Định hướng sống xanh
Giải quyết những thách thức về môi trường đi đôi với phát triển kinh tế- xã hội là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh để tạo đà tăng trưởng xanh trong chiến lược phát triển ổn định, bền vững

Định hướng chiến lược và quy hoạch phát triển của tỉnh đều nhận thức, tăng trưởng xanh là xu thế phát triển của thời đại, là bước chuyển biến thích hợp gắn với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số. Vì vậy Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025 với mục tiêu tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách thực sự là sự khởi động về định hướng sống xanh, tăng trưởng xanh trong tương lai của tỉnh.

Hệ thống vận hành thông minh của Nhà máy đốt rác phát năng lượng tại huyện Lương Tài.

Sau 3 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025 cho thấy, cơ bản các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nội dung của Đề án như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; phát động các phong trào làm sạch ruộng đồng, đường làng ngõ xóm, phong trào chống rác thải nhựa, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường...; tổ chức tốt việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng; triển khai hiệu quả mô hình phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình sử dụng vi sinh bản địa IMO; cơ bản các điểm tập kết rác thải tại các địa phương đã áp dụng biện pháp đánh đống, phun chế phẩm vi sinh, hạn chế phát tán mùi và dọn dẹp vệ sinh thường xuyên; một số địa phương chưa có khu xử lý chất thải tập trung tăng cường hiệu quả hoạt động của các lò đốt công suất nhỏ hiện có và xử lý rác cho các địa phương lân cận; các địa phương đang tập trung lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải khu vực đô thị, nông thôn… Điều này cho thấy, xu hướng sống xanh đang hiện hữu ở tất cả các địa phương trong tỉnh.  
Xây dựng Nhà máy xử lý chất thải thông minh, tiết kiệm năng lượng là bước đi đầu tiên, trọng tâm cho mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững của tỉnh. Trong năm 2023 này, 4 Nhà máy xử lý chất thải thông minh phát năng lượng sẽ đi vào vận hành, giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng về chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, Nhà máy đốt rác phát năng lượng tại huyện Lương Tài do Công ty TNHH năng lượng mới EU - Conch Venture Bắc Ninh làm chủ đầu tư, dự kiến tháng 7-2023 đi vào vận hành, hiện cơ bản đã hoàn thành đầu tư xây dựng; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng, xã Phù Lãng (Quế Võ) do Công ty cổ phần môi trường năng lượng Thăng Long làm chủ đầu tư đã hoàn thành 85% khối lượng công việc, dự kiến vận hành thử nghiệm vào tháng 10 năm nay; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái (Thuận Thành) do Công ty TNHH năng lượng xanh T&J làm chủ đầu tư đã hoàn thành 80% khối lượng công việc, đang đốc thúc đẩy nhanh tiến độ để đi vào hoạt động cuối năm nay; dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt phát điện do Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh làm chủ đầu tư đã nghiệm thu hoàn thành về xây dựng, môi trường, đấu nối điện, được vận hành thử nghiệm, hiện đang chờ cấp phép hoạt động điện. Tỉnh đang chỉ đạo, đốc thúc các sở, ngành, địa phương liên quan dồn lực tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc cho các Nhà máy để vận hành theo đúng tiến độ cam kết với tỉnh, nhằm xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt, bổ sung nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng cũng là nội dung quan trọng trong quyết tâm chính trị làm sạch môi trường của tỉnh. Các Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn (Yên Phong); làng giấy Phong Khê, phường Phong Khê; sản xuất bún, phường Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh) cũng đang triển khai tích cực theo đúng lộ trình của các Đề án đã được phê duyệt. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 30-3-2022 quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đệm quan trọng để tiến tới giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy sự phát triển hài hoà, bền vững. Hiện nay, các địa phương có làng nghề hầu hết đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề; thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình chuyển đổi, di dời đối với một số làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều năm; tăng cường quản lý chất thải, giám sát việc xả thải của các cơ sở sản xuất và mạnh tay trong xử lý các vi phạm về môi trường làng nghề…, đã tạo sự chuyển biến tích cực ở một số làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng như Giấy Phong Khê, CCN Phú Lâm (Tiên Du); cô đúc nhôm, xã văn Môn…
Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Đề án tổng thể bảo vệ môi trường của tỉnh giai đoạn 2019-2025 đã thực sự huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Môi trường khu vực đô thị, nông thôn, các KCN đều được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hệ thống xử lý môi trường bảo đảm theo quy định. Nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, vì cuộc sống xanh, sạch, đẹp và sự phát triển bền vững thực sự có chuyển biến lớn. Tuy nhiên, việc chuyển hướng nền kinh tế sang tăng trưởng xanh, hướng đến sống xanh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh sẽ là bước chuyển tư duy và thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh trong từng giai đoạn, ở từng địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh công nghiệp, năng động, thông minh.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập