Ngoại giao văn hóa là một kênh hữu hiệu gia
tăng sức mạnh mềm; xây dựng lòng tin, quảng bá hình ảnh địa phương, đồng thời
tiếp thu văn hóa nhân loại, làm giàu, làm phong phú thêm nền văn hóa quê hương,
đất nước.
Du khách quốc tế tham
dự Liên hoan Thơ Châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (Ảnh
tư liệu).
Sau một thập niên
triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa, hoạt động ngoại giao văn hóa được Bắc
Ninh thực hiện trên diện rộng ở cả trong và ngoài nước, đa dạng đối tượng,
phong phú nội dung, hình thức, góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị, sự hiểu
biết, tin cậy giữa Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng như tỉnh Bắc Ninh với các
nước. Qua đó, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa Bắc Ninh và các tổ chức quốc
tế đi vào chiều sâu, bền vững; tham gia vào quá trình hình thành mạng lưới đối
tác chiến lược, đối tác toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy hợp tác
thương mại, đầu tư, du lịch, nâng cao sức mạnh mềm quốc gia.
Gắn kết ngoại giao văn hoá với các hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao
kinh tế, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tham gia Đoàn cán bộ cấp cao
của Đảng, Nhà nước tới thăm, làm việc với các quốc gia trên thế giới, ký kết
nhiều chương trình hợp tác về kinh tế, văn hóa, xúc tiến đầu tư, thương mại, du
lịch... Gần đây nhất, cuối tháng 11-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang
tham gia đoàn công tác với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản và
tham dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Tochigi. Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh
đã phát biểu kêu gọi các doanh nghiệp tỉnh Tochigi đầu tư vào Bắc Ninh.
Tiếp ngay sau đó, tháng 12-2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc
Tuấn tham gia Đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, làm
việc tại Ấn Độ và Hàn Quốc. Trong khuôn khổ chuyến công tác, UBND tỉnh Bắc Ninh
ký thỏa thuận hợp tác phát triển giáo dục đào tạo với Tập đoàn HCL của Ấn Độ;
tặng Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc bức tranh gốm Phù Lãng.
Song hành với các hoạt động ngoại giao cấp cao nhất, Bắc Ninh chỉ đạo và tổ
chức nhiều hoạt động tại địa phương với nội dung, hình thức đa dạng: Thường
xuyên đón tiếp các đoàn khách nước ngoài tới thăm, làm việc, dự hội nghị, hội
thảo, nghiên cứu về di sản văn hóa, hoạt động báo chí, tìm hiểu cơ hội hợp tác,
đầu tư, kinh doanh... Từ năm 2011 đến nay, Bắc Ninh tổ chức hơn 10 đoàn nghệ
thuật đi biểu diễn giao lưu, trao đổi văn hóa với một số đoàn nghệ thuật quốc
tế các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, 14 nước Tây Âu và một số quốc gia, vùng
lãnh thổ trên thế giới nhằm giới thiệu, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể đại
diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Sắp tới, tỉnh tiếp tục cử đoàn
cán bộ, nghệ sĩ, nghệ nhân đưa Dân ca Quan họ và Tranh dân gian Đông Hồ đi
quảng bá, giới thiệu với du khách quốc tế tại Triển lãm EXPO Dubai.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình, sự kiện văn hóa quy mô được tỉnh tổ chức, tiêu
biểu là 4 kỳ Festival; các chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ”; diễn xướng
Dân ca Quan họ trên thuyền; lễ hội Hoa Anh đào, chương trình Du xuân Hữu nghị,
Xuân Quê hương; tham gia tổ chức xúc tiến du lịch Châu Á-Thái Bình Dương
(TPO)... Bắc Ninh còn thường xuyên đăng cai các giải thể thao khu vực, quốc tế;
tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại triển lãm trong
nước và quốc tế.
Biểu diễn quảng bá Di
sản Dân ca Quan họ tại lễ khai mạc Giải Bóng chuyền nữ quốc tế do tỉnh Bắc Ninh
đăng cai tổ chức. (Ảnh tư liệu).
Công tác tuyên truyền, quảng bá điểm đến du lịch với du khách trong và ngoài
nước cũng được chú trọng, thông qua các cơ quan báo chí, trang thông tin điện
tử, mạng xã hội, ấn phẩm du lịch, quà tặng đối ngoại... Đặc biệt, các cấp,
ngành của tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức trân
trọng di sản văn hóa, hình thành nếp sống văn minh và phổ biến các giá trị văn
hóa đặc trưng của tỉnh trong các tầng lớp nhân dân, từ đó phát huy vai trò “đại
sứ văn hóa” của mỗi người dân.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa, công tác ngoại
giao văn hóa của Bắc Ninh có bước chuyển từ thụ động sang chủ động. Hoạt động
ngoại giao văn hóa không chỉ khẳng định thành tựu nổi bật của Bắc Ninh từ khi
tái lập đến nay mà còn quảng bá tiềm năng kinh tế, văn hóa, con người, đưa hình
ảnh Bắc Ninh ra thế giới, tạo cơ hội cho cộng đồng, doanh nghiệp, cá nhân tham
gia thúc đẩy xúc tiến phát triển kinh tế, văn hóa, thể thao và du lịch giữa Bắc
Ninh với trong nước và quốc tế.
Giai đoạn sắp tới, hoạt động ngoại giao văn hóa Bắc Ninh xác định mục tiêu thúc
đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ, lòng tin giữa Bắc Ninh, Việt Nam với
các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế; tranh thủ sự ủng
hộ, vận động UNESCO sớm công nhận “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” là Di sản
văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; quan tâm phát tiển ngành
công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của tỉnh.
Để tạo cầu nối quảng bá hình ảnh quê hương ra thế giới và tiếp thu tinh hoa,
trí tuệ nhân loại, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với thực tiễn của
Việt Nam, Bắc Ninh chú trọng quan tâm công tác vận động người Việt Nam ở nước
ngoài, đặc biệt là các cộng đồng kiều bào người Bắc Ninh, đồng thời tận dụng
khai thác lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, linh hoạt ứng dụng và
sáng tạo phong phú hình thức tuyên truyền nhằm mở rộng cách thức tiếp cận công
chúng...
Nguồn:baobacninh.com.vn