoạch cụ thể, lộ trình rõ ràng và phải huy động được các
nguồn lực xã hội, sự đóng góp của nhân dân cùng với nhà nước tiếp tục duy trì,
bảo tồn và phát triển hệ thống di tích lịch sử văn hóa của quê hương.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, tổ
chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung
ương, của tỉnh về văn hóa mà trọng tâm là Nghị quyết số 33 ngày 9-6-2014 của
Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người
Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tăng cường đấu tranh
chống lại các hành vi phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; tiến hành xử lý kịp
thời, nghiêm minh những hành vi đi ngược lại với truyền thống văn hóa dân tộc,
phá hoại các giá trị văn hóa của nhân dân; đồng thời, tiến hành biểu dương các
tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người
Việt Nam nói chung, văn hóa, con người Kinh Bắc - Bắc Ninh nói riêng.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030
Để ánh sáng từ các Nghị quyết của Đảng về văn hóa nhanh chóng được lan tỏa sâu
rộng trong toàn dân, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phê duyệt
Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược không chỉ xác
định rõ quan điểm, mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể mà còn đưa ra 11 nhóm
nhiệm vụ, giải pháp mang tính trọng tâm, trọng điểm.
Đầu tiên, nâng cao nhận thức đầy đủ về các quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí
Minh về văn hóa để tuyên truyền, phát triển và xây dựng văn hóa, con người
Việt Nam trước tình hình mới. Văn hóa phải thực sự được đặt ngang hàng với kinh
tế, chính trị. Tiếp đó là đổi mới tư duy quản lý và điều hành văn hóa.
Muốn vậy phải rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách,
tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hình thành khung khổ pháp
lý, thể chế nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo
động lực cho văn hóa phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập và bền
vững.
Về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Từng bước hình thành các
giá trị chuẩn mực, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu
cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần
thứ tư và hội nhập quốc tế, thích ứng với tác động của thiên tai, dịch bệnh,
khủng hoảng...
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng là bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
vật thể và phi vật thể. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo
động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng
hiệu quả hoạt động của văn hóa, các hoạt động văn học nghệ thuật với tư cách
bồi dưỡng, xây dựng những giá trị chân - thiện - mỹ.
Phát triển công nghiệp văn hóa cũng là nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh trong
thời gian tới. Phấn đấu vào năm 2030, doanh thu của các ngành công
nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Tiếp tục chủ động, tăng cường hội nhập, giao
lưu quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra quốc tế; tiếp nhận có
chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm văn hóa dân tộc.
Chiến lược còn đề cập đến giải pháp tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong
lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển
đổi số trong lĩnh vực văn hóa... Đặc biệt là đầu tư, tìm kiếm các nguồn lực,
huy động sức mạnh của toàn xã hội, tạo hạ tầng đồng bộ cho phát triển văn hóa.
Nguồn:baobacninh.com.vn