Đưa hình ảnh Bắc Ninh đến gần du khách
Bắc Ninh-Kinh Bắc với nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng nổi tiếng như: Chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền Đô, chùa Phật Tích, khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ... thu hút đông du khách đến tham quan, tìm hiểu. Bằng tài năng, nghệ thuật thu hút người đối diện, các thuyết minh viên đã và đang đưa hình ảnh Bắc Ninh đến gần hơn để du khách thêm yêu mến quê hương Quan họ đáng đến, đáng sống này.

Thuyết minh viên Nguyễn Thị Thúy, giới thiệu tại di tích lịch sử văn hóa Văn Miếu Bắc Ninh.


Nhiều lần đến Văn Miếu Bắc Ninh, di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, nhưng mỗi lần lại cho chúng tôi có thêm cảm nhận sâu sắc hơn về một vùng đất có truyền thống hiếu học và khoa bảng nổi tiếng, nơi đã sản sinh ra: “Một giỏ ông Đồ, một bồ ông Cống, một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Những câu chuyện danh nhân, khoa bảng cách đây hàng thế kỷ dường như được tái hiện qua những hình ảnh, giọng kể và dấu tích lịch sử để lại theo lời kể của thuyết minh viên Nguyễn Thị Thúy, Ban Quản lý di tích tỉnh.
Chị Thúy chia sẻ: Văn Miếu là nơi tôn thờ đạo Khổng, ghi danh những bậc khoa bảng tiên hiền, tiên triết của quê hương nhằm giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, giúp việc học hành và chăm lo bồi đắp nhân tài cho quê hương đất nước. Theo văn bia ghi lại thì Văn Miếu Bắc Ninh xưa kia vốn nằm trên núi Thị Cầu, thuộc huyện Võ Giàng và được khởi dựng từ thời Lê-thời kỳ hưng thịnh nhất của Nho giáo và khoa cử Hán học ở nước ta. Tới đời vua Thành Thái thứ 5 (1893), vị quan đầu tỉnh Bắc Ninh khi ấy là Đỗ Trọng Vĩ-người làng Đại Mão, huyện Thuận Thành cho di chuyển Văn Miếu về xây dựng lại trên núi Phúc Đức, thuộc phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh ngày nay. Văn Miếu được xây dựng với quy mô khá lớn, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Văn Miếu bị giặc Pháp phá hoại gần như hoàn toàn chỉ còn sót lại những tấm bia đá. Tuy nhiên ngay sau khi hòa bình lập lại nhân dân địa phương có ý thức bảo vệ Văn Miếu. Sau khi tái lập tỉnh Bắc Ninh, di tích Văn Miếu được trùng tu tôn tạo với quy mô lớn...
Gần 10 năm gắn bó với nghề thuyết minh viên, chị Thúy vẫn được anh, em gọi là “người kể chuyện di tích”. Những giá trị lịch sử của mỗi di tích hay câu chuyện liên quan in sâu trong tâm thức chị. Từng câu chuyện xúc động, dù lớn hay nhỏ đều được chị kể lại đầy cảm xúc và được lan truyền tới người nghe một cách sâu sắc nhất. Để không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng thuyết minh, chị Thúy luôn tìm tòi học hỏi qua sách, vở, mạng internet và bạn bè nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của du khách tại các di tích. Kỷ niệm trong nghề thuyết minh làm chị Thúy nhớ mãi và thêm động lực để yêu nghề, đó là lần tôi thuyết minh tại di tích cách mạng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (thành phố Từ Sơn): Trong quá trình thuyết minh, tôi có kể thêm câu chuyện về thời thơ ấu của đồng chí Nguyễn Văn Cừ khiến nhiều du khách xúc động ngân ngấn nước mắt. Nếu chỉ thao thao thuyết minh về di tích, thì chưa chắc đã chạm vào trái tim người nghe nhưng cách tôi làm là đặt mình làm một nhân vật lịch sử để thẩm thấu mỗi câu chuyện và truyền cảm xúc ấy lại cho mọi người. Mỗi năm tôi đón tiếp và thuyết minh cho khoảng gần 100 đoàn du khách trong và ngoài nước đến Bắc Ninh tham quan, tìm hiểu như: Đoàn Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Đền Đô; Đoàn Thanh tra Chính phủ; Đoàn Văn phòng Chủ tịch nước...”.
Làm công việc phục vụ du khách, chị Thúy luôn đến điểm di tích sớm hơn lịch hẹn hàng giờ, nhiều đoàn khách đến muộn khi ra về trời đã nhá nhem tối, song niềm vui lớn nhất là nhận được lời cảm ơn chân thành từ du khách và mỗi khi đến Bắc Ninh du khách lại hẹn trước mời làm hướng dẫn viên.

Thuyết minh viên Nguyễn Hữu Chiến (Bên trái) dẫn đoàn khách tham quan các di tích lịch sử văn hóa tại Bắc Ninh.


Với thuyết minh viên Nguyễn Hữu Chiến, sinh năm 1995, Ban Quản lý Di tích tỉnh thì mới 5 năm trong nghề nhưng đã để lại nhiều ấn tượng cho các đoàn du khách đến Bắc Ninh. Bằng tình yêu nghề, Chiến tự trau dồi kiến thức, thẩm thấu lịch sử, kỹ năng dẫn chuyện giàu cảm xúc vào giúp du khách nhớ rõ những điểm cốt lõi tại mỗi điểm di tích khi đến tham quan.
Anh Chiến tâm sự: Những năm đầu về làm việc tại Ban Quản lý Di tích tỉnh, tôi được phân công trực đón tiếp các đoàn du khách tham quan, tìm hiểu tại chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích... Đều là những di tích Quốc gia đặc biệt nên ngoài việc thuộc nằm lòng giá trị di tích, tôi cần tìm hiểu những câu chuyện liên quan đến các di tích và Phật giáo Việt Nam để du khách đặc biệt nhớ đến Bắc Ninh qua các giai thoại, huyền tích và lớp lang văn hóa vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Trải lòng với nghề, Nguyễn Hữu Chiến và Nguyễn Thị Thúy đều chung quan điểm đó là làm việc bằng cái “tâm”, làm sao chuyển tải được tốt nhất thông tin, giá trị của mỗi di tích đồng thời tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến Bắc Ninh, tìm hiểu lịch sử văn hóa truyền thống quê hương Quan họ. Trong quá trình thuyết minh, các anh, chị cũng giới thiệu cho du khách trong nước, quốc tế về truyền thống văn hiến và cách mạng, những giá trị văn hóa tốt đẹp, về Quan họ Bắc Ninh, những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đạt được sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, để mỗi du khách thêm yêu, trân quý vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc thân yêu.
Theo thống kê, Bắc Ninh có 1.589 di tích, trong đó 643 di tích được xếp hạng gồm: 4 di tích quốc gia đặc biệt; 204 di tích quốc gia, 435 di tích cấp tỉnh. Với mật độ di sản văn hóa đậm đặc, phong phú, Bắc Ninh có tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch tâm linh. Bắc Ninh được ví như quê hương của lễ hội, xứ sở của đình, đền, chùa, miếu mạo... Với những nét văn hóa đặc sắc riêng có đã trở thành nguồn tài nguyên vô giá cho phát triển du lịch, làm sao để phát huy được nguồn tài nguyên này, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh luôn được lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành quan tâm.
Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: Hiện Ban có 6 thuyết minh viên, thường xuyên có mặt kịp thời tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, điểm du lịch khi du khách có yêu cầu thuyết minh. Đội ngũ thuyết minh viên là cầu nối làm cho điểm đến, di tích trở nên “có hồn” vì vậy, Ban Quản lý di tích tỉnh luôn quan tâm giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, tác phong nghề nghiệp cho đội ngũ thuyết minh viên.
Có thể khẳng định rằng, thuyết minh viên đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy giá trị các di sản văn hoá và giới thiệu quảng bá hình ảnh Bắc Ninh-Kinh Bắc đến với bạn bè trong và ngoài nước, mắt xích quan trọng trong dây chuyền dịch vụ du lịch. Mỗi thuyết minh viên hôm nay đang không ngừng nỗ lực để góp phần làm nên chất lượng, thương hiệu du lịch để Bắc Ninh sẽ là điểm đến của nhiều du khách...

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập