Sáng 10/3, tại Thủ đô
Hà Nội đã khai mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ
2022 – 2027 với sự tham gia của 959 đại biểu chính thức, đại diện cho các tầng
lớp phụ nữ trên toàn quốc. Tham luận tại Đại hội, các đại
biểu đã tham mưu, đưa ra nhiều ý tưởng giúp nâng cao năng lực của phụ nữ nhiệm
kỳ tới, trong đó, đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng giúp phụ nữ
thành công.
Góp phần xây dựng Thủ
đô sáng tạo
Tham luận tại Đại hội, đại biểu Lê Kim Anh - Chủ
tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết, cách
đây 23 năm, Hà Nội tự hào là 1 trong 5 thành phố của thế giới và
là đại diện duy nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO
trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”. Năm 2019, UNESCO một
lần nữa vinh danh Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng
lưới các Thành phố sáng tạo, với mục tiêu phát triển thành Kinh
đô sáng tạo, xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng, đổi mới,
lấy con người làm trung tâm của sự phát triển bền vững. Sự phát
triển đó, một phần quan trọng có sự đóng góp của các tầng lớp phụ nữ của Thủ
đô.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội nhấn mạnh, các tầng lớp phụ
nữ Thủ đô đã phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam,
nét đảm đang, tài hoa, thanh lịch của phụ nữ Hà Nội, năng động,
sáng tạo, đóng góp tích cực vào xây dựng thành phố. Hội
Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội không ngừng đổi mới nội dung,
phương thức hoạt động, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và
các ngành, đoàn thể, khẳng định vai trò nòng cốt, dẫn dắt phong
trào phụ nữ thành phố. Ở nhiều địa phương, phụ nữ tâm huyết đi
đầu trong xây dựng, phát huy làng nghề truyền thống, tạo ra các
thương hiệu mang đậm giá trị văn hóa, được thị trường trong nước
và quốc tế ưa chuộng: như gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh,
thêu ren Quất Động...
Hàng ngàn phụ nữ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục,
nghệ thuật, thể thao đã cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp
phát triển văn hóa, giáo dục. Đặc biệt, phụ nữ Thủ đô giữ vai trò
quan trọng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây
dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng gia đình hạnh
phúc, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông
thôn mới, đô thị văn minh”.
Trong xây dựng thành phố sáng tạo, thành phố hòa bình, nhiều phong
trào, hoạt động Hội đã có sức lan tỏa sâu rộng. Điển hình như các
phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây
dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”, đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô
khởi nghiệp”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức Tự tin -
Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”,
“Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” góp phần xây dựng đô thị văn minh,
phụ nữ Thủ đô học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh.
Hàng ngàn sáng kiến, mô hình, việc làm thiết thực, tâm huyết của
Hội Liên hiệp Phụ nữ Thủ đô đã được triển khai như “Đồng
hành cùng con”, “Tuần lễ vàng tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”; mô hình
đoạn đường, tuyến phố phụ nữ tự quản nở hoa, “Điểm sinh hoạt cộng
đồng, nhà văn hóa xanh - sạch - đẹp thân thiện với môi trường”,
sân chơi an toàn, “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc
tang”. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn do tác động của dịch
COVID-19, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô cũng là lực lượng đi đầu trong
các chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Bếp ăn ấm
tình - vượt qua đại dịch”, “Đi chợ giúp dân”, “Gian hàng 0 đồng”,
“Tấm áo yêu thương”...
Với tinh thần Hà
Nội vì cả nước, cùng cả nước, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ
thành phố Hà Nội cho biết, các cấp Hội thành phố phát huy
tốt vai trò kết nối, hỗ trợ, phối hợp với Hội Phụ nữ các tỉnh
thành, tiêu biểu như chương trình “Hà Nội kết nối - vươn xa” giao
lưu văn hóa, giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm sáng tạo của
phụ nữ Thủ đô và phụ nữ 10 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông
Hồng...
Nhằm khích lệ khát vọng vươn lên của phụ nữ Thủ đô trên các
lĩnh vực, đi đầu về tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động trong quá
trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, không gian văn hóa
sáng tạo, Hội phụ nữ Thủ đô đã quan tâm hỗ trợ phụ nữ yếu thế, hoàn
cảnh khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số; đề xuất thành lập Quỹ Hỗ
trợ tài năng nữ; đồng thời phát huy sự tài khéo của phụ nữ trong
giữ gìn, truyền thụ và phát triển nghề truyền thống, góp phần đưa
hệ thống di sản văn hóa nghề đồ sộ của Hà Nội trở thành lợi thế
quảng bá kiến trúc, thiết kế, xây dựng thương hiệu Hà Nội “Thủ
phủ sáng tạo của Đông Nam Á”.
Đồng thời, chủ động phát hiện và tham gia giải quyết các vấn đề
liên quan đến phụ nữ, phòng ngừa, ngăn chặn các thế lực thù địch,
phần tử cơ hội lôi kéo phụ nữ tham gia các hoạt động trái pháp
luật, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; vận
động phụ nữ và nhân dân hưởng ứng chương trình trồng và chăm
sóc cây xanh, nhân rộng các mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường,
xây dựng cảnh quan môi trường, đề xuất Đề án “Đẩy mạnh vai trò
của phụ nữ Thủ đô tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn
minh”.
Đón đầu góp phần
tạo ra nhiều giá trị mới cho phụ nữ
Trong tham luận
gửi đến Đại hội, đại biểu Ngô Thị Hồng Hảo - Chủ tịch
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa bày tỏ sự thống nhất cao với
những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, đặc biệt việc Trung ương
Hội ban hành “Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ
nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035”, cùng với phương châm:
“Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện
đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ” đã
phân công nhiệm vụ (phân vai, phân việc) rõ ràng cho từng cấp Hội,
từ đó tạo cơ sở để các cấp Hội vận dụng linh hoạt, đổi mới, sáng
tạo và bứt phá trong triển khai hoạt động.
Là địa phương có số phụ nữ lớn thứ 3 cả nước, ngay từ đầu nhiệm
kỳ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã chủ động thay đổi
tư duy, đổi mới công tác lãnh đạo với bứt phá sáng tạo và bám
sát trục xoay chính đó là: Chiến lược phát triển tổ chức Hội,
nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực tiễn yêu cầu, điều kiện,
nguyện vọng chính đáng của từng nhóm đối tượng để xây dựng
chương trình, kế hoạch hành động.
Với quyết tâm cao,
nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hệ thống Hội trong tỉnh đã tổ
chức vận động, tập hợp, phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần đổi
mới, sáng tạo của phụ nữ, tạo sự đột phá trong công tác Hội và
phong trào phụ nữ thông qua việc xây dựng các mô hình điểm phù hợp
với từng đối tượng, vùng miền, mang tính đột phá như: Đổi mới
công tác tuyên truyền: thực chất, hình thức phù hợp đối tượng,
nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, kết hợp nhiều loại hình, phương
thức, phương tiện, phát huy hiệu quả của truyền thông hiện đại; tập
trung chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực như:
1.255 “Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm”, 697
“Làng quê, khu dân cư an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, 2.270 mô hình
“Nhà sạch - vườn mẫu”, “Nhà sạch - vườn đẹp”, “Biến rác thành
tiền”…
Trong 5 năm, toàn tỉnh xây dựng được 177 mô hình kinh tế trong đó
có 65 hợp tác xã, giúp 15.075 hộ thoát nghèo. Nhiều mô hình đã
phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa, được cấp ủy, chính quyền ghi
nhận, đánh giá cao, được hội viên tin tưởng, coi đây là điểm đến
trong sinh hoạt hội viên, là mái nhà chung để gửi gắm tâm tư, là
địa chỉ tin cậy để chia sẻ kiến thức về pháp luật, về phát triển
kinh tế, tổ chức cuộc sống gia đình, nâng cao tinh thần tương trợ,
giúp đỡ nhau trong đời sống cộng đồng, từ đó thu hút ngày càng
nhiều hội viên tham gia, gắn bó với tổ chức Hội, góp phần tăng tỷ
lệ thu hút hội viên theo từng năm và hiện đạt 82%.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa cho biết, thành quả
trên là kết quả của sự đoàn kết, đổi mới tư duy, chủ động, sáng
tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với những khó
khăn, thách thức của mỗi cán bộ Hội trong đó người lãnh đạo có
vai trò then chốt; luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương,
định hướng của Trung ương Hội và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng
của phụ nữ, đặc biệt là huy động được sự vào cuộc của cả hệ
thống, sự đồng lòng của hội viên, phụ nữ trong triển khai các
chương trình, hoạt động…
Nguồn:tuyengiao.vn