Đồng chí Lê Quang Đạo - Nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, Nhà nước, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh
Bắc
Ninh - vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng. Trải qua
hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, Bắc Ninh tự hào sinh ra
những danh nhân nổi tiếng, chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, kiên trung,
trong đó có đồng chí Lê Quang Đạo - một trong những nhà lãnh đạo uy tín của
Đảng, Nhà nước, người con ưu tú của quê hương, suốt đời phấn đấu, cống hiến, hy
sinh vì lợi ích của Đảng, của dân tộc. Cuộc đời cách mạng cao đẹp của đồng chí
là niềm tự hào, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ các thế hệ cán bộ, đảng viên
và nhân dân Bắc Ninh học tập, làm theo, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày
càng phát triển.
Đồng
chí Lê Quang Đạo (tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện), sinh ngày 8-8-1921,
trong một gia đình có truyền thống hiếu học, yêu nước tại xã Đình Bảng, huyện
Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Sinh
ra và lớn lên tại vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, quê hương
của Vương Triều Lý, nơi đây cũng là căn cứ địa, an toàn khu của Trung ương Đảng
và Xứ ủy Bắc Kỳ, thường xuyên được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà
nước về chỉ đạo và hoạt động cách mạng… Truyền thống quê hương, gia đình đã hun
đúc, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, là động lực, điểm tựa để đồng chí Lê Quang
Đạo phấn đấu, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và
dân tộc.
Trước Cách mạng Tám năm 1945, đồng chí đảm nhận các cương vị Ban Bí thư cán sự
Đảng tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ,
Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Ban cán sự Đảng thành phố Hà Nội, Chính trị viên
Chi đội Giải phóng quân Bắc Giang, trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa
giành chính quyền ở Bắc Giang.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được phân công giữ các chức
vụ: Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Khu ủy đặc
biệt Hà Nội -Khu XI, Bí thư Liên Tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông, Ủy viên Thường vụ
Liên Khu ủy Liên Khu III, Phó Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương
Giai đoạn 1950-1978, đồng chí được cử sang công tác bên Quân đội và giữ nhiều
chức vụ quan trọng: phụ trách công tác tuyên huấn Chiến dịch biên giới, Cục
trưởng Cục tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Điện Biên phủ, Phó
Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chính ủy nhiều chiến
dịch quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước... Năm 1978, đồng chí
được Trung ương phân công giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, sau
đó là Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa VIII
(6-1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Hội nghị lần thứ Nhất Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV (8-1994), đồng chí được bầu làm Chủ tịch
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV, V, VI; Bí
thư Trung ương Đảng khóa IV và khóa V (1976-1986), Đại biểu Quốc hội các khóa
VIII, IX và X.
Trên mọi cương vị công tác, đồng chí Lê Quang Đạo luôn nêu cao tinh thần
trách nhiệm, làm việc tận tụy, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân
dân. Ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí, Đảng, Nhà nước đã trao tặng
đồng chí Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công
hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc
và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác…
Lãnh đạo, cán bộ
Tỉnh Đoàn Bắc Ninh và đoàn viên thanh niên trong buổi nói chuyện truyền thống
nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo do Tỉnh Đoàn Bắc Ninh tổ
chức tại Nhà lưu niệm (di tích gốc) đồng chí Lê Quang Đạo, ở khu phố Tỉnh Cầu,
phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn .
Quê hương Bắc Ninh tự hào sinh ra những người con ưu tú, kiên trung, mẫu
mực như đồng chí Lê Quang Đạo. Là người có tri thức, lại sớm được tiếp cận,
gặp gỡ, học tập tư tưởng yêu nước, tiến bộ qua sách báo của Đảng và các thầy
giáo như Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai…, đặc biệt là tiếp thu “Đường Cách
mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Đức Nguyện sớm giác ngộ cách
mạng, đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Cuối năm 1938, Nguyễn Đức
Nguyện tham gia Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Đình Bảng.
Trong thời gian học tại Hà Nội, mỗi lần về quê, Nguyễn Đức Nguyện đều tích cực
tuyên truyền nhiều loại sách báo tiến bộ đến với các đoàn viên, thanh niên tại
Đình Bảng lúc đó. Hầu hết các điếm canh trong làng đều thành các phòng đọc công
cộng. Thông qua sách báo tiến bộ, các chủ trương, đường lối của Đảng được
truyền bá đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong làng Đình Bảng.
Đến giữa năm 1939, Đình Bảng là địa phương có mạng lưới cơ sở cách mạng rộng,
có phong trào cách mạng sôi nổi. Cuối năm 1939, Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ
ra chủ trương chuyển hình thức hoạt động của các tổ chức cộng sản từ hoạt động
công khai, hợp pháp, sang hình thức bí mật. Thực hiện chủ trương chuyển trọng
tâm công tác về vùng nông thôn, gấp rút xây dựng hệ thống các cơ sở chính trị
bí mật vững chắc ở Đình Bảng, Nguyễn Đức Nguyện cùng một số đồng chí khác được
giao nhiệm vụ chuẩn bị các cơ sở tin cậy và lo công tác bảo đảm an toàn, nơi ăn
chốn ở để đón các đồng chí lãnh đạo của Đảng về hoạt động.
Trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1939), Nguyễn Đức Nguyện đã
cùng các bạn thanh niên rải truyền đơn trong các ngõ xóm, ở làng Đình Bảng và
phủ Từ Sơn. Thông qua các hoạt động với nhiều hình thức phong phú, phong trào
cách mạng ở Đình Bảng và huyện Từ Sơn ngày càng phát triển.
Với nhiều hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết, Nguyễn Đức Nguyện góp phần thúc
đẩy phong trào cách mạng ở Đình Bảng và các địa phương lân cận. Đến tháng
8-1940, Nguyễn Đức Nguyện được kết nạp vào Đảng khi mới 19 tuổi. Nhận thấy
vị trí ngày càng quan trọng của Đình Bảng và để xây dựng nơi đây trở thành một
trong những căn cứ cách mạng an toàn, bí mật, làm cơ sở của cơ quan Trung ương
Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ, tháng 8-1940, Chi bộ độc lập đầu tiên của Đình Bảng được
thành lập, do đồng chí Nguyễn Đức Nguyện làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của đồng
chí, Đình Bảng có phong trào cách mạng phát triển mạnh và được Trung ương Đảng
chọn là một trong những tâm điểm để xây dựng thành An toàn khu I. Hội nghị
Trung ương lần thứ Bảy tổ chức tại làng Đình Bảng đã được bảo vệ an toàn.
Từ giữa năm 1941, đồng chí Nguyễn Đức Nguyện thoát ly gia đình để hoạt động
cách mạng, lấy tên là Lê Quang Đạo. Đồng chí thường xuyên gây dựng cơ sở, phát
triển phong trào cách mạng ở Cẩm Giang, Trang Liệt, Phù Chẩn, Trung Mầu, Phù
Khê, Tam Sơn, Phật Tích... Đầu năm 1941, đồng chí thành lập Chi bộ Đảng Phù
Chẩn - Dương Húc và trực tiếp làm Bí thư. Lúc này, cả tỉnh Bắc Ninh có 4 chi bộ
là: Đình Bảng, Cẩm Giang - Trang Liệt, Phù Chẩn - Dương Húc (Từ Sơn) và Liễu
Khê (Thuận Thành); phong trào cách mạng phát triển mạnh cả chiều rộng và chiều
sâu. Để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, đồng chí Lê Quang Đạo được điều động làm
Bí thư cán sự Đảng huyện Từ Sơn.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng và điều kiện đã cho phép, Ban cán sự Đảng
tỉnh Bắc Ninh được thành lập, đồng chí Lê Quang Đạo làm Trưởng Ban. Sau khi Ban
cán sự Đảng tỉnh được thành lập, công tác xây dựng Đảng và phong trào cách mạng
quần chúng được đẩy mạnh, phát triển lên một bước. Với cương vị là Trưởng Ban
cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Lê Quang Đạo cùng các đồng chí của mình tổ
chức nhiều hoạt động, phát triển thêm nhiều đảng viên mới và mở rộng cơ sở cách
mạng ra các xã thuộc huyện Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ, góp phần quan trọng
vào việc xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang tiến tới tổng khởi
nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở tỉnh Bắc Ninh trong Cách mạng Tháng Tám năm
1945.
Là một cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhưng đồng chí Lê Quang Đạo luôn
quan tâm, gần gũi, gắn bó và tâm huyết với quê hương. Mỗi khi có điều kiện,
đồng chí đều trở về quê hương, thường xuyên nhắc nhở, động viên Đảng bộ và nhân
dân Đình Bảng phải đoàn kết thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Đình Bảng vốn có truyền thống cách mạng, cần phát huy để xứng đáng là một làng
kiểu mẫu”. Đồng chí thường chia sẻ: “Ai làm cách mạng cũng do xuất phát từ tình
cảm quê hương, lòng yêu dân tộc”.
Những lần về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh,
đồng chí thường căn dặn cán bộ, đảng viên phải chăm lo công tác xây dựng Đảng,
công tác cán bộ; tăng cường khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và nhân dân,
xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, quan tâm đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ,
phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân
dân… Tình cảm sâu nặng với quê hương, đến những ngày cuối đời, khi đang
trong bệnh viện, đồng chí vẫn nói với các con: “Sau này, khi bố không đủ sức
khỏe thì các con cố gắng thay bố thăm hỏi họ hàng, quê nhà. Dù trong hoàn cảnh
nào của đời sống và sự nghiệp cũng luôn nghĩ đến quê hương. Nếu có thể giúp gì
được cho quê nhà thì nên làm”.
Học tập và noi gương đồng chí Lê Quang Đạo, trong các giai đoạn cách mạng,
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh luôn phát huy truyền thống văn hiến,
cách mạng, đoàn kết khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu
nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh
thuần nông, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó
khăn, sau gần 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đạt được nhiều kết quả quan trọng,
toàn diện, vượt bậc trên các lĩnh vực, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; quy
mô kinh tế mở rộng; nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội luôn nằm trong nhóm các
tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của Vùng
Thủ đô. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - xã hội được quan tâm
phát triển đồng bộ; nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước và cao hơn mức
bình quân cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao;
công tác cải cách hành chính đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã
hội giữ vững; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã
hội đạt nhiều kết quả tích cực. Đảng bộ tỉnh luôn đạt trong sạch, vững mạnh.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo là dịp để các thế hệ ôn
lại truyền thống vẻ vang của dân tộc; tưởng nhớ, biết ơn và tự hào về cuộc đời
và sự nghiệp hoạt động cách mạng, những phẩm chất đạo đức và những cống hiến to
lớn với quê hương, đất nước của đồng chí. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh
Bắc Ninh nguyện đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu
hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị đề ra, xây dựng quê hương ngày càng
giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Nguồn:baobacninh.com.vn