Bắc Ninh trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp sản xuất điện tử công nghệ cao.
Khép lại năm 2022, Bắc Ninh tiếp tục là địa phương xếp thứ 4 cả nước về thu hút vốn FDI và duy trì vị thế là trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu Việt Nam. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với công nghiệp mũi nhọn là điện tử, công nghiệp công nghệ cao. Sự xuất hiện của các tập đoàn lớn, của những thương hiệu toàn cầu như: Samsung, Foxconn; Canon; Goertek… quảng bá hình ảnh một Bắc Ninh mới, điểm đến của công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trên địa bàn tỉnh cũng hình thành 9 tổ chức và 10 doanh nghiệp KH&CN bước đầu tạo ra sự kết nối, tạo dựng thị trường KH&CN.
Trong nông nghiệp, nhắc đến Bắc Ninh là nhắc đến các sản vật quý như: gạo nếp Tam Sơn, cà rốt Gia Bình, khoai tây Quế Võ, bánh phu thê Đình Bảng… Cùng với sự đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, toàn tỉnh hình thành 1.105 vùng lúa năng suất, chất lượng với quy mô mỗi vùng từ 3 ha trở lên; hơn 70 vùng rau màu chuyên canh (quy mô từ 5 ha trở lên) với các sản phẩm chủ lực như: Cà rốt, khoai tây, bí, hành, tỏi, rau xanh các loại...; 24 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung... Nhiều sản phẩm hàng hóa truyền thống, đặc sản của tỉnh được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, cấp chứng nhận bảo hộ về sở hữu trí tuệ, trong đó đã xây dựng được 21 thương hiệu thuộc sở hữu chung của cộng đồng bằng các hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý… giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Bắc Ninh ban hành Chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Chính phủ. Theo ông Lê Xuân Tâm, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh, đây là cơ sở để xây dựng các chính sách; đồng thời là căn cứ để xác định định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Với mục tiêu đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng; đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chương trình đề ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030: tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân đạt trên 50%/ năm; chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì hơn 0,78; tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 90-100% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 15 người trên một vạn dân; có 1-3 tổ chức KH&CN được xếp hạng trong nước và khu vực; tăng thêm 10 đến 15 doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp KH&CN; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Hoàn thành xây dựng chính phủ số, thuộc nhóm địa phương đứng top đầu cả nước về chính phủ điện tử, kinh tế số;…
Ngành KH&CN Bắc Ninh tham mưu với UBND tỉnh triển khai 9 giải pháp thiết thực nhằm hiện thực hóa những nội dung của Chương trình. Đó là đổi mới cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo của tỉnh; Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Phát triển các đơn vị nghiên cứu, cơ sở giáo dục, đào tạo và các tổ chức KH&CN khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh; Phát triển nguồn nhân lực KH&CN và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao; Phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng KH&CN và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KH&CN và đổi mới sáng tạo; Tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức về KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Với sự đầu tsư mạnh mẽ cho KH&CN, đổi mới sáng tạo theo nội dung Chương trình, Bắc Ninh sẽ từng bước tháo gỡ được những điểm nghẽn, mở khóa cánh cửa phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, tiếp tục đón dòng đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới.