Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Bắc đã tổ chức chiến dịch phòng không quy mô lớn vào những ngày cuối tháng 12/1972, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973). Với ý nghĩa đó, việc làm rõ dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong chiến công oanh liệt này là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô ngày 25/9/1966 (Ảnh tư liệu).

1. Dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong quá trình chuẩn bị đương đầu với cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ

Thực tế cho thấy, nghiên cứu, nhận định, đánh giá, dự báo đúng tình hình là vấn đề cơ bản, xuyên suốt được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng, là điều kiện để chuẩn bị chính trị, tinh thần, hoạch định đường lối, quyết sách đúng đắn, phù hợp, xác định tâm thế chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống và giành thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dự báo Mỹ nhất định đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc không phải là sự “võ đoán” hay ngẫu nhiên mà trên cơ sở khoa học, xem xét, đánh giá tình hình khách quan, toàn diện. Nghiên cứu về các kết cục chiến tranh mà người Mỹ tiến hành: Các thành phố Dressden của nước Đức, Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản và Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên đều đã trở thành những đống tro tàn trước khi kết thúc chiến tranh bởi các cuộc không kích của “Pháo đài bay B-29”, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định khả năng kịch bản ấy đối với Hà Nội là không thể loại trừ. Chính vì vậy, 5 năm trước khi xảy ra cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ, ngày 29/12/1967, giao nhiệm vụ cho đồng chí Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Đồng thời, Người chỉ thị cho Quân đội: “Phải dự kiến mọi tình huống, càng sớm càng tốt để có thời gian chuẩn bị đánh B-52 địch”.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, các địa phương và lực lượng vũ trang miền Bắc, trực tiếp nhất là Hà Nội, Hải Phòng đã phát huy cao độ, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; tập hợp, quy tụ được lực lượng to lớn để thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị và tổ chức chiến đấu; giải quyết khối lượng công việc khổng lồ trong bối cảnh đòi hỏi gấp rút về thời gian, đầy rẫy những khó khăn, hiểm nguy và phức tạp. Bên cạnh đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động nghiên cứu địch, sớm chuẩn bị lực lượng, tìm cách đánh sáng tạo, phù hợp, quan tâm xây dựng thế trận phòng không nhân dân rộng khắp trên cả nước, vừa chiến đấu, vừa chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, sẵn sàng đánh thắng không quân Mỹ khi chúng tấn công trên quy mô lớn, quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Bộ đội Rađa và Tên lửa đã vượt lên trên mọi khó khăn, ác liệt, vừa cơ động kịp thời, phòng - tránh - đánh trả hiệu quả, vừa phát huy tinh thần thông minh, sáng tạo tuyệt vời của con người Việt Nam, tích cực phối hợp nghiên cứu “vạch nhiễu tìm thù”, “thử lửa” thành công, xây dựng nên “Cách đánh máy bay chiến lược B-52”... Qua mỗi việc làm, từng ngày chiến đấu, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các đơn vị đã kịp thời đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm về cách đánh, phòng tránh B-52 hiệu quả nhất để phổ biến cho toàn quân và toàn dân để giảm thiểu tối đa sự mất mát, thương vong.

Trong cuộc họp quan trọng của Bộ Quốc phòng (tháng 11/1972), đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Mỹ cho B-52 đánh Thủ đô Hà Nội - linh hồn của cuộc kháng chiến, sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô. Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng Phòng không - Không quân. Tổng Tham mưu trưởng ra lệnh: “Phải hoàn thành nhiệm vụ công tác chuẩn bị trước ngày 3/12/1972” và dặn thêm: “Trước ngày Níchxơn nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng, các đồng chí phải nắm địch thật chắc. Tuyệt đối không để bị bất ngờ..., phải tập trung mọi khả năng nhằm đúng đối tượng B-52 mà tiêu diệt”. Đầu tháng 12/1972, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn nhận định: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng Không - Không quân, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”. Như vậy, có thể nói, về mặt chiến lược, chúng ta hoàn toàn chủ động, không hề bị bất ngờ trước “mưu thâm”, “kế hiểm” của đế quốc Mỹ. Nói cách khác, với dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo kịp thời của Trung ương Đảng, quân và dân miền Bắc đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng đương đầu với những âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù.

2. Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" - sự hiện thực hóa dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Năm 1972, do thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh, đánh phá trở lại miền Bắc. Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Nichxơn phê chuẩn chiến dịch quân sự “Lainơbếchcơ II” đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng.

Tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai: Đã sử dụng 193 máy bay ném bom chiến lược B-52 với tần suất 663 lần chiếc, được mệnh danh là “Siêu pháo đài bay” - “Thần tượng bất khả chiến bại” của không lực Hoa Kỳ; cùng 1.077 chiếc máy bay chiến thuật, với tần suất 3.920 lần chiếc. Đồng thời, nhiều tàu sân bay, tàu chiến đấu tối tân, hiện đại đã được Mỹ sử dụng. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu ước tính khoảng 65.000 tấn đến 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Riêng Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 444 lượt máy bay B-52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.380 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn trút xuống phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, Khu tập thể An Dương, Ga Yên Viên, xã Uy Nỗ… sẽ mãi là những ký ức đau thương, bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, trải qua 12 ngày đêm chiến đấu (từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972), quân và dân miền Bắc đã bắn rơi tổng cộng 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111, 21 máy bay F4, 12 máy bay A7, 1 máy bay F105, 4 máy bay AD6, 1 máy bay trực thăng HH-53, 1 máy bay không người lái, bắt sống nhiều giặc lái, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Nichxơn thú nhận: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”. Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), số ra ngày 29/12/1972, bên cạnh bài hát “Hà Nội - Điện Biên Phủ” của Nhạc sĩ Phạm Tuyên, ở trang 2, Chuyên mục “Viết tại chỗ về Hà Nội - Điện Biên Phủ” có một dòng chữ: “Hà Nội đang thắng một trận Điện Biên Phủ trên không”. Từ đó, cụm từ chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đi vào sử sách, là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng.

Đại đội 4 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, trừng trị máy bay Mỹ đến gây tội ác (Ảnh tư liệu). 

Với chiến thắng to lớn này, trong Thông báo số 08-TB/TW ngày 30/12/1972, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: “Trong thời gian qua, từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 12, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, đánh phá rất ác liệt và tập trung vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, nhiều khu công nghiệp và vùng đông dân khác. Chúng mong tạo “thế mạnh” để ép ta nhân nhượng trong cuộc thương lượng ở Pari, nhưng chúng đã bị thất bại nặng cả về quân sự và chính trị, không quân chiến lược Mỹ bị quân và dân ta đánh trả quyết liệt, chúng đã bị thiệt hại lớn nhất về máy bay và giặc lái trong chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta”.

     *      

*        *

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là sự hiện thực hóa dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là thành công lớn trong chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, bởi trên cơ sở phân tích một cách khách quan, khoa học quy luật chiến tranh, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, bản chất, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và những động thái mang tính thụ động của chúng; đồng thời, căn cứ vào những chuyển biến có lợi đối với ta ở chiến trường miền Nam, nhất là từ sau chiến thắng của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 và cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Đảng đã nhận định, với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ không dễ dàng chấp nhận thua cuộc, mà chúng sẽ sử dụng biện pháp quân sự, hòng tạo thế mạnh để buộc ta chấp nhận những điều kiện của chúng trên bàn đàm phán Paris. Vì thế, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B-52 tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng, ta không bị bất ngờ; ngược lại, còn chủ động hoàn toàn cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; sớm có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cả “tinh thần và lực lượng”, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự và ngoại giao. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng còn được thể hiện rõ trong việc chọn B-52 là đối tượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch để tập trung tiêu diệt; xác định Thủ đô Hà Nội là khu vực tác chiến chủ yếu của chiến dịch; lực lượng Quân chủng Phòng không - Không quân giữ vai trò nòng cốt, có ý nghĩa quyết định giành thắng lợi, trong đó tên lửa là lực lượng chủ yếu tiêu diệt B52,v.v… Nhờ đó, Chiến dịch phòng không 1972 đã giành thắng lợi trọn vẹn.

Phát huy tinh thần và kế thừa những kinh nghiệm của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 50 năm về trước; đồng thời, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phấn đấu vươn lên sánh ngang với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời, trước tiên là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”./.