Du xuân về miền Quan họ
Mùa xuân miền Kinh Bắc là mùa hát hội, mùa Quan họ sửa nếp áo mới, tô đôi má hồng để trảy hội chơi xuân, để “Hát cho lở đất long trời/Cho đời biết mặt, cho người biết tên/ Hát từ chợ Phủ hát lên/Hát suốt tỉnh Bắc qua miền tỉnh Đông/ Hát sao cho cạn dòng sông/Cho non phải lở cho lòng phải say...

Mùa xuân rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận... khiến ai ai cũng thấy xốn xang. Trước thiên nhiên tươi xanh phơi phới, nhựa sống trong con người cũng căng lên như mầm non của cây cối, sau thời gian dài chắt chiu ấp ủ không chịu được nữa phải bật ra thành những lá nhỏ li ti... Từ mồng 4 tháng Giêng, mùa xuân miền Kinh Bắc thức dậy rộn ràng, giục giã bởi tiếng trống hội vọng vang tưng bừng khắp làng trên xóm dưới... Mở đầu là hội pháo Đồng Kỵ, lễ hội khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích, rồi đến lễ hội đền Bà Chúa Kho, hội Lim, lễ hội Kinh Dương Vương, hội Diềm, hội Đền Đô, hội Cao Lỗ Vương, hội chùa Bút Tháp, hội chùa Dâu... Cùng với những nghi lễ, tín ngưỡng, lễ rước được tổ chức uy nghiêm, hoành tráng rực rỡ sắc màu truyền thống, thể hiện ước vọng của mỗi cộng đồng làng xã, thì hầu như lễ hội nào ở Bắc Ninh cũng có diễn xướng nghệ thuật dân gian, từ diễn chèo, tuồng, hát ca trù, trống quân, múa rối nước và đặc sắc nhất là sinh hoạt ca hát Quan họ.

 

Mùa xuân miền Kinh Bắc duyên dáng và đẹp hơn nhờ những câu hát trữ tình, ý nhị của liền anh, liền chị.

 


Mùa xuân Kinh Bắc duyên dáng và đẹp hơn nhờ những câu hát trữ tình, ý nhị của liền anh, liền chị. Bên thềm xuân rộn ràng, các anh Hai, chị Ba náo nức sửa soạn áo khăn, gặp nhau, trân trọng, yêu quý nhau thể hiện qua sự đón tiếp lịch sự, chu đáo, chào mời nhau bằng cả sự nồng hậu, mặn mà, thết đãi nhau những bữa cơm thịnh soạn mà tinh tế, giao lưu bằng những canh hát Quan họ thâu đêm suốt sáng. Trên hết là nghĩa tình thủy chung, cao cả của người Quan họ “Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm”. Ca hát Quan họ trong ngày hội không chỉ thỏa nỗi nhớ, niềm say mê, ao ước của các liền anh, liền chị, giúp cho con người quanh năm tất bật mưu sinh được sống chậm lại, thoát ra khỏi cái cơ cực của cuộc sống thực tại để bước vào thế giới của thi ca trữ tình, mà còn là một thứ “men say” làm mềm lòng bao du khách gần xa, trở thành nhu cầu không thể thiếu khi đất trời vào xuân.
Với người Quan họ, bao giờ hết xuân mới hết hát hội. Hàng trăm, hàng nghìn canh hát nghĩa tình, thiết tha miên man tiếp nối từ làng này sang làng khác. Quan họ hát từ hội Lim sang đến hội Diềm, hội Đào Xá, hội Đống Cao, hội làng Đặng, hội Thị Cầu... Hát từ ngày khai hội đến khi rã đám với phong phú hình thức như hát chúc, hát mừng chào đón nhau từ cổng làng, mời nhau vào đình hát thờ, rồi đưa bạn xem hội, tham gia hát đối đáp, giao lưu tại trung tâm hội, sau đó mời bạn về nhà xơi cơm Quan họ và tổ chức hát canh thâu đêm suốt sáng.

 

Những ngày xuân, Quan họ tưng bừng từ làng ra phố...


Theo nhà nghiên cứu Lê Danh Khiêm, trong những ngày hội, Quan họ còn tìm nhau để kết bạn. Cứ một bọn Quan họ nam mới thành lập lại rủ nhau sắm cơi trầu đi xem hội của làng nào đó, quan sát xem có bọn Quan họ nữ nào chưa có bạn thì tới mời trầu. Việc quan sát tìm bạn không khó lắm vì bọn Quan họ nữ mới thành lập cũng phải rủ nhau tới hội để mong có bạn. Cứ thế, sau lời mời trầu bằng những bài Quan họ thì đôi bên đứng ca với nhau ở trung tâm hội và nếu thấy hợp thì sẽ hẹn ước làm lễ kết bạn... Đã chơi Quan họ là phải tinh tường, phải hiểu lề lối và chơi bằng cả tấm chân tình nồng hậu, thủy chung như nhất, chơi cho chỉ nổi kim chìm, cho long trời lở đất mới xứng là trai tài gái đảm đất Kinh Bắc.
Chính bởi sự trân quý của cộng đồng mà mạch nguồn Dân ca Quan họ Bắc Ninh qua bao năm tháng vẫn được nâng niu, truyền giữ và nâng tầm để theo thời gian, vượt không gian đến với mọi miền Tổ quốc và được bạn bè quốc tế khắp năm châu, bốn biển trầm trồ, ngưỡng mộ. Ở Bắc Ninh bây giờ, ngoài 44 làng Quan họ gốc còn có hàng trăm làng Quan họ thực hành. Làng nào cũng có ít nhất một tổ chức CLB Quan họ với đủ lứa tuổi từ Quan họ măng non đến các nghệ nhân gạo cội, các anh hai, chị hai...
Để chuẩn bị cho mùa hát hội đầu xuân, từ trong năm, các CLB chuyên tâm luyện bài, luyện giọng và tuyển chọn những cặp đôi có vốn liếng nổi trội để đầu tư đào tạo, “nắn câu bẻ chữ” đợi xuân sang tham gia Hội thi hát đối đáp Quan họ cổ do ngành Văn hóa tỉnh tổ chức. Hàng trăm cặp liền anh, liền chị khoe sắc, đua tài, phô diễn chất vang, rền, nền, nảy cùng những giá trị tinh túy, vàng ròng, độc đáo trong nghề chơi Quan họ. Bên cạnh sân thi đối đáp Quan họ cổ, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng thành lập đoàn nghệ thuật mang đến những chương trình thể nghiệm với các tiết mục Quan họ có nhạc đệm, mang âm hưởng dân ca Quan họ phù hợp với nhịp sống đương đại, cho thấy sức sống mới của di sản. Năm nay, Hội thi Quan họ đầu xuân Quý Mão có điểm mới là sẽ được tổ chức ở đất Thủy tổ Quan họ - làng Diềm tại không gian Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, hứa hẹn sức hấp dẫn mới.
Chơi xuân là nhu cầu thiết yếu của mỗi người - “Chơi xuân kẻo hết xuân đi/Cái già xồng xộc nó thì tới nơi”... Du xuân về miền Quan họ với những trải nghiệm văn hóa truyền thống, hòa mình trong những canh hát chay, hát mộc thiết tha mời gọi là một sự khởi đầu năm mới tràn đầy năng lượng tích cực cho thành công và khát vọng mới.



                                                                                                                                                                                             Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập