Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt thách thức để Bắc Ninh trở thành“nơi hội tụ các thương hiệu lớn”

Cởi mở, thẳng thắn, đi thẳng, trực tiếp vào các vấn đề với mong muốn giải quyết tối đa các kiến nghị mà doanh nghiệp đưa ra trong cuộc đối thoại là cảm nhận chung của hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp qua 2 buổi đối thoại với doanh nghiệp do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh vừa tổ chức theo hình thức trực tuyến với mong muốn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn “nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi phát triển kinh tế” để Bắc Ninh trở thành “nơi hội tụ các thương hiệu lớn”.

Để Bắc Ninh trở thành “nơi hội tụ các thương hiệu lớn”

Trong điều kiện dịch bệnh không mấy thuận lợi, Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp, HTX năm 2021 vẫn được tỉnh Bắc Ninh quyết tâm tổ chức với sự tham gia của các đồng chí: Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành, các huyện, thị xã, thành phố cùng gần 700 lãnh đạo các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX ở 18 điểm cầu tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Sở Thông tin và Truyền thông, huyện, thị xã, thành phố và Văn phòng nhà đầu tư hạ tầng các KCN đã thực sự trở thành cầu nối giữa lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Có thể khẳng định đây là cuộc đối thoại có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Mở đầu buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan khẳng định thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song tỉnh Bắc Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các doanh nghiệp FDI thông qua nhiều biện pháp sáng tạo để hạn chế tối đa dịch xâm nhập vào nhà máy… qua đó không để “đứt gãy, gián đoạn” chuỗi cung ứng nhân lực; Lãnh đạo tỉnh chủ động làm việc với các tỉnh, thành phố lân cận tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và vận chuyển công nhân… Việc tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến nhằm huy động sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp từ các điểm cầu. Việc này thể hiện sự cầu thị, sẵn sàng lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để tỉnh Bắc Ninh có thể đưa ra những quyết sách, kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, giải pháp đổi mới, cải cách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng của số đông người dân, doanh nghiệp, vượt qua thách thức hiện tại, đón thời cơ mới thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển và phục vụ.

Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan khẳng định “Bắc Ninh sẽ tiếp tục duy trì việc tập trung đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như một hoạt động thường kỳ, thể hiện cam kết và trách nhiệm của tỉnh trong suốt quá trình phát triển với mục tiêu tăng cường trao đổi, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Nhóm các vấn đề theo mức độ quan tâm, Hội nghị chia 2 đối tượng đối thoại: Doanh nghiệp FDI và Doanh nghiệp trong nước, HTX và được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trong buổi sáng, các Doanh nghiệp FDI hầu hết nêu ra các câu hỏi về các quy định phòng, chống dịch trong doanh nghiệp như Cấp phép lao động và nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19; kế hoạch tiêm vắc xin; việc truy vết, khoanh vùng xét nghiệm, cách ly, điều trị, hỗ trợ tiếp tục duy trì sản xuất khi có ca bệnh COVID-19 trong nhà máy; các nội dung liên quan Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19... Cùng với đó là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thuế, phí, bảo hiểm, các khoản vay ngân hàng, hạ tầng khu công nghiệp; tiếp cận chính sách đất đai của các dự án đầu tư; cải cách thủ tục hành chính. Đối với Doanh nghiệp trong nước, HTX nội dung đối thoại tập trung giải quyết vấn đề: cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ tiếp cận chính sách về đất đai; quy hoạch dự án nhà ở xã hội; sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề...

Có mặt từ sớm tại điểm cầu Hội trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, chị Đặng Thị Thu Chung cùng lãnh đạo Công ty Foxconn (KCN Quế Võ) cầm sẵn phiếu ghi 4 vấn đề băn khoăn của doanh nghiệp mình về việc truy vết cách ly khi có ca F0 xảy ra trong trạng thái vừa sản xuất vừa phòng dịch; giảm thiểu tắc đường tại đường vào, ra của khu công nghiệp; bãi đỗ xe ô tô cá nhân; nhà ở xã hội cho công nhân. Chị cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng chờ đợi được tham gia Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để được giải đáp những vướng mắc. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh với nhiều vướng mắc phát sinh, chúng tôi muốn được trao đổi và nghe các ý kiến trao đổi khác để nắm rõ áp dụng tại doanh nghiệp của mình”.

Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc, đại diện Công ty TNHH  Điện cơ Shihlin Việt Nam tại điểm cầu Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh chia sẻ vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải đó là việc nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài và một số lao động ngoại tỉnh phải ở lại Công ty trong quá trình làm việc mặc dù nơi ở của những công nhân đó chỉ cách địa phận tỉnh Bắc Ninh 1-2km. “Mặc dù ở điểm cầu, tôi không nghĩ được chủ tọa của buổi đối thoại quan tâm và mời phát biểu. Được trực tiếp nói lên vướng mắc và được giải đáp trực tiếp đến cùng, tôi cảm thấy rất dễ hiểu và rõ ràng” chị Ngọc tâm sự.

Nỗ lực cùng doanh nghiệp vượt thách thức, đón thời cơ

Điểm nhấn của Hội nghị là sự điều hành linh hoạt của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và sự trả lời thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề của các đồng chí Giám đốc các sở ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Công an tỉnh… và Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố đối với 195 câu hỏi bằng văn bản, nhiều câu hỏi trực tiếp doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và HTX đặt ra nhằm tìm hướng giải quyết để bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp. Với những vấn đề lớn vượt thẩm quyền, các cơ quan sẽ họp bàn để xin ý kiến Trung ương xem xét trả lời bằng văn bản, giải quyết dứt điểm kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Chăm chú theo dõi diễn biến cuộc đối thoại, ông Trần Văn Thư, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh chia sẻ: “Từ ngày Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tổ chức, kỳ nào tôi cũng tham gia từ đầu đến cuối. Đây là một kỳ Đối thoại thật sự đặc biệt, mặc dù vậy tôi đánh giá rất cao về công tác chuẩn bị, chất lượng câu hỏi và trả lời. Những vướng mắc được tháo gỡ, những đề xuất được ghi nhận, làm cho doanh nghiệp có thêm động lực khắc phục khó khăn, vượt qua ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh và khôi phục sản xuất kinh doanh. Tôi sẽ dõi theo những cam kết của các nhà quản lý về việc hành động triển khai các giải pháp đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp”.

Lần đầu có mặt tại buổi đối thoại với tư cách doanh nghiệp được khen thưởng, chị Nguyễn Thị Lộc, đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại xây dựng Nam Thắng (thị trấn Chờ, Yên Phong) cho biết: Hôm nay tôi không đặt ra câu hỏi nào nhưng được theo dõi phần hỏi-đáp sôi nổi của buổi đối thoại, tôi cũng thấy nhiều vấn đề của doanh nghiệp mình để triển khai trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhìn từ thông điệp “3 nhất”

Đặc biệt ấn tượng là sự ra đời của Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” (Tư vấn hiệu quả nhất; Giải quyết nhanh nhất; Chống dịch an toàn nhất) do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Tổ trưởng và sự tham gia của Giám đốc các sở, Trưởng các ngành cũng thể hiện quyết tâm rất cao của tỉnh trong việc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và mong muốn tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp sẽ được lắng nghe, chia sẻ một cách nhanh và hiệu quả hơn. Điều này càng khẳng định quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp “vững tâm cùng tỉnh vượt khó”, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Từ đó để “các Sở, ngành, địa phương cần khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tạo sự đồng bộ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, đến các cấp huyện, xã trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Phải xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc. Trường hợp cơ quan trả kết quả chậm, Thủ trưởng cơ quan phải có thư xin lỗi tới người dân và doanh nghiệp” như ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang khi kết luận Hội nghị.

Kết quả đối thoại với doanh nghiệp đã giúp cấp ủy, chính quyền hiểu sâu sắc hơn những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp, các HTX đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt; để Bắc Ninh đưa ra quyết sách tiếp theo cùng đồng hành với doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, biến thách thức thành cơ hội, tái cấu trúc doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển.

 

                                  Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập