Đồng chí Lê Quang Đạo - Người có công lao, đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực
Năm1950, đồng chí Lê Quang Đạo được điều động
vào quân đội. Gần như suốt 30 năm chiến tranh, Đồng chí khoác áo lính và thường
có mặt ở những chiến trường nóng bỏng với những trọng trách quan trọng. Người
chỉ huy chính trị, quân sự - Anh cả của ngành Tuyên huấn Quân đội nhân dân Việt
Nam.
Đồng chí Lê Quang Đạo (giữa) tại Mặt trận Quảng
Trị năm 1972 (Nguồn Internet).
“Anh cả của ngành tuyên huấn quân đội”
Trên cương vị Cục trưởng Cục Tuyên huấn (tháng
10/1950), Đồng chí sớm nắm bắt được những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với
công tác lãnh đạo chính trị, chủ động đề xuất những nội dung quan trọng của
công tác giáo dục chính trị trong bộ đội và được phân công biên soạn, viết
nhiều tài liệu về công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng Đảng, đặc biệt là các
tài liệu chỉnh huấn, chỉnh quân. Cùng với đó, Đồng chí còn quan tâm đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ tuyên huấn cho các cấp, các đơn vị, góp phần xây dựng ngành
tuyên huấn quân đội ngày càng hoàn thiện về tổ chức và giỏi về nghiệp vụ.
Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Lê Quang Đạo
được Quân ủy Trung ương giao phụ trách công tác đảng, công tác chính trị trong
các chiến dịch lớn, vào những thời điểm quyết liệt, như: Phó Chủ nhiệm chính
trị chiến dịch Biên giới (1950); Phó Chủ nhiệm chính trị chiến dịch Điện Biên
Phủ (1954); Bí thư Đảng ủy, Chính ủy chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968),
chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), đường 9 – Quảng Trị (1972). Trên cương vị
được giao, Đồng chí luôn đi sát mặt trận, bám sát chiến trường, nắm chắc diễn
biến của từng trận đánh, gần gũi chiến sĩ, phát huy tinh thần tập thể, dân chủ,
động viên bộ đội quyết tâm chiến đấu. Đồng chí đã cùng cán bộ, chiến sỹ quân
đội ta lập nên những chiến thắng vẻ vang, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp
phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Ngày 27/1/1973, Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc
phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Giữa tháng 6/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III
được tổ chức tại Hà Nội, thay mặt Quân ủy Trung ương, đồng chí Lê Quang Đạo đã
trình bày tham luận khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo độc lập, tự chủ
của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến;
đồng thời nêu rõ những ưu điểm, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quá trình
chỉ đạo cuộc kháng chiến và nguyên nhân của những khuyết điểm đó. Bài phát biểu
của đồng chí Lê Quang Đạo tại Hội nghị Trung ương lần thứ 21 khóa III đã góp
phần vào thành công của Hội nghị lịch sử, quyết định đường lối chiến lược để
kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Qua kinh
nghiệm chỉ đạo thực tiễn phong phú trên các chiến trường, Đồng chí đã viết
nhiều bài, rút ra những kinh nghiệm về thực hiện công tác đảng, công tác chính
trị trong quân đội.
Với những đóng góp to lớn và quan trọng đối
với công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam suốt hai cuộc
kháng chiến hào hùng của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo, được mệnh danh là “Anh
cả của ngành tuyên huấn quân đội”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét:
“Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ lãnh đạo có đức độ và tài năng của Đảng ta
và quân đội ta… Suốt 28 năm trong quân ngũ, Lê Quang Đạo đã đem hết tài năng và
sức lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng và chỉ đạo ngành Tuyên huấn quân đội. Anh
là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc của quân đội và của Đảng...
Anh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những
đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy. Anh coi
trọng xây dựng quân đội về chính trị và tư tưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác
đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu...”
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác giáo
dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, cuối năm 1973, đồng chí Lê
Quang Đạo được cử giữ chức Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị quân
sự. Trên cương vị này, Đồng chí cùng Ban Giám đốc Học viện đề ra những chủ
trương, biện pháp nhằm nâng cao công tác giáo dục, đào tạo cán bộ chính trị cho
quân đội, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần
xây dựng đội ngũ cán bộ và đơn vị cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội nhân
dân chính quy, hiện đại.
Với những hoạt động và đóng góp với ngành
tuyên huấn quân đội trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đồng chí Lê
Quang Đạo đã được phong hàm Thiếu tướng năm 1958 và Trung tướng năm 1974.
Một nhà lý luận trên lĩnh vực khoa giáo của
Đảng
Tháng 3/1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ V của Đảng, đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành
Trung ương Đảng và Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Trưởng ban Khoa
giáo Trung ương. Trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, tình hình kinh
tế - xã hội đất nước lâm vào tình trạng khó khăn, trên cương vị Trưởng ban Ban
Khoa giáo Trung ương với tầm nhìn bao quát, đồng chí Lê Quang Đạo đã quan tâm
đến tất cả các ngành khoa học cũng như công tác quản lý, hoạt động khoa học.
Đồng chí đã đề xuất quan điểm đổi mới, dân chủ trong nghiên cứu khoa học, coi
trọng bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, nhất là đội ngũ trí thức, trí thức trẻ.
Những năm tháng phụ trách công tác khoa giáo của Đảng, Đồng chí đã cùng với tập
thể lãnh đạo, cán bộ Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội
thảo, gặp gỡ để lắng nghe ý kiến tâm huyết, trí tuệ của nhân sĩ, trí thức, nhà
khoa học, góp phần tìm ra giải pháp tháo gỡ tình hình khó khăn, đưa đất nước
thoát ra khỏi khủng hoảng. Thông qua gặp gỡ, tọa đàm, hội thảo đó, vấn đề đổi
mới tư duy lý luận, tư duy kinh tế, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, sử
dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực lần đầu tiên được đề cập và đã được
tổng hợp báo cáo trực tiếp với đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhiều vấn đề
của báo cáo đã được thể hiện trong “Báo cáo chính trị đổi mới toàn diện đất
nước” mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã thông qua.
Nguồn:bacninh.gov.vn