Kỳ họp thứ Hai, HĐND tỉnh khóa XIX thành công
tốt đẹp. Phóng viên Báo Bắc Ninh phỏng vấn lãnh đạo một số sở, ngành về các
giải pháp triển khai thực hiện, nhanh chóng đưa Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, HĐND
tỉnh khóa XIX vào cuộc sống:
Nắm chắc tình hình, giải quyết tốt các vấn
đề phát sinh liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội
Để bảo đảm giữ vững an ninh trật tự, lực lượng Công an tỉnh triển khai thực
hiện đồng bộ các giải pháp đề ra trong Kế hoạch công tác năm, trong đó, tập
trung vào: Chỉ đạo nắm chắc tình hình, tập trung giải quyết tốt các vấn đề phát
sinh liên quan đến an ninh chính trị, không để bị động, bất ngờ; tiếp tục theo
dõi sát diễn biến tình hình dịch COVID-19, phối hợp các cấp, các ngành thực
hiện các biện pháp phòng, chống dịch; bảo đảm an toàn các khu cách ly, khu công
nhân tập trung ăn, ở tại nơi làm việc, sẵn sàng giải quyết các tình huống xảy
ra. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về
phòng, chống dịch bệnh; rà soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những
trường hợp nhập cảnh trái phép.
Tiếp tục tấn công trấn áp quyết liệt các loại tội phạm, kịp thời giải quyết
những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội, không để tội phạm
lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân; đấu tranh mạnh với tội phạm kinh tế, ma
túy, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, không để tái diễn tội phạm có
tổ chức, tội phạm liên quan “tín dụng đen”. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý
nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý cư trú; đảm bảo tiến độ thực hiện
Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp, quản lý căn cước
công dân.
Dự báo và giải pháp chủ yếu để đạt mục tiêu
tăng trưởng kinh tế năm 2021
Trên cơ sở đánh giá về khả năng thu hút và giải ngân vốn đầu tư công, vốn FDI,
khả năng tăng thu của ngân sách kết hợp ứng phó, ngăn chặn hiệu quả đại dịch
COVID-19, dự báo tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 của Bắc
Ninh sẽ khả quan. Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài sang quý III,
công nghiệp trong 6 tháng cuối năm có thể sụt giảm, dự báo tăng trưởng cả năm
chỉ đạt mức dưới 4%. Nếu các ngành công nghiệp chế biến chế tạo phải tạm ngừng
hoạt động 14 ngày, các ngành dịch vụ giảm theo thì 6 tháng cuối năm sẽ tăng
trưởng âm và cả năm chỉ tăng dưới 1%.
Trên cơ sở phân tích các kịch bản tăng trưởng, ngành Kế hoạch và Đầu tư đề xuất
một số giải pháp chủ yếu để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021: Tập
trung cao nhất chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục kiên định
thực hiện thành công “mục tiêu kép” quyết tâm chiến thắng đại dịch trong thời
gian sớm nhất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ lập Quy
hoạch tỉnh; tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư nhất là đầu tư
công; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm. Phát triển
các ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn và tăng cường công tác quản lý ngân sách
nhà nước. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân,
đẩy mạnh thu hút đầu tư trong bối cảnh mới. Quan tâm đào tạo lao động, giải
quyết tốt việc làm, thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức
khỏe nhân dân. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách hành chính
và hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông
minh...
Triển khai thực hiện các Nghị quyết về lĩnh
vực giáo dục được HĐND tỉnh thông qua
Các Nghị quyết về giáo dục vừa được HĐND tỉnh thông qua là căn cứ pháp lý quan
trọng để ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới phương pháp, nâng cao chất
lượng dạy và học. Ngay sau kỳ họp, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ khẩn trương triển
khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết trên. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục,
trường học chủ động rà soát, chuẩn bị tốt các điều kiện cho học sinh trở lại
trường thực hiện các nhiệm vụ cuối năm học 2020 - 2021; tổ chức tuyển sinh vào
lớp 10 THPT và các lớp đầu cấp năm học 2021 - 2022 theo các phương án đã được
UBND tỉnh phê duyệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Chỉ đạo các đơn vị, cơ
sở giáo dục phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và cha mẹ học
sinh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Tiếp tục thực hiện hiệu
quả kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, thực hiện Chương trình giáo
dục phổ thông 2018 theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chuẩn bị đầy đủ
các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị trường học... cho năm học
mới 2021 - 2022 theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều hành ngân sách, bảo đảm nguồn chi cho
đầu tư phát triển
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách nhà
nước trong những tháng cuối năm. Trường hợp dịch không bùng phát trở lại thì
chỉ tiêu phấn đấu của ngành Tài chính là hoàn thành dự toán với mức tổng thu
ngân sách nhà nước 28.870 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 23.350 tỷ đồng và bảo
đảm cân đối chi ngân sách nhà nước 21.696 tỷ đồng. Trường hợp dịch kéo dài, sản
xuất bị tiết giảm, nguồn thu ngân sách sẽ giảm khoảng 4%/tháng, tương đương 750
tỷ đồng/tháng. Như vậy, số chi ngân sách sẽ giảm tương ứng.
Từ những phân tích đó, Sở Tài chính đề xuất một số giải pháp điều hành ngân
sách, triển khai hiệu quả hệ thống hải quan điện tử, tăng tỷ lệ cung cấp
dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Quản lý thu, nắm chắc nguồn thu,
tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ cho
doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh; quản lý thu phù hợp với từng lĩnh
vực, địa bàn, đối tượng; đẩy mạnh chống thất thu. Đánh giá kịp thời
những yếu tố tác động đến tăng, giảm nguồn thu, xây dựng kịch bản thu phù hợp,
chủ động tham mưu cho lãnh đạo các cấp chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ thu. Về chi
ngân sách, tổ chức điều hành, quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định;
nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư
công, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến
độ giải ngân tốt. Quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên chặt chẽ, chủ động
bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi dự toán được giao và thực hiện
cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên…
Bằng mọi giá giữ vững thành trì sản xuất
công nghiệp
Hiện nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, hơn 1.040 doanh nghiệp trong
KCN hoạt động bình thường, 320 nghìn lao động làm việc trở lại. Với phương châm
“nới lỏng nhưng không buông lỏng”, trong trạng thái bình thường mới, các doanh
nghiệp, KCN tập trung tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy định tạm thời bảo đảm
an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo Quyết định số
208/QĐ-BCĐ ngày 15-6-2021 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.
Với quy mô công nghiệp lớn nhất miền Bắc, có mối liên kết mật thiết với các
chuỗi sản xuất trong và ngoài nước, yêu cầu đặt ra đối với các KCN Bắc Ninh là
không để gián đoạn chuỗi cung ứng. Vì nếu các KCN dừng sản xuất 1 ngày thiệt
hại có thể lên đến hơn 3.500 tỷ đồng (1.281.000 tỷ đồng/365 ngày), điều này cho
thấy giá trị của mỗi ngày “an toàn” trong KCN tại Bắc Ninh. Trọng trách với cả
nước đặt ra cho tỉnh Bắc Ninh là bằng mọi giá giữ cho “thành trì sản xuất công
nghiệp” không bị sụp đổ.
Việc ngăn chặn dịch xâm nhập vào KCN thực hiện nghiêm giải pháp 6 an (an toàn
sản xuất, an toàn, phòng cháy chữa cháy, an toàn phòng chống COVID, an toàn
thực phẩm, an ninh trật tự,an tâm sản xuất), biến khó khăn, thách thức thành
động lực chống dịch COVID-19, quyết tâm không để dịch bệnh quay trở lại. Tập
trung thu hút và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng
lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tiếp cận làn sóng chuyển
dịch đầu tư mới. Tận dụng cơ hội và tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự
chung tay ủng hộ của doanh nghiệp và người dân thực hiện việc tiếp nhận, quản
lý và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19.
Hỗ trợ kịp thời người lao động gặp khó khăn
do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Dự báo tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Liên đoàn Lao động tỉnh
tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính
đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. Trong đó, tập trung làm tốt công tác phòng, chống
dịch COVID-19 với các giải pháp: Chủ động tham gia xây dựng, cụ thể hoá các cơ
chế, chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh;
tuyên truyền để người lao động, nhất là trong các doanh nghiệp khu vực ngoài
nhà nước hiểu để chủ động phòng, chống dịch và chia sẻ khó khăn với doanh
nghiệp; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ kịp thời đoàn viên, người lao động gặp
khó khăn, trước hết là các F0, F1, F2, công nhân, lao động thuê trọ kẹt trong
vùng phong toả.
Tích cực nghiên cứu, tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện
pháp luật lao động, chính sách, chế độ có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ; tổ
chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ Công đoàn và công nhân lao động;
Tiếp tục tìm kiếm các đối tác để thỏa thuận và ký kết chương trình phúc lợi “Vì
lợi ích đoàn viên Công đoàn” để ngày càng có nhiều đoàn viên được sử dụng và
hưởng lợi từ các dịch vụ, sản phẩm chất lượng với giá ưu đãi
Nguồn:baobacninh.com.vn