Điều chỉnh “lệch chuẩn” trên mạng xã hội

Có hiệu lực từ ngày 17-6, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận bởi sự cần thiết. Nhiều ý kiến cho rằng, bộ quy tắc này với những chuẩn mực ứng xử trên môi trường mạng sẽ trở thành “hàng rào” cần có để người dùng biết được chừng mực và giới hạn của mình trên MXH. Qua đó, điều chỉnh “lệch chuẩn” và hình thành thói quen ứng xử tích cực, phòng ngừa thông tin xấu độc làm vẩn đục môi trường mạng.


Định hướng cần thiết cho người dùng MXH
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là tập hợp tất cả các quy định về hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng và có tính chất khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Do đó, việc tuyên truyền, áp dụng kịp thời Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết, hướng đến giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực của người dùng mạng xã hội, góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường thông tin.
Với 3 chương, 9 điều, Bộ quy tắc ứng xử trên MXH gồm: Quy tắc ứng xử chung (tôn trọng, tuân thủ pháp luật, lành mạnh, an toàn, bảo mật thông tin, trách nhiệm); Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước; Quy tắc ứng xử cho các cơ quan nhà nước; Quy tắc cho các nhà cung cấp dịch vụ MXH.
Điều 4 về quy tắc ứng xử của tổ chức, cá nhân ghi rõ: Không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; Không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Bộ quy tắc cũng khuyến khích sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, đồng thời chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy...
Theo các chuyên gia, nếu Luật An ninh mạng là quy định cứng thì Bộ quy tắc ứng xử là “giải pháp mềm” giúp điều chỉnh những “ngóc ngách” mà quy định pháp luật chưa với tới, để mỗi khi bước vào không gian mạng, người sử dụng sẽ biết cân nhắc, điều chỉnh và chịu trách nhiệm trước những cú nhấp chuột...  

 

Tính đến năm 2021, Việt Nam đạt mốc hơn 68 triệu người dùng Facebook và hiện đang đứng thứ 7 thế giới về tỉ lệ người sử dụng MXH lần lượt sau các nước: Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Mexico và Philippines. Số người dùng MXH vẫn tiếp tục tăng nhanh, không chỉ trên Facebook mà còn trên các nền tảng Youtube, Google, Tiktok, Instagram...
Điều đáng nói là Chỉ số văn minh trực tuyến (DCI) ở Việt Nam đang ở mức báo động, Microsoft xếp Việt Nam trong nhóm 5 quốc gia kém văn minh nhất trên Internet, chỉ đứng sau Nam Phi, Peru, Columbia và Nga.

 
Ông Vũ Huy Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền nội dung Bộ quy tắc sâu rộng đến toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sở cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh hướng dẫn, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sau rộng trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động; đồng thời tăng cường theo dõi, tổng hợp việc thực hiện của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân; tập trung kiểm tra giám sát thông tin trên MXH; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...
Khuyến nghị mỗi người dân, mỗi “cư dân mạng” cần nhận thức rõ việc giao tiếp, tương tác trên MXH, có cách ứng xử văn hóa, trách nhiệm và trên hết là phải tuân thủ các quy định pháp luật. Cán bộ, đảng viên nắm chắc các quy định, quy tắc này để vận động, tuyên truyền quần chúng nhân dân thực hiện, từ đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, lan tỏa giá trị tích cực, tốt đẹp của MXH.


Ứng xử văn minh trên không gian mạng
Không thể phủ nhận sự phát triển của MXH đã mang lại rất nhiều lợi ích cho con người, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Nhiều nền tảng MXH đã trở thành phương tiện truyền thông, tương tác, giải trí hàng đầu được nhiều người dân quan tâm, ưa chuộng sử dụng.
Song thực tế nhiều người tự cho mình cái quyền “trang cá nhân của tôi, muốn nói gì là việc của tôi”. Có những đối tượng lợi dụng MXH để truyền bá luận điệu sai trái, đưa ra thông tin xấu độc, hành vi phản văn hóa, trái thuần phong mỹ tục, sử dụng ngôn từ tục tĩu để thóa mạ, chửi bới người không cùng quan điểm. Đặc biệt, các thế lực thù địch lợi dụng Internet, mạng xã hội để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Trong khi đó, không ít người dân kém hiểu biết bị dẫn dụ tin vào những thông tin thiếu kiểm chứng, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đã đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho công tác quản lý.
Tại Bắc Ninh, theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, một bộ phận không nhỏ “cư dân mạng”, nhất là giới trẻ do thiếu kiến thức, nhận thức pháp luật và kỹ năng sử dụng MXH nên “vô tư” phát ngôn, chia sẻ những thông tin sai lệch, phiến diện; bày tỏ những quan điểm, thái độ cực đoan... Gần đây nhất là những trường hợp cố tình chia sẻ những thông tin, hình ảnh sai sự thật về tình hình, diễn biến dịch bệnh của tỉnh, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương.
Mạng ảo nhưng người sử dụng là thật và những ảnh hưởng, tác động của MXH cũng rất thật. Việc ứng xử thiếu văn hóa ngày hôm nay rất có thể sẽ đưa đến tình thế khó xử hoặc phải nhận hậu quả xấu sau này. Như trường hợp một nghệ sĩ có tiếng vừa bị miễn chức vụ công tác bởi phát ngôn phản cảm thời gian gần đây. Hoặc một số cá nhân chia sẻ, đăng tải, phát tán những clip, thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật trong thời gian dịch COVID-19 đã bị xử phạt... là bài học cảnh tỉnh đắt giá.
Ứng xử văn minh trên MXH quan trọng không kém ứng xử ngoài đời thật, thậm chí còn có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với đời thực vì MXH không có giới hạn, tốc độ lan truyền khủng khiếp, tương đương tốc độ ánh sáng. Xét đến cùng, chìa khóa của vấn đề là phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục dân trí và ý thức cá nhân trong cộng đồng. Trước sự ồ ạt, nhiễu loạn của thông tin trên MXH hiện nay, chúng ta cần tỉnh táo suy xét, nhìn nhận và lý giải thấu đáo trước khi quyết định like, chia sẻ, bình luận hay đăng tải clip, livetream trên MXH. Ứng xử nhân văn, phù hợp để không làm tổn thương đến mình và những người khác...

 

                                       Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập